Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu: Giữ vững vị thế bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh

17/01/2025 - 12:39

BDK - Ðơn nguyên Sơ sinh - Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Nguyễn Ðình Chiểu điều trị và chăm sóc thành công nhiều trường hợp sinh non nhẹ cân. Ðặc biệt, có trường hợp bé sinh cực non, với cân nặng 600gram. Ðây là một trong những thành tựu nổi bật trong cấp cứu bệnh nặng được BV thực hiện trong năm 2024. Thành công của ca bệnh là bước tiến trong chăm sóc sức khỏe người dân, góp phần giữ vững vị thế, tầm vóc của BV hạng 1 tuyến tỉnh.

Cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ tại đơn nguyên Sơ sinh - Khoa Nhi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.  Ảnh: Phan Hân

Bảo vệ sự sống

Mỗi em bé đến với thế giới này là những câu chuyện khác nhau. Có bé may mắn “mẹ tròn con vuông”. Không ít bé khi lọt lòng do thiếu tháng hay những vấn đề sức khỏe phải điều trị, nuôi dưỡng trong lồng ấp.

Là trường hợp hiếm muộn, ở tuổi 42, vợ chồng chị Tăng Thị S. (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm) thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Gia đình chị mong đợi từng ngày để được gặp thiên thần bé nhỏ. Ngày 8-3-2024, thai ở 24 tuần 3 ngày tuổi, chị S. đến BV Nguyễn Đình Chiểu thăm khám định kỳ. Tại đây, chị S. được bác sĩ chẩn đoán chuyển dạ sinh do ối vỡ non. Ngay lập tức chị được chỉ định sinh mổ bắt thai được bé trai chỉ nặng 600gram. Tại phòng sanh, bé xuất hiện tình trạng suy hô hấp nặng. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngưng tuần hoàn, đặt nội khí quản, bóp bóng qua nội khí quản chuyển đến đơn nguyên Sơ sinh - Khoa Nhi điều trị.

Tại Phòng Hồi sức sơ sinh, Khoa Nhi, bé được chẩn đoán suy hô hấp, rối loạn đông máu, vàng da, thiếu máu, nhiễm nấm máu, bệnh phổi mạn, suy thượng thận. Các bác sĩ tiến hành hỗ trợ hô hấp qua máy thở, cung cấp dinh dưỡng qua tĩnh mạch và điều trị tích cực cho bé. Trải qua quá trình điều trị, với 73 ngày thở máy xâm lấn, 60 ngày thở không xâm lấn, bé đã hồi phục, tự thở với khí trời, cân nặng cải thiện 600gram lên 4kg.

Sau 5 tháng thấp thỏm, lo âu, chị S. đã vỡ òa khi bé được cho xuất viện và tiếp tục theo dõi, thăm khám định kỳ. Sau 3 tháng ra viện, chị S. cho biết: “Bé hồi phục và phát triển tốt, cân nặng được 5,5kg. Lúc con nằm viện, nhìn bé trong lòng kính tôi chỉ biết cầu mong cho con bình an. Được ẵm bồng con như bây giờ, gia đình tôi biết ơn sâu sắc các bác sĩ đã ngày đêm chăm sóc, nuôi dưỡng bé. Chúc các bác sĩ luôn mạnh khỏe, có thật nhiều thành công trong điều trị bệnh”.

Điều trị và chăm sóc thành công trường hợp sinh non, cực nhẹ ký này, BV Nguyễn Đình Chiểu đã mang lại niềm vui, hạnh phúc bất tận đối với gia đình chị S. Đây cũng là nguồn động viên, cổ vũ để cán bộ y tế tiếp tục điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non khác.

Nơi nuôi dưỡng “mầm non”

Tại Phòng Hồi sức sơ sinh, Khoa Nhi, BV Nguyễn Đình Chiểu, bệnh nhân là những trẻ sinh non, yếu ớt, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn được đặc biệt chú trọng. Bà mẹ tiếp sữa và vào thăm khi được gọi tên. Các bé được các điều dưỡng chăm sóc toàn diện. Bé càng nhỏ thì nguy cơ về bệnh tật và biến chứng càng cao. Điều này đồng nghĩa với trách nhiệm của y sĩ, bác sĩ càng nặng nề hơn.

BSCKII. Lê Hồng Phúc - Phụ trách Trưởng khoa Nhi BV Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Chăm sóc và điều trị thành công các ca sơ sinh cực non là một thách thức không nhỏ. Từ việc kiểm soát nhiễm khuẩn, giữ ấm cho các cháu trong môi trường lồng ấp đến việc cung cấp dưỡng chất phải tính toán thật chính xác theo nhu cầu và tình trạng bệnh lý của mỗi trẻ trong từng giai đoạn. Đặc biệt, phải theo dõi sự thay đổi cân nặng để điều chỉnh lượng dịch truyền đúng từng mi-li-lít. Trong sử dụng thuốc điều trị phải đảm bảo chính xác từng mi-li-gram. Bất kỳ sự sai lệch nào cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Các bệnh lý như: tim bẩm sinh, bệnh lý võng mạc, bệnh phổi mạn… vốn thường xảy ra ở trẻ sinh non phải được kiểm tra, tầm soát. Điều này đòi hỏi bác sĩ và điều dưỡng thực hiện y lệnh luôn tỉ mỉ, chính xác và tập trung cao độ vào công việc hết sức đặc biệt này.

BSCKII. Trình Minh Hiệp - Giám đốc BV Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất đối với nhóm trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, Ban giám đốc BV và lãnh đạo các khoa, phòng đã thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt về chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực chăm sóc, hồi sức tích cực sơ sinh, có tinh thần, thái độ tốt, tận tâm, nhiệt huyết và yêu nghề.

Sát cánh cùng các bé, ân cần chăm lo từng cử sữa, thay từng miếng tả, tiêm truyền, theo dõi các chỉ số sinh tồn, hơn ai hết, các y sĩ, bác sĩ hiểu rằng sự sống với các con mong manh nhường nào. “Bản thân là người mẹ, nhìn các bé mỏng manh, yếu ớt chống chọi từng ngày rất đau xót. Từng động tác tiêm thuốc, hút đờm, thay tã, xoay trở người cho bé đều phải nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương đến làn da, niêm mạc mỏng manh”, Điều dưỡng Khoa Nhi Bùi Thị Diệu chia sẻ.

Đơn nguyên Sơ sinh - Khoa Nhi, thành lập năm 2012. Số lượt trẻ sơ sinh, nhất là sơ sinh non tháng được chăm sóc và điều trị tại đây tăng theo từng năm. Năm 2024, Khoa Nhi đã tiếp nhận điều trị cho 44 ca sơ sinh non tháng (≤ 30 tuần tuổi thai hoặc dưới 1.000g).

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, cùng với sự quan tâm đầu tư, củng cố, nâng cao chất lượng của BV và sự chăm sóc tận tình của nhân viên y tế, tin tưởng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những bé nhẹ cân, thiếu tháng được nuôi dưỡng thành công.

Năm 2024, BV Nguyễn Đình Chiểu đã triển khai thêm 5 kỹ thuật mới, cải tiến chất lượng BV tăng mức 7 tiêu chí so với năm 2023. Triển khai cấp cứu đột quỵ và vinh dự đạt giải thưởng Bạch kim của Hội Đột quỵ thế giới. BV đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đã tham gia và đạt 3 giải (1 giải nhì, 2 giải ba) tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ X. Hiện BV đã hoàn chỉnh đề cương cho 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về can thiệp động mạch vành gửi Sở Khoa học và Công nghệ và đã triển khai 31 đề tài nghiên cứu khoa học, 8 sáng kiến cải tiến cấp cơ sở về các lĩnh vực điều trị, điều dưỡng, dược và quản lý.

Ngọc Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN