Tiên Long được biết đến trong thời gian gần đây là xã có hơn 28ha trồng chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP và được tổ chức kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã số, đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp thị trường này.
Bắt đầu từ nhu cầu thực tế cho việc chăm sóc vườn chôm chôm nhà mình và hàng xóm, anh Phùng Văn Hiền tập hợp một vài anh em để tiện cho việc kêu công lao động. Theo thời gian, nhóm làm thuê dần phát triển thành Tổ khuyến nông tư, rồi dự kiến sẽ là dịch vụ sản xuất - kinh doanh chôm chôm. Sự liên kết của những nông dân ở ấp Tiên Phú 1 (xã Tiên Long - Châu Thành) đang dần phát triển theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến thị trường.
Anh Hiền là Tổ phó Tổ hợp tác trồng chôm chôm VietGAP Tiên Long, đồng thời cũng là nhóm trưởng nhóm khuyến nông tư. Theo anh Hiền, hợp tác khuyến nông góp phần đưa chôm chôm Tiên Long ngày càng bay xa hơn. Minh chứng cho điều này, nông dân Phùng Văn Hiền nói, nhóm khuyến nông tư của anh bây giờ có gần 20 người, là những lao động “chuyên nghiệp”, đáp ứng được tất cả các khâu trong sản xuất chôm chôm: từ làm đất, tỉa cành, tạo tán, kỹ thuật cho ra hoa rải vụ cho đến thu hoạch, thu mua sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp.
Đồng thời với việc tiếp nhận yêu cầu từ phía chủ vườn, nhóm còn chủ động đề xuất với nhà vườn về quan điểm, kỹ thuật chăm sóc chôm chôm nhằm đáp ứng được yêu cầu thị trường. “Chúng tôi làm dịch vụ kết nối lao động nhưng cái chính là muốn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật mà anh em có được để mọi nhà vườn đều đạt lợi nhuận cao hơn” - anh Hiền chia sẻ. Cũng với quan điểm này mà 3 năm trở lại đây, nhóm có bước tiến xa hơn là cùng hùn tiền “mua lá” (thuê vườn chôm chôm), vừa tạo thêm thu nhập cho các thành viên nhóm, vừa chủ động thay đổi tập quán, kỹ thuật tác của nhà vườn. Theo tính toán của các thành viên nhóm khuyến nông tư, một hec-ta trồng chôm chôm, thuê với giá 100 triệu đồng/ha/năm, đầu tư kỹ thuật thêm 150 triệu đồng. Với cách trồng của nhóm, trung bình 1ha chôm chôm cho khoảng 30 tấn trái. Nếu với mức giá 12.000 đồng/kg, thì nhóm còn lãi 100 triệu đồng/ha. Đã có hơn 4ha chôm chôm trong vùng được nhóm “mua lá” trong mấy năm qua. Còn năm nay, nhóm vừa hợp đồng với nông hộ ở xã Quới Thiện (Vũng Liêm - Vĩnh Long) thuê 0,8ha để tiếp tục kế hoạch này. “Cho đến bây giờ, nhóm còn chia đều lợi nhuận theo kiểu người góp công, người góp của. Nhưng sắp tới, chúng tôi đang định hướng phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn như cổ phần để nhóm phát triển bền vững hơn” – anh Hiền cho biết.
Hiện tại, nhóm khuyến nông tư ở Tiên Long phân công lao động rất rõ, theo từng năng lực, sở trường của mỗi người. Điểm đặc biệt, trong nhóm có 3 người làm công việc thu mua trái chôm chôm mà trong đó được phân hẳn theo hướng: hàng bay (xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ…), hàng chợ và hàng xuất sang Campuchia. Chính vì vậy, nhà vườn không phải lo việc mua lựa hay ép giá. Và cũng vì lẽ này mà Tổ đang hướng tới thành lập nhóm hợp tác với tên gọi: dịch vụ sản xuất, kinh doanh chôm chôm.
Lối mở cho sự liên kết của những nông dân trồng chôm chôm ở Tiên Long khá sáng sủa. Song cách làm của họ vẫn còn mang tính tự phát chứ chưa có kế hoạch, định hướng cụ thể và lâu dài. Sản phẩm hiện tại bán cho một số công ty trong và ngoài tỉnh với mức cao hơn khoảng 2.000đ/kg, so với bán cho thương lái. Tuy nhiên, hiện tại việc bán buôn với các công ty theo phương thức mua đứt, bán đoạn thông qua hợp đồng miệng. Tính bền vững theo kế hoạch xuất khẩu hay thị trường trong nước chưa được xác lập, nên yếu tố rủi ro cao.
Trong cuộc gặp gỡ mới đây giữa nhóm khuyến nông tư với chuyên viên thị trường của Dự án DBRP Bến Tre, một số hỗ trợ của Dự án dự kiến sẽ được triển khai tại nhóm này như: củng cố và thành lập nhóm hợp tác sản xuất, kinh doanh nông thôn, theo Nghị định 151/2007 của Chính phủ; tập huấn về quản lý tổ nhóm, cách lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; kết nối với doanh nghiệp nhằm tạo mối liên kết lâu dài; đồng thời, mở rộng thu hút thêm nhiều lao động, nhất là hộ nghèo, không đất sản xuất. Mặt khác, khi thành lập nhóm hợp tác, nhóm sẽ có cơ hội vay vốn của Dự án, thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, với thời hạn vay có thể kéo dài trên 5 năm. Điều này phù hợp với dự định xây dựng nhà máy đóng gói chôm chôm tại chỗ mà nhóm đang ấp ủ.
Với kinh nghiệm từ thực tế, cũng như cách tổ chức thực hiện sẵn có, kỳ vọng Tổ liên kết khuyến nông tư của Tiên Phú sẽ có những bước đi bền vững, sau khi được trợ lực từ Dự án DBRP cũng như sự hợp lực của các ngành chức năng. Đây cũng là hình thức liên kết rất hiệu quả, có thể nhân rộng ở nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác.