Đoàn đại biểu cựu cán bộ Trung ương Cục miền Nam đến thăm Khu di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (năm 2015). Ảnh: Tường Vy
Từ vị trí địa lý và tiềm năng thế mạnh của địa phương, Mỏ Cày Bắc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là điều tất yếu. Để khơi dậy và đẩy mạnh “ngành công nghiệp không khói” này phát triển ngang bằng với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, huyện đã đề ra chương trình và bắt đầu “vào cuộc”.
Định hướng phát triển giai đoạn 2016 - 2020
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỏ Cày Bắc đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, mục tiêu huyện muốn hướng đến là phát triển du lịch xanh và bền vững, giữ vững và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch miệt vườn; kết nối du lịch trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, có chất lượng đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế. Đầu tư kết cấu phục vụ hạ tầng du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch; tăng cường công tác thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch.
Ông Nguyễn Văn Diệp - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, Phó ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện cho biết: Thực hiện chủ trương của Huyện ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có đề ra lộ trình thực hiện, giao việc cho từng ngành liên quan thực hiện. Điển hình như Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu tổ chức các lễ hội văn hóa lịch sử, lễ hội truyền thống cách mạng địa phương; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện chuyển giao công nghệ, hướng dẫn người dân phát triển các loại hình du lịch…
Một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch là huyện luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ dân trong và ngoài huyện tham gia đầu tư các khu du lịch, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của khách du lịch phù hợp với điều kiện của huyện nhà.
Khởi động du lịch sinh thái
Cuối tháng 4-2018, huyện đã tổ chức lễ phát động tuyến du lịch sinh thái Tân Thành Bình - Thạnh Ngãi - Phú Mỹ. Tuyến du lịch chạy dài qua 3 xã này và mở rộng thêm 2 xã lân cận (Thanh Tân và Tân Phú Tây) có chiều dài trên 50km, đây là sản phẩm du lịch kết hợp với loại hình du lịch homestay. Từ khi lễ phát động đến nay, tuyến du lịch sinh thái này đã thu hút được khoảng 1.500 lượt khách, trong đó chủ yếu là khách nước ngoài.
Ông Trì Văn Nghiệp - chủ điểm du lịch sinh thái Cái Cấm cho biết: “Từ khi tuyến du lịch được hình thành và đi vào hoạt động, tôi thường xuyên giới thiệu khách đến đây tham quan. Nhìn chung, do mới hình thành nên tuyến du lịch này chưa có nhiều sản phẩm, chủ yếu khai thác từ cây dừa như: du khách đến tham quan vườn dừa, cơ sở bó chuổi cọng dừa, cơ sở sản xuất mứt dừa… Tôi nghĩ huyện nên phát huy loại hình đặc sắc này. Để tránh nhàm chán và làm đa dạng hơn sản phẩm du lịch, huyện tập trung khai thác thêm, cho du khách trải nghiệm và thưởng thức các món ăn từ dừa, chẳng hạn như cho du khách leo dừa bằng nài, uống nước dừa xiêm ngay trên cây…
Một trong những sản phẩm du lịch mà du khách thích thú là ngồi trên chiếc xuồng chạy dọc theo bờ sông và thưởng thức trái cây. Theo ông Nguyễn Bá Vạn, người dân ngụ ấp Thanh Bình 1 (xã Tân Thành Bình), tham gia dịch vụ du lịch chèo xuồng, cùng tham gia phát triển dịch vụ du lịch là điều khá mới mẻ đối với người nông dân. Vì thế, việc định hướng, tập huấn kỹ năng… cho người dân làm du lịch là rất cần thiết.
Theo mục tiêu lộ trình từ nay đến năm 2020 xây dựng các tuyến trên địa bàn các xã với một số sản phẩm như khu nghỉ dưỡng, trạm dừng chân, điểm tham quan (vui chơi, mua sắm, ẩm thực...), nơi trải nghiệm du lịch cộng đồng gắn loại hình du lịch homestay. Sau đó, huyện vừa đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất vừa khai thác loại hình du lịch tâm linh, tham quan di tích văn hóa - lịch sử; tham quan sinh thái vườn cây ăn trái, phát triển các nghề làm bánh đặc sản của địa phương, đặc biệt là khai thác các món ăn từ dừa; nâng chất các làng nghề hoa kiểng, cây giống trên địa bàn và phát triển vườn bưởi da xanh đặc sản đạt chuẩn. Khai thác đưa vào phục vụ khách du lịch các sản phẩm thờ tự để phát triển loại hình du lịch tâm linh kết hợp du lịch trải nghiệm sinh thái sông nước và du lịch cộng đồng với loại hình homestay.
Trong thời kỳ có tính cạnh tranh cao như hiện nay, việc thu hút du khách là điều khó và để giữ chân họ lại càng khó hơn. Vì thế, để phát triển bền vững và thu lợi nhuận từ “ngành công nghiệp không khói” này, đòi hỏi cần có tầm nhìn chiến lược, khai thác và tìm được những nét riêng cho sản phẩm du lịch của Mỏ Cày Bắc.
Tường Vy