Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về làm hụi, chơi hụi
16/11/2024 - 11:15
BDK.VN - Trên địa bàn tỉnh, thỉnh thoảng lại xảy ra tình trạng bể hụi và vỡ nợ tiền vay. Năm 2023, địa bàn tỉnh xảy ra 41 vụ vỡ hụi với số tiền khoảng 180 tỷ đồng, cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý giải quyết 12 vụ khoảng 41 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2024, tình hình vỡ hụi trên địa bàn tỉnh với số tiền lớn xảy ra khá nhiều, nhất là những vụ vỡ hụi do chủ làm hụi trên mạng xã hội Zalo, đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự địa phương.
Năm 2021, tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành đã xảy ra vụ vỡ hụi, do vợ chồng bà H.T.T làm chủ. Khoảng năm 2014, bà T bắt đầu làm hụi 500 ngàn đồng/phần/tháng. Mỗi tháng có 2 dây hụi, số lượng hụi viên (HV) từ 24 đến 31 người/dây hụi.
Sau đó, bà T làm hụi 1 triệu đồng/ tháng, 2 triệu đồng/tháng và được nhiều người tham gia chơi nhiều dây hụi. Ngoài làm chủ hụi, bà T cũng mượn tiền của nhiều người để “quay” và trả lãi cao, đúng hạn nên được nhiều người dân tin tưởng. Đến tháng 9-2021, bà T tuyên bố vỡ hụi với tổng số tiền vốn gốc của nhiều người trên 10 tỷ đồng.
Đất bà T (chủ hụi) kêu bán khi xảy ra vỡ hụi.
Trên địa bàn xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú cũng đã xảy ra vụ vỡ hụi do bà N.T.D làm chủ, với số tiền theo đơn tố cáo của người chơi hụi (HV) khoảng 18 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thụ lý giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và chứng cứ thu thập được không chứng minh được số tiền thực tế mà người chơi hụi đã đóng hụi cho chủ hụi; đồng thời cũng không chứng minh được hành vi gian dối cụ thể của chủ hụi D trong từng dây hụi để chiếm đoạt tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thạnh Phú cũng đã thụ lý và đưa ra xét xử nhiều vụ án tranh chấp liên quan đến vụ việc này.
Trong tháng 10-2024, địa bàn xã Giao Thạnh (Thạnh Phú) xảy ra vỡ hụi do 13 người làm chủ hụi trên mạng xã hội Zalo với tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng (chủ hụi và HV đã làm giấy xác nhận nợ và chứng thực).
Theo xác minh bước đầu, có 357 dây hụi với tổng số 16.203 phần hụi các loại (ngày, tuần, nửa tháng, 5 ngày, 3 ngày) với nhiều giá trị khác nhau (từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/phần, từ 1 triệu đồng/phần… đến 7 triệu đồng, 10 triệu đồng/phần, thậm chí có dây hụi 50 triệu đồng/phần.
Các chủ hụi quản lý HV thông qua phần mềm thuê, tạo nhóm Zalo và cài đặt, mời gọi HV tham gia các dây hụi. Chủ hụi mở hụi bằng hình thức đấu giá, việc giao nhận tiền được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản. Đa số các dây hụi này được hình thành trong tháng 9-2024, có nhiều người vừa làm chủ hụi vừa là HV. Trong tổng số 16.203 phần hụi này tập trung khoảng vài trăm hụi viên (một người chơi nhiều phần hụi); HV là người dân ở tại xã Giao Thạnh và một số người ngoài xã. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ vụ việc này.
Chấp hành nghiêm quy định pháp luật về hụi
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do nhiều người đã hám lợi, mù quáng bỏ tiền ra để cho vay hoặc chơi hụi với mong muốn lấy số tiền lãi cao nhưng chỉ nhận lấy hậu quả “tiền mất, tật mang”.
Hầu hết những vụ bể hụi, tiền vay xảy ra nêu trên, chủ hụi đã khéo léo gầy nhiều dây hụi (ngày, tuần, tháng) và huy động tiền gửi với lãi suất cao. Thời gian đầu, chủ hụi thanh toán sòng phẳng với HV để lấy uy tín. Sau khi đã gom được số tiền lớn thì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi và nêu ra nhiều nguyên nhân; trong đó nguyên nhân do HV đã hốt hụi nhưng không đóng tiền được kể ra nhiều nhất.
Hậu quả của bể hụi đã khiến cho nhiều gia đình HV phải lâm vào cảnh túng thiếu, thậm chí hạnh phúc phải đổ vỡ; trong đó có nhiều người đã vay tiền ngân hàng hoặc của người thân để giao cho chủ hụi…
Đòi không được tài sản (là tiền mặt hoặc vàng) đã trót đưa cho chủ hụi, HV làm đơn tố cáo tại cơ quan Công an yêu cầu xử lý hình sự đối với chủ hụi. Nhưng hầu hết những khổ chủ này đều thiếu chứng cứ để cơ quan chức năng làm căn cứ pháp lý xử lý đối tượng (do quá trình tham gia chơi hụi, HV không có sổ sách hay giấy tờ ghi chép theo dõi việc đóng tiền hụi, ký nhận, danh sách hụi viên, ngày hốt hụi…).
Người dân chơi hụi soạn hồ sơ khiếu nại chủ hụi.
Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015: Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Mặt khác, theo quy định Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường: Việc tổ chức họ phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự; việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ; không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo các nguyên tắc này thì người làm chủ họ (hụi), kể cả các thành viên tham gia (hụi viên) phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Cụ thể là thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ họ, thành viên theo quy định; thực hiện các quy định về điều kiện là thành viên, điều kiện là chủ họ, hình thức thỏa thuận về dây họ, nội dung văn bản thỏa thuận về dây họ…
Trong đó, chủ họ phải thông báo bằng văn bản cho Chủ tịch UBND cấp xã (nơi cư trú) về việc tổ chức dây họ khi tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên, hoặc tổ chức từ 2 dây họ trở lên. Đồng thời, phải thực hiện đúng các nội dung văn bản thông báo về việc tổ chức dây họ theo quy định tại Điều 14 - Nghị định số 19/2019/NĐ-CP.
Mong rằng, người tham gia chơi hụi cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, để tránh bị thiệt hại khi xảy ra tranh chấp. Khi tổ chức làm hụi, chủ hụi phải thực hiện việc đăng ký, thông báo với UBND cấp xã (nơi cư trú) là nguyên tắc bắt buộc theo quy định pháp luật. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét, xử lý khi xảy ra vi phạm và có tranh chấp.
Theo thống kê của cơ quan Công an, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1,57 ngàn người làm chủ hụi, với hơn 79,21 ngàn hụi viên, tổng giá trị các phần hụi khoảng 520 tỷ đồng. Đa số các chủ hụi đều không thông báo với UBND cấp xã (nơi cư trú) theo Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ; số chủ hụi có thông báo cho UBND cấp xã là 182 người. Trong 9 tháng đầu năm 2024, địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ vỡ hụi với số tiền gần 122 tỷ đồng; các vụ vỡ hụi này chủ hụi đều không thông báo với UBND cấp xã về việc tổ chức làm hụi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố đối với bà N.T.B.L (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà L làm chủ hụi, vỡ hụi vào tháng 10-2020 với số tiềm chiếm đoạt khoảng 3 tỷ đồng.