Cầu Chợ Lách cũ nối liền các khu phố của thị trấn. Ảnh: T.Thảo
Đứng trên cầu Chợ Lách mới trong buổi sáng mai ngập nắng, đếm trong tầm mắt, có hơn mười chiếc sà lan, tàu công suất lớn từ hai bên cầu xuôi ngược trên kênh Chợ Lách. Tiếng máy tàu - còi tàu ầm vang. Tiếng sóng đập vào kè đá dội lên. Tiếng xe tải chạy rầm rập trên cầu. Nhịp điệu cuộc sống hối hả trên xứ sở cây lành trái ngọt.
Đôi nét về dòng kênh
Thông tin về lịch sử kênh Chợ Lách không thấy nêu trong địa chí Bến Tre, cuộc tìm kiếm lai lịch con kênh khá khó khăn, chúng tôi đã tìm gặp những người lớn tuổi. “Kênh Chợ Lách là kênh đào chứ không phải tự nhiên, tôi luận rằng, kênh này xưa kia chỉ là con rạch nhỏ chạy ngoằn ngoèo trong những bụi lau lách, sau được Nguyễn Ánh đào rộng thành kênh để dễ thông thương tàu thuyền” - ông Trần Văn Lẫm, sinh năm 1949, ngụ xã Long Thới, người sưu tầm rất nhiều mẩu chuyện, tích xưa trên đất Chợ Lách kể cho chúng tôi. Ông Lẫm cho rằng, tương truyền huyện Chợ Lách có những địa điểm là nơi tạm ngụ của Nguyễn Ánh trước khi ông lên ngôi vua vào năm 1802. Kênh Chợ Lách trở thành tuyến đường thủy huyết mạch trên cung đường bôn tẩu của Nguyễn Ánh.
Điều ông Lẫm nói trùng hợp với một số sự kiện được nhắc đến trong Niên biểu Bến Tre: Năm 1782, Nguyễn Ánh từ Sài Gòn chạy về Bến Tre, sau đó chạy ra đảo Phú Quốc. Bến Tre là nơi từng in dấu chân của Nguyễn Ánh. Năm 1787 có một trận đánh lớn giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh trên sông Mỹ Lung, tức sông Bến Tre ngày nay (trích Địa chí Bến Tre, trang 1.029).
Ông Lẫm luận tiếp, thời kỳ Pháp thuộc, kênh Chợ Lách được cho là thủy lộ quốc gia. Bởi các cù lao Bến Tre án ngữ trên con đường vận tải thủy giữa miền Đông với miền Tây, từ các cửa biển có thể dọc theo sông lớn, lên tận Phnom Penh, do đó tàu thuyền ở đây xuôi ngược, qua lại suốt ngày đêm. Những con kênh đào cắt ngang các cù lao nối sông Cổ Chiên với sông Tiền như kênh Chợ Lách tạo nên những con đường ngắn nhất từ miền Tây lên Sài Gòn và ngược lại, lưu lượng ghe thuyền đi lại tăng lên nhanh chóng. Người Pháp đã đưa máy xáng sang đào mở rộng luồng lạch một số kênh để đảm bảo cho tàu thuyền đi lại dễ dàng hòng kiểm soát việc vận chuyển vũ khí, đạn dược của lực lượng kháng chiến.
Kênh Chợ Lách là nơi tiếp giáp nước giữa sông Cổ Chiên và sông Tiền, hai bên nước “đánh” vào nhau khiến lòng kênh bị bồi lắng rất nhanh. “Thời nào cũng có xáng đến thổi (do lòng kênh bị bồi lắng), từ thời Pháp rồi đến thời Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, sau năm 1975 thống nhất đất nước cho đến nay. Thổi miết như thế nên hai bên bờ đất rất cao, người dân trồng ruộng dưa ven kênh, khi đất bớt màu mỡ, dân Chợ Lách chuyển sang trồng trầu, suốt một dải đất toàn trầu, cung cấp cho khắp cả miền Nam” - ông Trần Văn Lẫm nhớ lại.
Tuyến đường thủy huyết mạch
Ngày nay, tuyến kênh Chợ Lách vẫn là tuyến đường thủy huyết mạch nối liền từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ và ngược lại. Nếu đi tắt lối này, tàu có thể tiết kiệm đến 20 giờ chạy, rút ngắn khoảng cách 80km đường từ sông Tiền ra sông Cổ Chiên, thay vì phải đi chặng đường khoảng 160km.
Kênh Chợ Lách có chiều dài 10,7km, được công nhận là kênh cấp II năm 2016 (Thông tư số 46 của Bộ Giao thông vận tải), đầu kênh phía Bắc giáp sông Hàm Luông, đầu kênh phía Nam giáp sông Cổ Chiên, toàn tuyến nằm trên địa phận xã Sơn Định, Hòa Nghĩa và thị trấn Chợ Lách. Chiều rộng luồng tàu chạy nơi hẹp nhất 30m, nơi lớn nhất 70m, hiện có 2 bãi cạn. Thủy triều lên xuống 2 đầu kênh mỗi ngày diễn biến rất nhanh, phương tiện tải trọng lớn hành trình chậm thường không kịp nước. Mật độ phương tiện lưu thông hàng ngày qua tuyến kênh Chợ Lách khoảng 1.100 phương tiện (năm 2011), đến nay giảm chỉ còn khoảng 125 phương tiện. Phương tiện qua kênh hầu hết là có trọng tải lớn, công suất cao từ 500 - 2.000 tấn, chủ yếu là các đoàn lai vận chuyển cát, đá, sà lan tự hành chuyên chở container hàng hóa, khí lỏng.
Nhiều thuyền trưởng phải cho tàu neo ở đầu vàm đợi thủy triều lúc thích hợp nhất mới qua được dạ cầu Chợ Lách mới và Chợ Lách cũ, nếu không sẽ bị mắc kẹt. Ảnh: T. Thảo
Thông tin từ cán bộ Trạm Cảnh sát đường thủy Chợ Lách, các phương tiện qua lại giảm mạnh là do phía sông Cổ Chiên trước đây có khoảng 20 mỏ cát hoạt động, đến nay chỉ còn 2 mỏ nên lượng sà lan chở cát qua lại không còn nhiều. Bên cạnh đó, cây cầu Chợ Lách cũ (tĩnh không thông thuyền 7m) trên tuyến kênh trở thành vật cản trở, vì tàu từ sông Hàm Luông qua cầu Chợ Lách mới tĩnh không thông thuyền là 9m, tàu lớn lỡ vào thì rất khó quay đầu trở ra do mật độ lưu thông cao, luồng hẹp. Thêm vào đó, hai bãi cạn là nơi tiếp giáp nước, bồi lắng không phải cát mà chủ yếu là phù sa, bùn, vào những tháng cao điểm tàu bè qua lại (từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 7), mật độ phương tiện cao gây ùn tắc từ 3 - 5 tiếng, kéo dài đến 3km trên kênh.
Tôi chợt nhớ lời Trung tá Sử Văn Hưng - Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Chợ Lách kể: “Có những tàu du lịch 2 - 3 tầng sang trọng chở khách nước ngoài đi qua kênh Chợ Lách ngay lúc cao điểm thì nằm kẹt giữa hai tàu chở dầu, chúng tôi rất lo lắng nguy cơ cháy nổ, du khách chắc họ cũng lo sợ…”. Cũng chính vì thường xuyên bị ùn tắc do mật độ cao, các đoàn lai chở cát trong lúc neo chờ làm cát rơi vãi xuống lòng kênh, thế là kênh lại thêm bồi lắng.
Tàu du lịch tuy không nhiều, không tạo thêm áp lực cho giao thông trên tuyến kênh Chợ Lách nhưng thỉnh thoảng vẫn khiến du khách thấy khó chịu vì mất thời gian do kẹt tàu và họ cảm thấy thiếu an toàn khi nhỡ tàu mình… nằm giữa hai tàu chở dầu. Thỉnh thoảng một số tàu du lịch nhỏ của doanh nghiệp du lịch Nguyễn Gia ở xã Tân Thiềng, Ba Ngói ở xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách), Bảo Thạnh ở Tân Phú (huyện Châu Thành) có đưa khách đi dọc tuyến kênh, thường gặp hơn là các tàu du lịch sang trọng chở khách nước ngoài từ Cần Thơ, Vĩnh Long qua.
Mặt khác, khi tàu công suất lớn chui qua được cầu Chợ Lách mới thì lại “dính bẫy” ở cây cầu Chợ Lách cũ không qua được, khó quay đầu trở ra, lại trúng ngay bãi cạn và khúc cua tử thần khuất tầm nhìn khiến giao thông thủy đoạn này cực kỳ nguy hiểm, cánh thuyền trưởng rất khó chịu vì trở ngại này. Trung tá Sử Văn Hưng so sánh áp lực điều tiết giao thông trên kênh Chợ Lách vào mùa tàu đi không khác cảnh sát giao thông điều tiết kẹt xe trên cầu Rạch Miễu vào những ngày lễ, tết. Cây cầu Chợ Lách cũ gây ách tắc giao thông thủy trên kênh Chợ Lách, khiến tàu thuyền khó qua lại; thay vì tiết kiệm vì đi được đường tắt thì nhiều tàu còn tốn thêm dầu để quay trở ra…
Một trong hai khúc cua “tử thần” trên kênh Chợ Lách. Ảnh: T. Thảo
Viễn cảnh kênh Chợ Lách vào năm 2030 đang “vẽ” ra một bức tranh hiển hiện rõ hai “khối màu” tương phản giữa lợi ích chung và riêng. Một mặt là chủ trương tăng cường khai thác đường thủy để giảm chi phí vận tải hàng hóa cạnh tranh các nước trong khu vực với lợi ích của phát triển đô thị thị trấn Chợ Lách.
Khi có cầu Chợ Lách mới năm 2014, đáng nhẽ cầu Chợ Lách cũ phải dỡ bỏ nhưng người dân thị trấn này đã làm đơn khẩn thiết gửi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để được giữ lại cầu cũ với lý do “Nếu dỡ bỏ cầu cũ, người dân thị trấn rất khổ”. Bà Nguyễn Thị Tín, đảng viên gần 55 năm tuổi đảng nói với chúng tôi: “Không có cầu Chợ Lách cũ nối liền các khu phố, thị trấn Chợ Lách sẽ mất đi sự sầm uất. Chúng tôi phải mất gần 3km đi đường vòng để đến chợ và trao đổi hàng hóa. Ở đây nhiều người không thể đi xe thì đi bộ sang bên chợ, dỡ cầu cũ, mỗi lần muốn đi chợ dân phải tốn 15 ngàn tiền xe ôm, không trao đổi hàng hóa gì được, rồi học sinh đi học, đến trung tâm thị trấn giao dịch, khám chữa bệnh đều bất tiện. Chúng tôi đã thấu hiểu một lần trong mấy tháng vì đợi sửa cầu (do một chiếc tàu tông vào cầu năm 2012)”. Vị bộ trưởng đã gia hạn thời gian để nâng tĩnh không thông thuyền cầu Chợ Lách cũ từ 7m lên 9m, đến nay thời hạn ấy đã hết mà cầu vẫn chưa được nâng tĩnh không thông thuyền.
Bộ mặt đô thị thị trấn Chợ Lách vào năm 2030 là đô thị loại IV với khoảng 250ha (tổng diện tích thị trấn hiện khoảng 800ha). Thị trấn cần có một cây cầu trong đô thị (cầu Chợ Lách 2 - theo quy hoạch của thị trấn đến năm 2030) để nối các khu phố của thị trấn. Hai bên bờ kênh sẽ giải tỏa dân phục vụ việc mở rộng luồng, bờ kè sẽ làm rộng hơn với không gian cây xanh đẹp. Hiện nhiều người dân sống ven kênh đã chủ động mua đất nơi khác để sinh sống và buôn bán.
Theo Thông tư số 46 của Bộ Giao thông vận tải, năm 2030, kênh Chợ Lách vẫn là kênh cấp II, luồng kênh Chợ Lách phải nạo vét để đạt bề rộng khoang thông thuyền dưới cầu là 50m (kênh Chợ Lách hiện có nơi chỉ đạt 30m). Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Lách cho biết, huyện không có kinh phí để nâng tĩnh không cầu Chợ Lách cũ lên 9m vì việc này tốn hàng chục tỷ đồng. Còn thông tin từ Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho hay, dự án nạo vét kênh Chợ Lách mở rộng luồng chưa được phê duyệt.
Hai bên bờ kênh hầu như chỉ có nhà dân, không có dịch vụ nào mọc lên phục vụ tàu thuyền qua lại, huyện Chợ Lách gần như chẳng thu được gì từ cái lợi có tuyến kênh Chợ Lách. Kể cả bến khách du lịch cũng không có, bến khách ngang sông cũng không có, ngành chức năng cho biết, họ rất hạn chế và hầu như không cấp phép hoạt động vì sẽ rất nguy hiểm do mật độ tàu thuyền lưu thông cao, có hai bãi cạn và hai “cùi chỏ” khuất tầm nhìn.
Kênh Chợ Lách đã được làm kè đá hai bên bờ, nếu tính từ hai đầu vàm, chiều dài kênh chỉ khoảng 7,5km. Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Lách cho hay, từ năm 2000, tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để làm kè kênh Chợ Lách trong nhiều giai đoạn, đến nay chỉ còn khoảng 2km là chưa có kè. Người dân Chợ Lách nói, họ mừng vì không có kè đá chắc đất hai bên lở mất hết do tàu bè chạy ngày đêm, sóng vỗ ì đùng, đất nào mà còn.
Câu chuyện cầu Chợ Lách cũ - mới tồn tại song song trên kênh Chợ Lách cũng tựa như chuyện cầu Chợ Gạo cũ - mới trên kênh Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang. Sau gần 4 năm song hành với cầu Chợ Gạo mới, phía tỉnh Tiền Giang đã cho xây một cây cầu Chợ Gạo theo dạng cầu treo trên nền cầu Chợ Gạo cũ với tổng vốn đầu tư 107 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và đưa vào sử dụng năm 2017.
Thạch Thảo