Bà Nguyễn Mỹ Kim (Châu Thành) có nhu cầu tư vấn: Tuần rồi, con gái tôi, sinh năm 2006, trên đường đi sinh hoạt hè về bằng xe đạp, đến đoạn đường gần nhà, dừng xe lại để nghe điện thoại. Bất ngờ, có 2 người đi xe máy (1 người nam và 1 người nữ) chạy hướng ngược chiều, áp sát vào xe con tôi, người nữ nhanh chóng giật lấy chiếc điện thoại hiệu Nokia 3.1 của con tôi rồi họ phóng xe chạy mất. Lúc này, đường vắng, tuy cháu không bị ngã xe, nhưng rất hoảng sợ, không dám kêu la cầu cứu. Khi về đến nhà, cháu khóc mếu máo kể lại sự việc xảy ra. Chiếc điện thoại này đã qua sử dụng, tôi mua lại khoảng hơn 1 năm với giá 600 ngàn đồng cho cháu dùng để liên lạc.
Xin hỏi: Tài sản bị giật có giá trị không lớn, 2 người giật tài sản của con tôi có phạm tội cướp giật tài sản không, tôi có cần đến trình báo Công an không?
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Điều 171 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, quy định về “Tội cướp giật tài sản” như sau:
“1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 - 30%; g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ…”.
Căn cứ theo điều luật, mức hình phạt để định tội với tội danh “cướp giật tài sản” không quy định về giá trị tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu cấu thành tội phạm, mà phụ thuộc vào hành vi cướp giật có xảy ra hay không.
Do đó, người phạm tội “cướp giật tài sản”, bất kỳ tài sản bị cướp giật có giá trị lớn hay chỉ có giá trị rất nhỏ, vẫn là phạm tội “cướp giật tài sản”. Tuy nhiên, nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn thì thuộc các trường hợp quy định khung hình phạt tăng nặng tại Khoản 2, 3, 4 của Điều 171 BLHS, tùy theo giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Trong vụ việc này, tội phạm đã hoàn thành, hành vi phạm tội đủ yếu tố cấu thành tội “cướp giật tài sản” và người bị hại là cháu bé 12 tuổi, nên mức định khung hình phạt thuộc trường hợp quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 171 nêu trên.
Do vậy, trường hợp của cháu, dù giá trị tài sản bị chiếm đoạt không lớn, nhưng bà cần đến trình báo tại Công an xã nơi xảy ra vụ việc. Công an có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Có thể, các đối tượng phạm tội lần này chưa bắt được, nhưng việc trình báo là cơ sở để lực lượng chức năng nắm được tình hình trên địa bàn, sớm truy xét và bắt kịp thời.
H.Trâm (thực hiện)