Hợp tác công tư cùng phát triển bền vững

30/10/2012 - 15:26
Nông dân xã Long Thới (Chợ Lách) được Dự án DBRP hỗ trợ cây giống theo mô hình PPP. Ảnh: NP

Từ đầu năm đến nay, DBRP Bến Tre đã đầu tư 8 hoạt động theo hình thức PPP, với tổng số tiền gần 300 triệu đồng và tạo được 284 việc làm mới, trong đó có 160 nữ, 101 người nghèo.

Hợp tác công tư (PPP) là hoạt động mà Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp một dịch vụ công hay một lĩnh vực nào đó. Với Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre), điểm khác trong thực hiện PPP là không chia sẻ lợi nhuận, rủi ro với các đơn vị hợp tác đầu tư, mà nhằm tạo thêm cơ hội việc làm cho người nghèo, tạo điều kiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa những nhóm hợp tác và doanh nghiệp, tạo cơ hội kinh doanh cho các tổ chức và cá nhân trong phạm vi tác động của Dự án.

Dù chỉ là điểm khởi đầu, nhưng nhiều hoạt động PPP trở thành nhịp nối quan trọng, làm bật dậy tiềm năng sản xuất kinh doanh ở nông thôn.

Với 10 máy may, nhóm may gia công ấp Hàm Luông (xã Tân Phú - Châu Thành) do chính chủ nhân Đỗ Thị Cẩm Phương làm nhóm trưởng được thành lập và hoạt động theo quy chế. Nhưng theo chị Phương, tiềm năng lao động ở ấp không phải chỉ có bấy nhiêu mà còn rất nhiều chị em muốn được may tại nhà. Nhưng, bản thân là hộ nghèo, bắt đầu từ nghề làm mướn nên mua được 10 máy may cũ với chị đã là quá sức. Và, DBRP Bến Tre đã bắc nhịp cho chị em ở đây bằng việc đầu tư thêm 10 máy may công nghiệp, theo hình thức PPP. Hiện nhóm của chị Phương có 19 máy may công nghiệp và 1 máy vắt sổ, giúp 24 chị có việc làm ổn định, trong đó có 16 chị thuộc hộ nghèo và cận nghèo, 8 chị có hoàn cảnh khó khăn. Cũng như chị Phương, nhóm may của chị Nguyễn Thị Thùy Hương (ấp Bình Phú - xã Thạnh Trị - Bình Đại) cũng được Dự án trang bị thêm 10 máy may công nghiệp. Nhờ vậy, số lượng lao động ở nhóm hợp tác này tăng từ 15 lao động lên 36 lao động và số lượng hàng hóa gia công cũng tăng lên gấp đôi.

Các hoạt động đầu tư PPP mà DBRP Bến Tre thực hiện trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong thời gian qua là mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở hoạt động sẵn có. Đó có thể là hỗ trợ trang thiết bị hoặc nhà xưởng, như hỗ trợ máy chặt cán chổi ở Thành An, Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc), máy đan thảm tre ở Phú Phụng (Chợ Lách). Còn cơ sở bó chổi Sáu Luyến (Mỹ An - Thạnh Phú), DBRP đầu tư 50% trong tổng số tiền gần 100 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng. Theo ông Nguyễn Trung Chương - Phó Giám đốc DBRP, hợp tác này nhằm tạo điều kiện để cơ sở bó chổi mở rộng quy mô kinh doanh, vừa dạy nghề, nhận thêm lao động và tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ nghèo ở xã Mỹ An và một số xã lân cận. Mỹ An hiện có đến 80 cơ sở lớn, nhỏ làm nghề bó chổi và được công nhận Làng nghề vào năm 2010. Nghề này cũng đang được mở rộng sang nhiều huyện: Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm.

Không phải chỉ ở lĩnh vực phi nông nghiệp, một số mô hình PPP còn được đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp. Đó là sự kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hình thành chuỗi giá trị đầu vào - đầu ra cho sản phẩm. Ông Ngô Văn Kiếm - Giám đốc Khối sản xuất Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cho biết, Công ty cần có nguồn nguyên liệu ổn định, còn người trồng dừa được mua bán đúng giá thị trường và lúc nào cũng có nhà tiêu thụ ổn định là lý do Công ty tham gia mô hình PPP của Dự án. Châu Bình (Giồng Trôm), Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc) và Minh Đức (Mỏ Cày Nam) là 3 xã thực hiện thí điểm mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa trái của Betrimex. Theo ông Hồ Vĩnh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, việc tổ chức tập hợp những người trồng dừa lại với nhau là nhằm phát huy vị thế nhóm, làm cầu nối, rút ngắn khoảng cách giữa nông hộ trồng dừa với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến. Đặc biệt, việc liên kết này giúp nông dân “có tiếng nói” với chính sản phẩm hàng hóa do mình sản xuất.

Xây dựng mô hình PPP, Dự án DBRP không phải chỉ đầu tư trang thiết bị cho chủ cơ sở, doanh nghiệp mà còn đầu tư trực tiếp cho nông dân. Chẳng hạn, mô hình kiểng lá ở Long Thới (Chợ Lách). Hỗ trợ cây giống cho tổ hợp tác theo phương thức các hộ nghèo góp vốn 30%, phần còn lại do Dự án hỗ trợ. Đồng thời, tổ này được gắn kết với doanh nghiệp tại địa phương (Thanh Lá Nghệ Thuật) bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Dù chỉ mới chính thức triển khai trong năm 2012 và cũng là những mô hình PPP đầu tiên ở Bến Tre trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhưng đây được xem là bước khởi đầu khá ấn tượng. Hơn nữa, DBRP Bến Tre không phải chỉ dừng lại ở việc xây dựng mô hình mà còn đẩy mạnh ở khâu mở rộng thị trường đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn, với nhóm may ở Tân Phú, Dự án đã tạo điều kiện cho chị Cẩm Phương đến TP. Hồ Chí Minh kết nối cơ sở may Huyền Trang để có thêm nguồn hàng ổn định và giá gia công cao hơn. Còn xã bó chổi Mỹ An đang được DBRP tiếp tục hỗ trợ các thủ tục xây dựng thương hiệu, chuẩn bị các bước để tiến tới thành lập hợp tác xã bó chổi.

Nói về mô hình hợp tác công tư, ông Nguyễn Trung Chương cho biết, Dự án không chỉ giới hạn việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động ở các xã trong vùng Dự án mà còn mở rộng tới các xã có điều kiện, nhằm giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Các lĩnh vực đầu tư theo mô hình PPP do Dự án DBRP Bến Tre thực hiện gồm: ngành nghề truyền thống và tiểu thủ công nghiệp có lợi thế, hiệu quả của địa phương, như: may mặc, bó chổi cọng dừa, đan đát, những sản phẩm sơ chế từ sản phẩm/phụ phẩm nông nghiệp…..; nông, lâm, thủy sản, gồm các hoạt động nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm, ngành hàng đã được lựa chọn để nâng cấp chuỗi giá trị như: dừa, cacao, nghêu, tôm, sò, heo, bò, lúa, cây kiểng, rau an toàn, sản xuất cây giống…; đào tạo nghề nông thôn phục vụ các lĩnh vực này.

(Theo Quy chế PPP của DBRP Bến Tre).

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích