Huyền thoại “Đội quân tóc dài”

24/01/2019 - 22:21

“Đội quân tóc dài” chụp ảnh lưu niệm tại lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Ảnh: Hữu Hiệp

“Đội quân tóc dài” chụp ảnh lưu niệm tại lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Ảnh: Hữu Hiệp

“Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió

Có phải người còn đó, là con gái của Bến Tre?

Năm xưa đi trong đạn lửa

Đi như nước lũ tràn về

Ơi! những con người làm nên Đồng khởi…”

Lời bài hát Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nghe sao mà âm vang. Để rồi giờ đây, khi nói đến Bến Tre, người ta không chỉ biết đến xứ Dừa mà còn nhớ đến những người phụ nữ kiên trung đã làm nên cuộc Đồng khởi oai hùng.

* Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị tỉnh Nguyễn Thị Khao: “Tỉnh có một đội quân vô cùng đặc biệt”

 Trên toàn lãnh thổ hình chữ S, có lẽ không nơi nào đặc biệt như Bến Tre. Vùng đất nằm trọn trên 3 dải cù lao và chính nơi này, vào ngày 17-1-1960 đánh dấu son sáng ngời trong lịch sử chống giặc bằng cuộc Đồng khởi ở Mỏ Cày. Đồng khởi Bến Tre đã đi vào lịch sử dân tộc như ngọn cờ đầu của cao trào cách mạng miền Nam. Từ chiếc nôi Đồng khởi, “Đội quân tóc dài” - đội quân đặc biệt ra đời, phát triển lan rộng toàn miền Nam. Sự ra đời của đội quân đặc biệt này đã nâng tầm vóc phong trào đấu tranh của phụ nữ lên một đỉnh cao mới.

Nói về chiến công của “Đội quân tóc dài”, cô Nguyễn Thị Khao (tức cô Út Thắng), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị tỉnh cho biết: Chiến công của “Đội quân tóc dài” có lẽ không bút mực nào kể hết.

Theo lời kể của cô Út Thắng: Sau phong trào Đồng khởi 17-1-1960, địch điên cuồng đàn áp tấn công vào 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (Mỏ Cày). Chúng tàn sát 80 người dân vô tội, chôn sống 36 thanh niên. Nhưng chúng không ngờ phải đương đầu với một lực lượng tổng hợp bao gồm 1 đại đội vũ trang mới thành lập, một số anh em du kích, đặc biệt là hơn 5.000 phụ nữ với chiến thuật “tản cư ngược” bằng hàng trăm ghe, xuồng chở theo quần áo, mùng, mền, nồi xoong, heo, gà, vịt… kéo lên thị trấn Mỏ Cày bao vây Dinh Quận trưởng và một số lên Dinh Tỉnh trưởng để đấu tranh. Hôm sau, hơn 3.000 phụ nữ các xã xung quanh cũng lên tiếp ứng.

Trong cuộc đọ sức “một mất, một còn” vô cùng chênh lệch về mọi mặt với địch, phụ nữ Bến Tre rất xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Đảng và Bác Hồ trao tặng. Có lẽ hiếm có nơi nào trong cuộc kháng chiến, sức chịu đựng bền bỉ, phẩm chất anh hùng, bất khuất, kiên trung, sắt son với Đảng, với cách mạng, tài trí thông minh, sáng tạo… của người phụ nữ lại được thể hiện mãnh liệt và tỏa sáng đến như vậy.

* Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa: “Đội quân tóc dài là hình ảnh tiêu biểu của mọi thời đại”

“Đội quân tóc dài” là hình ảnh tiêu biểu của thời đại mới, là lực lượng tiêu biểu nhất của phụ nữ Việt Nam. “Đội quân tóc dài” thời đại Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào thành công chung trong cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc ta. Tuy không trực tiếp tham gia “Đội quân tóc dài” nhưng trong ký ức của Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, ngoài sự kiên cường, anh dũng cùng những chiến công vang dội của “Đội quân tóc dài” còn có hình ảnh người phụ nữ nhân hậu, tiêu biểu là cô Ba Định (Nữ tướng Nguyễn Thị Định).

Nguyên Phó chủ tịch nước kể: “Thời đó, cô bị địch bắt ở tù, qua những mẩu chuyện thật đẹp về cô Ba Định được những người bạn tù lớn tuổi của Bến Tre kể lại đã làm cô và những người bạn tù khâm phục đến lạ thường. Chưa được gặp, mọi người nghĩ về cô Ba Định chỉ dừng lại ở sự khâm phục về lòng dũng cảm, đức tính kiên cường, mãi đến sau khi ra tù, được làm việc chung với cô Ba, cô mới cảm nhận hết về người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của cô Ba Định”.

Còn nhớ có lần đoàn khách nước ngoài sang thăm Việt Nam, sau khi gặp cô Ba Định, họ đã phát biểu: “Bây giờ chúng tôi đã hiểu cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chẳng qua là để tự vệ chứ họ hoàn toàn không muốn có chiến tranh”. Họ chỉ vào cô Ba bảo rằng: “Tôi nghe thấy bà ấy là một vị tướng, nghĩ rằng bà ấy là người dễ sợ lắm, khô cứng lắm... nhưng không ngờ bà ấy lại dịu dàng, xinh đẹp và nhân hậu như thế kia...”.

* Nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thị Phú: “Đội quân có phương thức đấu tranh đặc biệt”

Ngoài các cuộc đấu tranh trực diện, liên tục, “Đội quân tóc dài” còn tổ chức cho nhân dân tham gia bãi thị, đình công và đi “chợ nhồi”. Giải thích về hình thức đi “chợ nhồi”, cô Lê Thị Phú (tức cô Hai Tổng) cho biết: Trước khi có cuộc đấu tranh tập trung lớn trong tỉnh, cách đó khoảng nửa tháng, “Đội quân tóc dài” tổ chức những cuộc đi “chợ nhồi”, mỗi cuộc có tới mấy ngàn người, đa số là phụ nữ, được tổ chức chu đáo, có chỉ huy, có phương thức thực hiện. Đi “chợ nhồi” được xem như phương thức dọ thám, xem bọn địch đối phó ra sao để chúng ta cảnh giác và có phương thức ứng phó khi tổ chức đấu tranh chính thức. “Mỗi lần thấy chợ đông, toàn chị em phụ nữ, bọn giặc rất sợ. Cay cú nhưng chúng không dám đàn áp, khủng bố vì sợ làm quá lực lượng này sẽ quay sang biểu tình thì trở tay không kịp” - cô Phú cho biết thêm.

Bằng sự sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén, “Đội quân tóc dài” thật sự là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với quân thù. Khi gặp ác ôn, hung hăng, chị em chuyển hướng xoa dịu để bảo tồn lực lượng. Chị em nắm vững phương châm kiên trì, bền bỉ, phát huy phong trào, khi thời cơ có lợi, huy động sức mạnh tổng hợp “2 chân và 3 mũi giáp công” bủa vây và áp đảo quân thù.

* Cô Huỳnh Thị Bùi: “Luôn đi trên đường sáng”

Trong số những người phụ nữ của “Đội quân tóc dài” năm xưa, ngoài cô Út Thắng, cô Hai Tổng… người để lại trong tôi ấn tượng là cô Huỳnh Thị Bùi, người phụ nữ tuy mù lòa nhưng tinh thần quả cảm. Cô tham gia cách mạng với bí danh Xuân Liễu. Mùa xuân này, cô gần tròn 80 tuổi.

Cô Bùi sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng khi lên 5 tuổi, căn bệnh trái đậu đã cướp đi của cô đôi mắt. Là con út lại bị tật nguyền, cô Bùi được gia đình thương yêu hết mực. Cô được học đàn từ nhỏ. Sau khi lớn lên, chính ngón đàn ấy là vũ khí sắc bén để cô đấu tranh với kẻ thù. Cô kể: Có lần cô cùng chị em tham gia đấu tranh, sau khi bị bọn cảnh sát bắt lùa về quận, nhìn thấy cô, chúng chế giễu: “Con nhỏ mù này nhìn thấy gì mà cũng đi đấu tranh”. Nghe vậy, cô Bùi đáp trả: “Tôi mù nhưng tôi biết đi con đường sáng còn hơn các người có mắt mà đi con đường mù”.

Cô Bùi tham gia cách mạng bằng tiếng đàn, giọng hát. Những năm kháng chiến ác liệt, cô tham gia hơn 100 lần đấu tranh trực diện. Dù tình hình biến động thế nào, chiến tranh ác liệt đến đâu, cô Bùi vẫn một lòng bám đất, nếu có chết, cô muốn chết trên mảnh đất quê hương.

Thời bình, như bao người mẹ quê khác, cô Bùi sớm hôm tần tảo mưu sinh nuôi con khôn lớn và tích cực tham gia xây dựng quê hương. Cô cũng bắt đầu học và đọc được chữ nổi. Từ đây, trong mắt cô Bùi, thế giới ngày càng rộng mở.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã xuất hiện rất nhiều cá nhân, tập thể anh hùng. Những con người tiêu biểu ấy đã góp phần viết nên bản anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Và cũng đã có biết bao người con ưu tú, những người mẹ, người chị, người vợ trong “Đội quân tóc dài” bị làm nhục, bị tra tấn, tù đày hoặc vĩnh viễn ngã xuống trước nòng súng của kẻ thù để bảo vệ non sông gấm vóc. Những chiến công ấy, cả dân tộc, thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ, tri ân.

“Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là một trong những chiến trường ác liệt, là nơi Mỹ - ngụy thí điểm áp dụng các chiến thuật và thủ đoạn quân sự mới. Với chiêu bài “Tố cộng, diệt cộng”, Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, biến cả miền Nam thành nhà tù, trại tập trung với tên mỹ miều “ấp chiến lược”. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Từ năm 1954 - 1959, phong trào cách mạng ở Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tổ chức Đảng tan rã, nhiều cán bộ bị địch bắt tù đày, có lúc chỉ còn lại vỏn vẹn 18 chi bộ với 162 đảng viên. Sau Nghị quyết số 15 của Trung ương ra đời, với khí thế cách mạng sôi sục và lòng căm thù giặc sâu sắc, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre triển khai, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của mình, đã làm nên cuộc Đồng khởi thần kỳ khiến kẻ thù kinh hoàng khiếp sợ, góp phần xoay chuyển tình thế, từ phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, giành thắng lợi trên toàn chiến trường miền Nam.

Chính trong giai đoạn đấu tranh ác liệt đó đã sản sinh ra “Đội quân tóc dài” huyền thoại. “Đội quân tóc dài” của Bến Tre đã vang danh và nhân rộng khắp miền Nam, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu. 

Với những chiến công xuất sắc, ngày 6-8-2018, “Đội quân tóc dài” cùng Hội Phụ nữ Giải phóng tỉnh Bến Tre đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là niềm vinh dự lớn của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre nói chung và phụ nữ Bến Tre nói riêng”.

(Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, 50 năm Bến Tre được tuyên dương “Anh dũng Đồng khởi - thắng Mỹ, diệt ngụy”, đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho “Đội quân tóc dài” Bến Tre)


Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN