Lễ hội Nghinh ông lớn nhất của tỉnh ở làng chài Bình Thắng

26/07/2018 - 20:34

BDK - Trên địa bàn tỉnh có tất cả 12 lăng thờ Ông (theo tài liệu Di tích lịch sử văn hóa Bến Tre). Lễ hội không tổ chức một thời điểm mà rải rác ở nhiều tháng, duy chỉ có lễ hội nghinh Ông ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại được tổ chức vào hai ngày 15 và 16-6 âm lịch là lớn hơn cả về quy mô và không gian lễ hội.

Xã Bình Thắng trước kia có tên là làng Bình Châu, nơi tụ họp nhiều ngư dân đánh cá. Lăng Ông Nam Hải nằm ngay trong làng chài được xây dựng và khánh thành vào năm 1951 với lối kiến trúc 3 gian liền nhau theo kiểu “sắp đọi”. Lễ hội Nghinh Ông gồm các phần: túc yết, nghinh Ông, tế tiền hiền và hậu hiền, lễ chánh tế và xây chầu đại bội. Trong đó, nghi thức nghinh Ông được xem là quan trọng và được nhiều người tham gia hơn cả.

Sáng sớm, trong tiếng trống lân rộn ràng, dẫn đầu đoàn ra khơi, nghinh Ông gồm có chánh bái và phó chánh bái, theo sau có các học trò lễ, đào thài. Chiếc tàu được chọn là tàu của gia chủ song toàn nhất trong vạn lạch, làm ăn phát đạt và phải là tàu mang số chẳn, trên tàu bày lễ vật như 1 con heo quay, lòng heo, bánh hỏi, hoa quả. Tiếp sau tàu này là tất cả một đoàn tàu của ngư dân trong vạn lạch.

Hàng trăm chiếc tàu ra khơi tạo nên một không gian sống động khiến lòng người đi rước Ông hân hoan, phấn khích. Một hồi tù vang động một vùng biển báo hiệu việc xin keo đã được sự chứng giám của ông. Sự chứng giám của ông từ tàu lễ lan sang các tàu khác và họ hồ hởi quay trở về với một tốc độ cao hơn, rộn ràng, tưng bừng hơn, tạo nên một không khí rất náo nhiệt, nhất là khi vào đến lạch.

Lễ hội Nghinh Ông là dịp để người dân làm nghề biển tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với một sinh vật linh thiêng, gửi gắm vào đó cả niềm tin và hy vọng ở một vị thần hộ mạng sẵn sàng cứu giúp họ trong cơn hoạn nạn. Đồng thời, là dịp để họ thư giãn, lấy lại thăng bằng sau những ngày lao động vất vả trên biển khơi đầy sóng gió, nguy hiểm.

T. Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN