Một góc vòng xoay An Thuận, xã Mỹ Thạnh An thường xuyên bị người dân vứt rác bừa bãi, dù thùng rác chỉ cách đó 10m.
Còn vứt rác bừa bãi
Không có xe vào thu gom rác, nhiều người dân ở ấp An Thạnh A, xã Mỹ Thạnh An tự thu gom và chở đi vứt. Tình trạng này khá phổ biến ở xã Mỹ Thạnh An. Hơn 2 năm qua, chị Đỗ Thị Mỹ Linh, nhà ở ấp An Thạnh A và hàng xóm của mình vẫn đi vứt rác miễn phí. Chị Linh cho biết: “Mình tự thu gom và vận chuyển rác ra bãi tập kết nhưng cứ vứt rác “chùa” thế này riết cũng ngại mà lại thấy thiệt thòi cho đơn vị thu gom, xử lý rác”. Nên chị Mỹ Linh đã tìm đến tổ trưởng tổ nhân dân tự quản (NDTQ) ở đầu hẻm để xin “được đóng tiền thu gom, xử lý rác” nhưng vị tổ trưởng nói tổ vẫn chưa tìm được người thu gom rác. Cả tổ NDTQ ở đây và người dân trong khu vực này đều đang “vứt rác miễn phí” vào thùng rác ở đầu hẻm.
Thế nên, tỷ lệ hộ dân đăng ký thu gom rác ở xã Mỹ Thạnh An chỉ đạt khoảng 50%, tỷ lệ này được cho là cao nhất từ trước đến nay nhờ xã thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, số hộ còn lại tự xử lý rác. “Năm 2018, chúng tôi ra quân kiểm tra tình trạng vứt rác bừa bãi, chỉ trong 1 tháng đã xử phạt 10 trường hợp vứt rác bừa bãi”, ông Huỳnh Thanh Giang - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh An cho biết. Đó là chưa kể quyết định xử phạt đã được ban hành nhưng chưa có cá nhân nào chấp hành đóng phạt.
Mức phí chưa hợp lý
Để thực hiện đạt chủ trương “không còn tình trạng vứt rác bừa bãi” trên toàn địa bàn thành phố, các xã, phường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể như: tọa đàm về xử lý rác thải tại các ấp, khu phố; tuyên truyền lưu động bằng xe đạp; nhân rộng mô hình xã hội hóa thu gom rác thải; đầu tư và đưa vào sử dụng 6 trạm trung chuyển rác gồm: trạm trung chuyển rác Phường 6, Phường 8 và phường Phú Tân, phường Phú Khương (2 trạm), xã Bình Phú; chuẩn bị xây dựng thêm 2 trạm ở Phường 7 và xã Phú Nhuận.
Đánh giá tình hình thực hiện chủ trương “không vứt rác bừa bãi” 6 tháng đầu năm 2019, ông Hồ Phước Hưng - Phó trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho hay: “Tỷ lệ hộ dân đăng ký thu gom rác tăng ít, nhiều địa phương buông lỏng kiểm tra, xử lý tình trạng vứt rác bừa bãi. Người dân chưa chấp hành chế tài xử phạt, trình tự thủ tục xử lý chưa chặt chẽ, chưa đủ tính răn đe khiến tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn xảy ra”.
Mặt khác, việc áp dụng mức giá thu gom rác là 20.000 đồng/hộ trên địa bàn thành phố như hiện nay là chưa hợp lý, phía Phòng Quản lý đô thị cho rằng, mức giá 20.000 đồng/hộ nếu thu ở đô thị thì đảm bảo, nhưng ở vùng nông thôn, xã vùng ven thành phố thì không hợp lý, vì khoảng cách nhà dân là khá xa. Cũng không thể lấy “thu bù chi” giữa khu đông dân cư và khu ít dân cư, do mức chi vượt quá mức thu. “Tính toán theo định mức kỹ thuật chuyên ngành dịch vụ vệ sinh đô thị, mỗi km thu gom và vận chuyển rác (chưa tính giá xử lý) khoảng 380.000 đồng, mỗi km phải có 40 hộ dân thì mới đảm bảo đủ chi phí thu gom, vận chuyển. Nhưng nhiều tuyến đường nông thôn 1, 2km mới có một vài hộ dân thì không đảm bảo hiệu quả kinh doanh” - ông Nguyễn Tấn Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre nói.
Trước tình hình này, UBND TP. Bến Tre yêu cầu các xã, phường tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý việc vứt rác bừa bãi, tiếp tục vận động người dân nâng cao ý thức nếp sống văn minh đô thị. Đồng thời khuyến khích người dân ở nông thôn tự phân loại rác hữu cơ và vô cơ, sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân từ rác hữu cơ, hạn chế rác thải nhựa, rác thải xây dựng.
Bài, ảnh: Thạch Thảo