Không có lỗi khi gây tai nạn thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

19/08/2018 - 20:15

Ông Nguyễn Minh Đằng (Giồng Trôm) có nhu cầu tư vấn: Tuần rồi, con tôi chạy xe máy đã gây tai nạn cho bà Võ Thị Hai, khi bà băng qua đường, làm bà bị gãy chân trái. Theo những người đi đường làm chứng, bà Hai đã có lỗi trong lúc đi qua đường và con tôi chạy chậm. Gia đình tôi đã đến thăm hỏi và gửi cho bà số tiền 10 triệu đồng để lo thuốc thang nhưng bà không nhận. Bà Hai còn cho biết sẽ yêu cầu cơ quan công an xử lý hình sự đối với con trai tôi.

Xin hỏi: Trường hợp này, con trai tôi có bị xử lý hình sự không; nếu có, trường hợp nào được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm; giờ tôi phải làm sao, vì con tôi vừa trúng tuyển đại học.

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Quy định tại Khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

a/ Làm chết người;

b/ Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c/ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121%;

d/ Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Theo như ông trình bày, con trai ông chạy xe máy gây tai nạn cho bà Hai, khi bà băng qua đường và làm bà bị gãy chân trái, nhưng có nhân chứng là những người đi đường cho rằng bà Hai có lỗi trong lúc băng qua đường.

Nếu biên bản hiện trường vụ tai nạn xảy ra thể hiện rõ lỗi hoàn toàn của người bị hại (bà Hai) thì có thể con trai ông không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có bị khởi tố hay không, vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, sau khi xem xét vụ án có dấu hiệu tôi phạm hay không phạm tội theo quy định của pháp luật, chứ không phụ thuộc vào người bị hại có yêu cầu xử lý hình sự hay không. Vụ việc này, mặc dù bà Hai có yêu cầu xử lý hình sự, nhưng nếu cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp vụ án không bị khởi tố về hình sự thì hai bên sẽ tiến hành thương lượng giải quyết về bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thương lượng được, thì người bị hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết về bồi thường thiệt hại.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN