Thạnh Phú huy động nguồn lực phát triển kinh tế hướng Đông

22/08/2022 - 05:34

BDK - Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, huyện Thạnh Phú đã tích cực triển khai huy động nguồn lực đầu tư các lĩnh vực trên địa bàn huyện. Bước đầu, huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế theo chủ trương phát triển về hướng Đông.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại hộ bà Phan Thị Mỹ Linh, xã Thạnh Hải. Ảnh: CTV

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại hộ bà Phan Thị Mỹ Linh, xã Thạnh Hải. Ảnh: CTV

Đầu tư các ngành kinh tế chủ lực

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 1.004 tỷ đồng, đạt 43,07% kế hoạch. Trên địa bàn huyện, có 3 dự án do tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ, với tổng kinh phí 202 triệu đồng để thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cộng đồng, xây dựng nhà vệ sinh…

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 37,341 tỷ đồng, đạt 55,98% so với dự toán pháp lệnh tỉnh giao, đạt 53,34% dự toán huyện giao và bằng 100,3% so với cùng kỳ. Một số khoản thu đạt tỷ lệ cao như: phí và lệ phí 71,84%, thuế thu nhập cá nhân 62,17%, thu tiền sử dụng đất 75,13%...

Xác định kinh tế chủ lực là nông nghiệp và thủy sản, huyện đã quan tâm tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín và cấp nước chính trên địa bàn huyện. Hiện nay, Dự án hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành, giai đoạn 2 đang triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Khi dự án này hoàn thành đưa vào sử dụng, hệ thống thủy lợi đối với các xã vùng ngọt hóa đã cơ bản được khép kín.

Dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Đối với vùng quy hoạch phát triển tôm công nghệ cao, huyện sẽ lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án phù hợp. Đồng thời, huyện kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng để đầu tư cho vùng mang tính đồng bộ và khai thác tối đa lợi thế kinh tế biển.

Hiện cảng cá có tổng diện tích để bố trí cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ 21.087m2 và đã có 8 cơ sở đến đầu tư hoạt động trong cảng, với tổng diện tích đã sử dụng 20.890m2.

Công tác xây dựng thương hiệu và OCOP tiếp tục được đẩy mạnh. Huyện đã hỗ trợ xây dựng 2 sản phẩm đạt công nhận nhãn hiệu chứng nhận (xoài tứ quý Thạnh Phú và Giồng Luông) và 4 sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, gồm: ruốc Tuyết Hồng của Công ty TNHH QT Hải Sản Xanh (đạt 3 sao); khô cá đù đỏ 1 một nắng, khô cá rô phi 1 nắng và khô cá bông lau 1 nắng của Công ty TNHH Chế biến thủy sản Phát Huy (đạt 4 sao).

Công nghiệp và thương mại

Đến nay, tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện 915 cơ sở. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh 32,48 tỷ đồng. Thu hút trên 3.725 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 120 tỷ đồng, đạt 36,39% kế hoạch, tăng 6,28% so với cùng kỳ.

Các nguồn vốn khuyến công được ưu tiên bố trí sớm để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư mở rộng sản xuất như: nguồn vốn khuyến công huyện hỗ trợ Công ty TNHH QT Hải Sản Xanh đầu tư máy móc thiết bị sản xuất chả tôm, xúc xích tôm, chả giò, chả cá, với kinh phí 62,3 triệu đồng. Nguồn vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh đầu tư hệ thống băng tải dừa và ủ phân hữu cơ với kinh phí 150 triệu đồng.

 UBND huyện đã ban hành kế hoạch về phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, huyện đã đề xuất tỉnh xin điều chỉnh vị trí Cụm công nghiệp An Nhơn sang vị trí mới (khu C2 xã Thạnh Phong) và xin chủ trương thành lập Khu công nghiệp An Nhơn. Huyện đã phối hợp với các sở, ngành tỉnh mời gọi các nhà đầu tư đến khảo sát để khi có đầy đủ các thủ tục thành lập khu công nghiệp sẽ triển khai thực hiện.

Thời gian qua, huyện đã tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn chỉnh Trung tâm Thương mại thị trấn Thạnh Phú. Đồng thời, huyện kêu gọi đầu tư chợ Thạnh Hải, chợ Giồng Bảy xã An Nhơn, chợ Giồng Chùa xã Mỹ Hưng và chợ An Điền.

Nhiệm vụ thời gian tới

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng, trong 6 tháng cuối năm 2022, huyện tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Huyện phối hợp có hiệu quả với tỉnh thực hiện khảo sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách, kiến nghị thu hồi một số dự án không thực hiện theo tiến độ đăng ký để tạo dư địa thu hút đầu tư. Quan tâm hỗ trợ Công ty cổ phần Thương mại - Đầu tư - Phát triển Do Holdings triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác với tỉnh đối với các nội dung có liên quan đến huyện.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng Văn hóa du lịch Thạnh Hải - Thạnh Phong; chủ động xây dựng các hình ảnh, tin bài giới thiệu các điểm du lịch đăng tải trên website du lịch của tỉnh. Thu hút đầu tư hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối, bán lẻ và nâng cấp chợ nông thôn, kêu gọi đầu tư chợ Giồng Bảy, xã An Nhơn và chợ An Điền. Đôn đốc nhà đầu tư giải quyết dứt điểm những vướng mắc phát sinh để đưa dự án Trung tâm Thương mại và các chợ của Khu dân cư thị trấn Thạnh Phú đi vào hoạt động. Huyện phối hợp Trường Đại học Hưng Yên thực hiện đề tài Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo của huyện Thạnh Phú; tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận Giồng Luông.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN