Kỷ niệm với hai nhà báo Liên Xô

29/04/2020 - 07:15

BDK - Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi được bà Lê Thị Minh Đức - nguyên Phó hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng Mỏ Cày kể cho nghe một kỷ niệm khó quên về hai nhà báo Liên Xô. Sau 1 tháng làm việc ở Mỏ Cày, hai nhà báo Liên Xô mới trần tình, họ không chỉ là nhà báo và “muốn nhập cuộc chống đế quốc Mỹ”.

Ông Oleg Artzeulov xúc động quỳ trước mộ nói lời vĩnh biệt người bạn Lê Văn Quang vào tháng 8-1984. (Ảnh tư liệu của bà Lê Thị Minh Đức)

Ông Oleg Artzeulov xúc động quỳ trước mộ nói lời vĩnh biệt người bạn Lê Văn Quang vào tháng 8-1984. (Ảnh tư liệu của bà Lê Thị Minh Đức)

Hai “ông Tây” mặc bà ba đen

Sự việc đã diễn ra hơn 50 năm mà bà Lê Thị Minh Đức vẫn nhớ như in “Vì chúng tôi quá bất ngờ trước lời thú thật của hai nhà báo Liên Xô, không một người tình báo nào lại đi khai thật rằng họ đến không chỉ để làm phim về Việt Nam mà còn là tai mắt của Liên Xô, đến để tìm hiểu Việt Nam có vi phạm hiệp định Giơ-ne-vơ như luận điệu của Mỹ vu khống...”.

Năm 1967, hai nhà báo Liên Xô là Oleg Artzeulov, 51 tuổi, quay phim, kiêm đạo diễn, cùng Alech, 35 tuổi, bí mật vượt tuyến vào miền Nam Việt Nam đến tận Bến Tre để làm phim tài liệu tìm hiểu Việt Nam. Artzeulov là Thiếu tá lái xe tăng vào Berlin hồi Thế chiến thứ II, còn Alech là Đại úy Hồng quân chuyển ngành.

Hai nhà báo Liên Xô đến Việt Nam thì Trung ương Cục (đóng tại Tây Ninh) đưa về Khu 8, rồi Khu 8 đưa về Bến Tre, Bến Tre chọn Mỏ Cày. Ngày 2-6-1967, họ đặt chân lên đất Bến Tre. Alech “trọ trẹ” tiếng Việt chào quê hương Đồng Khởi. Buổi tiếp xúc làm việc đầu tiên với Tỉnh ủy Bến Tre tại Giồng Vỏ, xã An Định, huyện Mỏ Cày. “Buổi tiếp hai nhà báo Liên Xô có ông Bảy Đấu - Bí thư Tỉnh ủy, anh Sáu Huấn, anh Mười Sinh, anh Hai Tranh (Lê Văn Quang) và ông Út Khước ở Khu ủy đang công tác tại Bến Tre và anh Tám Long được Tỉnh ủy chỉ định công tác với đoàn hai nhà báo suốt thời gian ở Mỏ Cày”, bà Lê Thị Minh Đức nhớ lại.

Chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng Mỏ Cày phụ trách may quần áo bà ba đen, mua dép và nấu ăn cho Artzeulov và Alech. Trong hơn 1 tháng làm việc, di chuyển nhiều nơi để quay phim nhưng hai nhà báo Liên Xô vẫn không bị địch phát hiện. Việc giữ không lộ tung tích hai người ngoại quốc da trắng, cao lớn ở Mỏ Cày suốt hơn 30 ngày là một việc ấn tượng. Sự hiện diện của Artzeulov và Alech tại Bến Tre nếu bị địch phát hiện thì hậu quả rất nghiêm trọng.

“Đúng là giữ được bí mật không lộ đến địch là thắng lợi lớn của chúng tôi. Nếu không có lòng tốt của dân đối với cách mạng, đối với hai người con Xô Viết thì không tài nào ngụy trang được “mặt mũi Tây” của hai nhà báo Liên Xô với bàn dân thiên hạ trong hơn tháng trời đó đây trên địa bàn Mỏ Cày”, bà Lê Thị Minh Đức khẳng định.

Hành trình của hai nhà báo

Trong hơn 1 tháng ở Mỏ Cày, hai nhà báo đã quay nhiều thước phim tư liệu.  Artzeulov và Alech được đưa đến viếng Nghĩa trang xã An Thới, ghi hình chị em phụ nữ xã An Thới đang chăm sóc nghĩa trang, làm cỏ quét dọn, chăm sóc mồ mả người thân. Hai nhà báo Liên Xô nghe có cuộc đấu tranh của hơn 200 lực lượng ở Bình Khánh do chị Tư Tràng, chị Tư Minh dẫn đoàn kéo vào thị trấn Mỏ Cày chống địch bắn pháo; ở Phước Hiệp, các chị Nguyễn Thị Niềm, Lê Thị Thay, Bảy Xinh chở xác chị Chín Rô bị pháo bắn chết lên Mỏ Cày đòi địch bồi thường nhân mạng. Artzeulov và Alech muốn ra quận lỵ để ghi hình nhưng ta không dám cho đi.

Hai nhà báo Liên Xô đến gia đình anh nông dân ở Bình Khánh được cấp ruộng sau Đồng Khởi, nông dân này có cuộc sống khá, ở nhà kê (nhà kê tấm tán dưới cây cột, khá hơn nhà lá). Artzeulov và Alech dự một cuộc diễn tập cấp xã chiến đấu ở xã Minh Đức do chị Nguyễn Thị Trâm, chị Bảy Yến, chị Võ Thị Bảy chỉ huy có giàn mang ênh (bắn ra được nhiều mũi tên, mũi tên làm bằng sắt mài nhọn, hiện có trưng bày ở Bảo tàng Bến Tre - bà Lê Minh Đức giải thích). Cuộc diễn tập chiến đấu của phụ nữ còn có ong vò vẽ, các loại chông, hầm chông, gài trái trong hàng rào chiến đấu, có lực lượng phụ nữ xông vào hàng ngũ địch đấu tranh chính trị.

Artzeulov và Alech tiếp tục dự một buổi học trong hầm có đông đảo học sinh ở Thành Thới. Tham quan tổ công binh xưởng chế tạo vũ khí thô sơ ở Minh Đức... Nhiều lần Artzeulov và Alech đề nghị xin theo bộ đội ra trận nhưng Tỉnh ủy không dám cho đi vì sợ nguy hiểm tính mạng.

Lời thú thiệt đầy bất ngờ

Quá trình gần gũi, cùng sống và tâm sự với hai nhà báo Liên Xô, phía đoàn Bến Tre mới hiểu ra ý đồ của Liên Xô. Artzeulov và Alech là tai mắt của Liên Xô thời Khô-Rut-Xốp núp dưới danh nghĩa nhà báo quay phim tư liệu. “Mục đích thật của họ là tìm hiểu xem ta có đưa bộ đội chủ lực miền Bắc vào lật đổ chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ như luận điệu của Mỹ vu khống với họ. Liệu xu hướng của cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam có lôi Liên Xô vào hay không? Mỹ có đánh họ và phe xã hội chủ nghĩa Đông Âu không? Mặt khác, thông tin từ hai nhà báo Liên Xô nhằm giúp Liên Xô xem xét đáp ứng yêu cầu viện trợ chiến tranh cho Việt Nam. Nếu có, thì súng đạn gì, số lượng bao nhiêu”, bà Lê Thị Minh Đức nói.

Bà Lê Thị Minh Đức tại buổi ra mắt quyển Lịch sử phong trào phụ nữ huyện Mỏ Cày. Ảnh: T.Thảo

Bà Lê Thị Minh Đức tại buổi ra mắt quyển Lịch sử phong trào phụ nữ huyện Mỏ Cày. Ảnh: T.Thảo

“Nhưng thật bất ngờ với chúng tôi, vì khi tiễn biệt hai bạn Artzeulov và Alech, họ đã bày tỏ cảm nghĩ thật. Artzeulov nói, trước khi đến Việt Nam, cả hai đều nghĩ chỉ nên đứng ngoài cuộc nhìn xem Việt Nam làm gì và làm ra sao. Nhưng giờ đây, Artzeulov và Alech xin các bạn, các đồng chí Bến Tre, Mỏ Cày - người đại diện cho Việt Nam, cho họ được nhập cuộc chống đế quốc Mỹ. Artzeulov và Alech nhìn nhận việc giải phóng miền Nam Việt Nam, hòa bình thống nhất nước Việt Nam là hành động chính nghĩa. Kẻ nào chống lại sự nghiệp đó nhất định thất bại”, bà Lê Thị Minh Đức thuật lại.

Hai nhà báo Liên Xô trân trọng nhắc đến công bảo bọc của nhân dân Bến Tre, Mỏ Cày, nhất là các chị may quần áo bà ba cho và lo thay đổi từng bữa ăn ngon miệng trong những ngày công tác ở Mỏ Cày được an toàn và đầy thâm tình.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, đến tháng 8-1984, Oleg Artzeulov về đến Bến Tre, ông mang theo 20 tấm ảnh kỷ niệm, trong ảnh là các đồng chí Nguyễn Thị Định, Lê Văn Quang (Hai Tranh - Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre), Trần Thị Tiết (Út Hạnh). Nguyện vọng trở lại thăm Bến Tre của Artzeulov đã thành hiện thực và ông bùi ngùi xúc động khi nghe tin ông Lê Văn Quang đã mất. Artzeulov đề nghị với Tỉnh ủy Bến Tre được đến viếng mộ liệt sĩ Lê Văn Quang, đến trước mộ ông quỳ xuống để nói lời vĩnh biệt người bạn chí tình trong những ngày sống ở Bến Tre.

Bà Lê Thị Minh Đức, sinh năm 1934, tại xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam). Mẹ bà Đức là mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Của. Gia đình bà Đức có 9 anh em, trong đó có anh hai là Lê Văn Quang (Hai Tranh - Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) và anh tư là liệt sĩ, bà Đức là người con thứ sáu. Năm 18 tuổi, bà Lê Thị Minh Đức công tác công khai ở thị trấn Mỏ Cày. Trải qua nhiều nhiệm vụ, từ 1962 - 1968 bà Đức công tác ở Hội Phụ nữ giải phóng huyện Mỏ Cày. Sau đó, bà về tỉnh công tác cho đến ngày hưu trí. Bà Lê Thị Minh Đức là thương binh 2/4, bà hiện đang sống cùng người cháu gái tại Phường 7, TP. Bến Tre.

Thảo Trần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN