Xây dựng và phát triển con người Bến Tre, bài 2:

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực

23/09/2020 - 07:18

BDK - Theo Liên hợp quốc “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong các yếu tố hỗ trợ quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển “4 trụ cột kinh tế” của tỉnh. Bến Tre đang cần nguồn nhân lực có chất lượng để đưa tỉnh phát triển xứng tầm với khu vực và cả nước.

Sinh viên Phân hiệu Đại học Quốc gia thảo luận nhóm. Ảnh: T. Đồng

Sinh viên Phân hiệu Đại học Quốc gia thảo luận nhóm. Ảnh: T. Đồng

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Phát triển nguồn nhân lực là quá trình nâng cao năng lực của con người về mọi mặt thể lực, trí lực, tâm lực. Đồng thời, phân bổ, sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả nhất nguồn nhân lực thông qua hệ thống phân công lao động và giải quyết việc làm để phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, công tác giáo dục, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng được tỉnh quan tâm thực hiện. Có thể thấy rất rõ từ thực tế quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh được đầu tư và phát triển hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Theo số liệu thống kê nhiệm kỳ 2015 - 2020, đầu tư cho giáo dục chiếm khoảng 30% ngân sách của tỉnh. Các thành quả đạt được rất đáng ghi nhận như: Chất lượng phổ cập giáo dục được giữ vững và nâng chất. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa. Phương pháp dạy và học được triển khai đổi mới trên các cấp học. Nhất là đã thành lập được Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh, góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Trần Văn Hoàng, các cơ sở giáo dục của huyện Ba Tri là nhóm trường đứng đầu trong tỉnh. Các khu vực nông thôn, khu vực cồn cũng đã được quan tâm đầu tư phát triển trường, lớp. Công tác giáo dục các trường phổ thông đã nổi bật, sắp tới cần nhất dạy nghề cho chuẩn đi theo hướng công nghiệp rất là tốt.

Đối với địa phương, học vấn là cách xóa nghèo của bao lớp người dân Ba Tri đã qua. Ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, chỉ có học vấn mới thoát nghèo, làm giàu, xây dựng quê hương giàu mạnh”, ông Trần Văn Hoàng nói. 

Hướng đến trường nghề đa cấp - đa ngành

Theo đánh giá chung về thực trạng và dự báo xu hướng cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đơn cử như trình độ ngoại ngữ của nhiều cán bộ, giáo viên, thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Chất lượng đào tạo nghề còn thấp, chưa đáp ứng thị trường lao động.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre Nguyễn Văn Huấn nhận định, có một thực tế là giữa đào tạo và sử dụng lao động vẫn có sự “chênh nhau”. Các đơn vị đào tạo vẫn còn loay hoay giữa chuyện đào tạo cái mình có và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Có những ngành được cho là xã hội có nhu cầu nhưng lại chưa tuyển sinh được hoặc tuyển sinh ít như: xây dựng, nông lâm thủy sản, dịch vụ…

Trường Cao đẳng Bến Tre hiện có trên 100 cán bộ, giảng viên là thạc sĩ, 4 tiến sĩ, kỹ năng sư phạm, tin học, ngoại ngữ, dạy nghề cơ bản đáp ứng yêu cầu. Hiện tại, trường đang đào tạo theo chỉ tiêu về chính quy các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Bên cạnh đó, trường liên kết đào tạo với các trường đại học để đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học hoặc từ cao đẳng lên đại học. Trường Cao đẳng Bến Tre đang phối hợp với Trường Cao đẳng nghề số 4, Đại học Trà Vinh để đào tạo nâng từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học cho viên chức của ngành y tế, giáo dục mầm non, tiếng Anh văn bằng 2 cho cán bộ của tỉnh.

Trong buổi làm việc với Trường Cao đẳng Bến Tre gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho rằng, Trường Cao đẳng Bến Tre cần là điểm trường có sự khác biệt để thu hút sinh viên và đạt thứ hạng trong khu vực. Đào tạo những nghề trọng điểm cấp quốc gia và tiếp cận quốc tế. Hướng đến trường cao đẳng đa cấp, đa ngành chất lượng cao.

Cùng với chất lượng đào tạo thì công tác định hướng, phân luồng học sinh sau THCS để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng là vấn đề cần được  quan tâm thực hiện cẩn trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong bộ máy cũng cần phải phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu công việc.

Lực lượng trí thức trẻ của tỉnh đã và đang được tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cũng cần được bố trí phù hợp và phát huy hơn nữa vai trò, năng lực của mình trong từng vị trí đảm nhiệm, từng công việc chuyên môn, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

“Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng thì đòi hỏi nhiều thành tố. Yếu tố quan trọng ban đầu phải có đội ngũ giảng dạy cho tốt, chương trình, giáo trình cho tốt. Song song đó, cơ sở vật chất đảm bảo, nắm bắt được nhu cầu thị trường lao động. Chuẩn bị tốt các khâu như trên để tuyển sinh và đào tạo mới có chất lượng”.

(Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre Nguyễn Văn Huấn)

A. Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích