Nâng cao tri thức để làm nền tảng phát triển toàn diện. Ảnh: Phan Hân
Nâng cao chất lượng đào tạo
Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tri thức và kỹ năng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã có những định hướng phát triển cụ thể.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre, để đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao, sắp tới, Trường Cao đẳng Bến Tre sẽ cung cấp thông tin để đơn vị tư vấn chủ trì xây dựng các chiến lược phát triển, đào tạo nghề nghiệp của tỉnh trên bình diện chung của cả nước. Định hướng trong xây dựng chiến lược, bên đơn vị tư vấn sẽ nắm bắt dữ liệu nhu cầu lao động để trong đề xuất chiến lược phát triển, sẽ xác định đào tạo ngành nào đáp ứng yêu cầu, ngành nào sẽ là mũi nhọn.
Trường sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng chiến lược để qua đó có thông tin xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả của tuyển sinh với đào tạo. Trong đó, quan trọng là nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ hiệu quả nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Đặt yêu cầu đào tạo, gắn với sử dụng theo nhu cầu của thị trường.
Đối với Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh, theo Tiến sĩ Hồ Thu Hiền - Giám đốc Phân hiệu cho biết, phân hiệu có kế hoạch chiến lược theo hướng nghiên cứu ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Tây Nam Bộ, giáo dục, đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phân hiệu xác định trở thành đầ̀u mối tập hợp, liên kết các nhà khoa học, triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các nghiên cứu chuyên ngành, đa ngành, liên ngành, tham vấn cho chính quyền địa phương để đưa ra những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phân hiệu sẽ đồng hành cùng cộng đồng trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ và quảng bá, khai thác dịch vụ du lịch và lữ hành. Hợp tác với các ban ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ngoài ngành kỹ thuật xây dựng là ngành đang được nhiều sinh viên theo học, phân hiệu sẽ tập trung vào các ngành đặc thù của khu vực: Điện (Năng lượng tái tạo); Quản lý dịch vụ du lịch và lữ hành; Công nghệ sau thu hoạch… Ưu tiên các chương trình nhằm giúp đỡ người dân thích nghi với biến đổi khí hậu, đưa kỹ thuật công nghệ vào nông nghiệp, giúp phát triển nông nghiệp tỉnh nhà tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao theo chuẩn quốc tế.
“Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong khả năng của mình sẽ đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực, luôn là đơn vị đồng hành cùng tỉnh nhà để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của địa phương cũng như khu vực Tây Nam Bộ”, Tiến sĩ Hồ Thu Hiền - Giám đốc Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre cho biết.
Bồi dưỡng văn hóa và tri thức
Trở lại câu chuyện của các “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” ở Ba Tri, việc phát huy các giá trị hiếu học và truyền thống gia đình, dòng họ trong học tập luôn được quan tâm thực hiện. Trải qua các thế hệ, con, em của dòng họ Đoàn (Tân Hưng, Ba Tri) luôn quan tâm đến việc học. Trong mỗi dịp lễ, Tết, ngày giỗ tổ vào tháng Chạp, họ đều tề tựu đông đủ tại nhà thờ cụ Tổ để động viên, khích lệ thế hệ trẻ vươn lên trong học tập. Để động viên trong dòng họ, quan tâm chăm lo giáo dục con cháu, họ Đoàn thành lập Ban Khuyến học Đoàn Quý Tánh (ông Thủy tổ họ Đoàn) nhằm tạo nguồn động viên khích lệ tinh thần của con em trong tộc. 100% gia đình trong họ Đoàn đều đạt gia đình học tập, không có con em bỏ học giữa đường. Vào dịp giỗ Thủy tổ họ Đoàn, anh em trong dòng tộc nguyên góp xây quỹ khen thưởng cho em, cháu học giỏi. Đây không chỉ là sự quan tâm, động viên thường xuyên mà đã tạo động lực giúp em nỗ lực học tập để đạt được kết quả tốt nhất. Trong dòng họ, các gia đình luôn đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Hàng năm, họ Đoàn vận động hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ trong dòng họ và cho quỹ khuyến học tỉnh, huyện, xã.
Không chỉ có tri thức và kỹ năng, con người Bến Tre còn cần được bồi dưỡng trên nền văn hóa, giữ gìn và phát huy được những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. “Người Bến Tre từ xưa đến nay luôn đề cao tinh thần hiếu học, cùng với đó, ngoài việc học chữ còn phải học lễ nghĩa, học đạo lý làm người. Trong gia đình luôn gần gũi, thân mật để kịp thời chia sẻ tâm tư, tình cảm trong cuộc sống, công tác và học tập; giúp các thành viên có nhận thức đúng hơn về cuộc sống. Các thành viên trong gia đình luôn có ý thức học hỏi, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ; gia đình luôn đồng hành với con cháu, quan tâm tạo điều kiện để con cháu học tập đạt kết quả tốt” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đặng Thị Hoa chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo - Nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, truyền thống của người Bến Tre không chỉ có tính kiên cường, hiếu học mà còn là sự năng động, sáng tạo. Tinh thần ấy tiếp tục được vận dụng vào trong quản lý và phát triển kinh tế, trong làm giàu của từng người dân, từng đơn vị. Đặc điểm này cùng với sự ham học hỏi, cầu thị là những yếu tố, điều kiện rất cần để thích nghi với thời đại mới, phát triển.
Trong văn kiện và Nghị quyết Đại hội Đảng sắp tới, vấn đề văn hóa và con người Bến Tre sẽ được tập trung nhấn mạnh, xác định những giải pháp, thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Bến Tre để thực sự là nền tảng, là động lực cho sự phát triển, cũng là mục tiêu để hướng tới. Đây sẽ là một nội dung tỉnh sẽ xây dựng chương trình hành động để phát huy tốt nhất sức mạnh, nguồn lực văn hóa, con người Bến Tre và điều chỉnh những điểm chưa phù hợp để có sự hài hòa, đạt hiệu quả toàn diện.
(Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi)
|
A. Nguyệt - T. Đồng - Ph. Hân