Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh

08/11/2023 - 06:52

BDK - Thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương, thời gian qua, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường TMĐT đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại.

Mô hình “Chợ 4.0” được triển khai thực hiện tại 6 điểm chợ trên địa bàn tỉnh.

Mô hình “Chợ 4.0” được triển khai thực hiện tại 6 điểm chợ trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp          

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 50% số xã và đơn vị hành chính có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 50% doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng giao dịch TMĐT; 70% DN ứng dụng TMĐT trên thiết bị di động; hơn 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền hình triển khai hợp đồng điện tử với người dùng; hơn 10 ngàn lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ nhà nước, sinh viên tham gia các khóa đào tạo kỹ năng ứng dụng TMĐT.

Trên cơ sở cơ chế chính sách của Trung ương, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh tập trung cho công tác tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT. Thông qua các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN, hợp tác xã và cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về mức độ phát triển TMĐT. Các hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.

Tập trung hỗ trợ các DN, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại trên môi trường số, TMĐT; hỗ trợ, giới thiệu DN đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT Bến Tre và các sàn TMĐT trong và và ngoài nước như: Amazone, Alibaba, Shopee, Lazada, Sendo, PostMart.vn,Voso.vn… để giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại địa phương.

Các nhiệm vụ trọng tâm

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện cho phát triển TMĐT tại địa phương giai đoạn 2026 - 2030 được tỉnh đặt ra là: Tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức về TMĐT. Nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT bằng một số hoạt động như: Tổ chức điều tra, thu thập số liệu thống kê về tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh hàng năm; thực thi pháp luật trên lĩnh vực TMĐT; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về TMĐT.

Tập huấn, đào tạo, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng, quản lý, giao dịch TMĐT, ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, các biện pháp an toàn thông tin, ứng dụng các giải pháp TMĐT mới, tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lựa chọn những DN có nhu cầu cao trong việc ứng dụng TMĐT để tạo ra các mô hình ứng dụng TMĐT điển hình, làm mẫu cho các DN khác học tập.

Tổ chức hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên đề về TMĐT, cập nhật thông tin từ các ngành chuyên môn, chuyên gia, DN trong lĩnh vực TMĐT về xu hướng phát triển và những giải pháp phù hợp, hiệu quả trong tương lai.

Bên cạnh đó, ứng dụng các giải pháp TMĐT, như: Cung cấp, cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của tỉnh và danh bạ DN xuất khẩu trên Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam - VNEX, tham gia Cổng TMĐT quốc gia - ECVN; tham gia sàn giao dịch TMĐT; xây dựng website TMĐT; xây dựng, quảng bá thương hiệu; tổ chức các hoạt động giao dịch TMĐT…

Nhằm phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số (CĐS) của DN, tỉnh triển khai Đề tài “Số hóa cơ sở dữ liệu để quản lý hệ thống kinh doanh trên địa bàn tỉnh”; triển khai mô hình “Chợ 4.0” với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay đã triển khai thực hiện mô hình “Chợ 4.0” tại 6 chợ với hơn 800 tiểu thương và các điểm xung quanh chợ tham gia, tổng lượt giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên 7.000 giao dịch. Có 9 tổ CĐS cộng đồng cấp huyện, thành phố; 157 tổ CĐS cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn và 664 tổ CĐS cộng đồng cấp ấp, khu phố được thành lập, với trên 7.097 thành viên…

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN