Phát triển tỉnh về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá

08/11/2023 - 06:52

BDK - Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá của tỉnh. Mục tiêu phát triển về hướng Đông là phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế biển là trọng tâm gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực qua tuyến đường động lực ven biển, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng. Hình thành khu kinh tế biển Việt Nam gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam về nội dung trên. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam kiểm tra tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Cẩm Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam kiểm tra tiến độ thi công cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: Cẩm Trúc

* Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí cho biết những kết quả nổi bật sau 3 năm tỉnh triển khai thực hiện chủ trương phát triển về hướng Đông?

- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam: Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt trọng tâm phát triển tỉnh về hướng Đông là nhiệm vụ then chốt, đột phá của tỉnh. Đây được xem là tư duy mang tính đột phá, dựa trên tiềm năng của địa phương và sự kế thừa những giá trị to lớn trong lịch sử. Đồng thời, khai thác và phát huy những thế mạnh về kinh tế 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

Qua 3 năm triển khai chủ trương phát triển về hướng Đông, tỉnh đã đạt những thành tựu, kết quả ban đầu trên các lĩnh vực quan trọng. Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) 3.056ha, đạt 76,4% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (4 ngàn ha). Tổng sản lượng nuôi tôm ứng dụng CNC đạt 131.032 tấn, đạt 55,7% kế hoạch. Giá trị sản xuất ngành chế biến thủy sản tăng từ 4.200 tỷ đồng năm 2021 lên 5 ngàn tỷ đồng vào năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng từ 64,7 triệu USD năm 2021 lên 90 triệu USD vào năm 2023, chiếm trung bình hàng năm từ 5,13 - 5,88% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tổng sản lượng khai thác thủy sản lũy kế đạt 180.543 tấn, giữ vững khai thác ổn định khoảng 200 ngàn tấn/năm. Dự kiến tăng 30% vào năm 2025 và tăng 60% vào năm 2030 so với năm 2020.

Tỉnh đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái; hình thành các KCN, CCN dọc tuyến đường ven biển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 KCN đang hoạt động ổn định, với tỷ lệ lấp đầy 100%. KCN Phú Thuận đang triển khai đầu tư. Có 17 nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư vào KCN Phú Thuận (chiếm 85% diện tích đất có khả năng cho thuê).

Đến nay, có 9/19 dự án điện gió đã triển khai thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 365,9MW, lũy kế tổng công suất đóng điện hòa lưới đến nay 250,75MW, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục đóng điện đưa vào vận hành với công suất 115,15MW điện gió. Còn lại 10/19 dự án điện gió (với công suất 640MW) đang triển khai các thủ tục pháp lý trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Tỉnh đang trình Bộ Công Thương xem xét cập nhật dự án điện khí hóa lỏng có công suất 3 ngàn MW vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Hiện tại, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện.

Tỉnh đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất Hydro xanh. Tổng diện tích khoảng 22,7ha, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng. Khi nhà máy Hydro xanh đi vào hoạt động, tỉnh sẽ lấy một phần sản lượng điện gió ở ngoài biển cấp cho nhà máy, tạo ra giá thành những sản phẩm rẻ hơn, cạnh tranh tốt ở thị trường thế giới.

Triển khai đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm khu vực biển qua tuyến quốc lộ (QL) 57, 57B, 57C. Thực hiện đầu tư mở rộng QL.57 đoạn từ Mỏ Cày Nam đến Khâu Băng, huyện Thạnh Phú; trục giao thông từ QL.60 đi KCN Phú Thuận; đường kết nối Bình Đại - Giồng Trôm - Mỏ Cày Nam; đường giao thông kết hợp đê ngăn mặn Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú… Đồng thời, tỉnh chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục có liên quan để khởi công một số hạng mục trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh…

* Trong quá trình thực hiện còn gặp những khó khăn, hạn chế nào?

- Trong quá trình triển khai phát triển tỉnh về hướng Đông đã đạt được những kết quả tích cực như đã nêu. Tuy nhiên, cũng còn khó khăn nhất định như: Hạn chế về nguồn vốn thực hiện các công trình, dự án, chương trình đã đề ra; quỹ đất sạch kêu gọi, thu hút nhà đầu tư. Hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, nhất là giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Tỉnh chưa thu hút được các dự án quy mô lớn tạo đột phá cho phát triển…

Ngoài ra, nguồn cát nước ngọt khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công san lấp mặt bằng, kéo theo ảnh hưởng tiến độ hạ tầng khác có liên quan, đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ tổng thể chung của các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

* Hướng tới, tỉnh sẽ tập trung những nhiệm vụ, giải pháp nào?

- Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển tỉnh về hướng Đông, tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; tạo đột phá một số ngành kinh tế biển như: năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp, đô thị ven biển; phát triển thương mại dịch vụ.

Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải như: hạ tầng bến cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng tập trung gần các KCN, khu vực sản xuất tập trung. Tăng cường hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư các dự án phát triển KCN, CCN, khu đô thị, khu lấn biển...

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, chương trình trọng điểm, nhất là cầu Rạch Miễu 2, Đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2, hạ tầng KCN Phú Thuận; khởi công mới các dự án cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh, cầu Ba Lai 6 trên tuyến đường Bắc Nam; đầu tư xây dựng Đường cảng Giao Long đến KCN Phú Thuận… Đồng thời, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố kết hợp với xúc tiến đầu tư để huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư các công trình, dự án KCN, CCN, đô thị, cảng sông, cảng biển, công nghiệp chế biến thủy sản, du lịch biển... trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các huyện biển.

Bên cạnh việc đẩy mạnh liên kết phát triển giữa tỉnh với các tỉnh tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh cũng tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh trên các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh liên kết qua tuyến hành lang ven biển, mở ra không gian phát triển mới.

* Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Tiền Giang để triển khai đầu tư tuyến động lực ven biển, nhất là xác định vị trí đấu nối, giải phóng mặt bằng… để sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu vượt sông Tiền. Tỉnh phối hợp tích cực với Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cầu Rạch Miễu 2. Tỉnh sẽ phối hợp với tỉnh Trà Vinh để xác định vị trí đấu nối tuyến động lực ven biển, đề xuất Trung ương ưu tiên bổ sung nguồn vốn để sớm đầu tư đoạn tuyến này. Tỉnh cũng phối hợp với tỉnh Vĩnh Long kiến nghị với Trung ương về việc đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương thức PPP. Tỉnh cũng sẽ tích cực và chủ động tham gia các hoạt động liên kết vùng với vai trò là thành viên Hội đồng điều phối vùng, góp phần cùng với các địa phương phát triển vùng đất “chín rồng” thành khu vực năng động và thịnh vượng”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam)

Cẩm Trúc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN