Tham quan mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ ở xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc). Ảnh: LCASP
Giảm ô nhiễm môi trường
Chăn nuôi hiện đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Nông nghiệp hiện đại với phương thức nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường đang là hướng đi của người nông dân. Rất nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp an toàn.
Qua công tác tuyên truyền, tập huấn giới thiệu về mục tiêu, nội dung, ý nghĩa của Dự án LCASP, các ngành, các cấp và các hộ chăn nuôi đã có sự chuyển biến về quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường. Từ đó, đem lại sự thay đổi lớn về nhận thức và hành vi của người chăn nuôi trong xử lý môi trường chăn nuôi. Nhiều người dân nhận thức đúng hơn về ưu điểm và hạn chế của các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi hiện thời. Đồng thời, Dự án cũng đã giới thiệu cho người dân những công nghệ mới vừa giúp xử lý môi trường hiệu quả, vừa tăng thêm lợi nhuận (máy tách phân, máy ủ phân ASP, sử dụng phụ phẩm khí sinh học (KSH), mô hình nuôi trùn quế, chăn nuôi gia cầm trên sàn kết hợp với hầm KSH...).
Năm 2020 là giai đoạn kéo dài thêm của dự án so với kế hoạch 5 năm. Dự án đã tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tài chính xây dựng thêm 232 công trình KSH, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 950 triệu đồng, góp phần nâng tổng số công trình KSH trong toàn dự án lên 6.091 công trình. Đồng thời, dự án phối hợp với các đoàn thể mở thêm 10 lớp tuyên truyền về quản lý chất thải trong chăn nuôi, hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ, cách chăm sóc cây trồng sau hạn mặn, các biện pháp phòng bệnh, chăm sóc gia súc, gia cầm khi tái đàn sau nhiều đợt dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh… với số lượng người tham dự khoảng 300 người.
Sản xuất nông nghiệp an toàn
Theo Giám đốc Dự án LCASP tỉnh Nguyễn Thế Nghĩa, việc quản lý tốt chất thải trong chăn nuôi sẽ là tiền đề cho phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, vệ sinh chuồng trại tốt sẽ hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân, cũng như góp phần giải quyết vấn đề môi trường thuộc tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, những mô hình của dự án triển khai đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp cũng như môi trường chăn nuôi ở tỉnh.
Các hộ chăn nuôi đã áp dụng mô hình KSH trong thời gian dài đã rút ra được kinh nghiệm trong vận hành các mô hình. Ví dụ, xay nhuyễn nguyên liệu và phối trộn trong áp dụng ủ phân hữu cơ bằng hệ thống thông khí cưỡng bức ASP, vận hành công trình KSH hiệu quả, kỹ thuật chăm sóc gia cầm khi nuôi trên sàn kết hợp hầm KSH…
Thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp các bon thấp triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều có khả năng nhân rộng. Dù dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp gần kết thúc nhưng ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để nhận thức về quản lý chất thải trong chăn nuôi lan tỏa trong nhân dân, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Đối với các hộ gia đình chăn nuôi gia súc như heo, bò quy mô nhỏ xây dựng các công trình KSH quy mô nhỏ để giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường và có khí gas làm chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn với số lượng trên 1.000 con thì nên áp dụng mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân xử lý chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ.
“Với những kết quả trong triển khai các nội dung hoạt động của dự án hoàn toàn phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp để nhằm hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường”.
(Giám đốc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Nguyễn Thế Nghĩa)
|
Thanh Đồng