BDK - Xuân đang về trên mọi miền Tổ quốc. Trong niềm hân hoan, phấn khởi đón chào năm mới, chúng ta lại nhớ đến những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió đang âm thầm, tận tụy, ngày đêm canh giữ, bảo vệ vững chắc biển trời của Tổ quốc, góp phần dệt nên mùa xuân tươi thắm cho quê hương, đất nước.
Đại tá Trần Mạnh Chiến - Chính ủy Vùng 2 Hải quân động viên các chiến sĩ trước giờ tàu xuất bến thực hiện nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1. Ảnh: Văn Đường
Tạo nên những kỳ tích
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, để làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 có sự đóng góp to lớn từ con đường vận tải trên biển mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” vận chuyển chi viện người và vũ khí cho chiến trường miền Nam (từ 1961 - 1975). Con đường chuyên chở vũ khí trên Biển Đông trở thành con đường “huyền thoại”, một kỳ tích trong thế kỷ XX của dân tộc ta; trở thành niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta và là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cũng trong giai đoạn này, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số (tiền thân của Lữ đoàn 125 thuộc biên chế Vùng 2 Hải quân) đã tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo phía Tây Nam (Cù Lao Thu, Thổ Chu, Phú Quốc, Pô lô val) và chở 4.427 cán bộ cách mạng bị giam giữ ở Côn Đảo trở về, cùng nhiều chiến tích khác.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng năm tháng hào hùng về đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn in sâu trong ký ức của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức (Sáu Đức), nguyên Thuyền phó tàu 43. Ông là người con của mảnh đất quê hương Đồng khởi anh hùng Bến Tre. Năm 21 tuổi, ông xung phong vào bộ đội và được biên chế vào Đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí, quân nhu vào miền Nam. Một trong những nhiệm vụ mà ông còn nhớ rất rõ vào ngày 27-2-1968, tàu 43 chở 38 tấn vũ khí vào bến C.45 Mỹ Á, xã Phổ Hiệp (nay thuộc thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Khi đi qua vĩ tuyến 17 thì bị vệ tinh Mỹ phát hiện. Tàu 43 đối đầu với 6 tàu địch và 2 trực thăng. Trận chiến đấu quyết liệt trên Biển Đông. Cuộc chiến không cân sức, chỉ còn 14 chiến sĩ trên tàu kiên cường bám trụ. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh hủy tàu, xuống xuồng bơi vào đất liền…
Giọng ông Sáu Đức chùng lại nghẹn ngào, xúc động: “Tôi vẫn còn nợ các đồng chí đã hy sinh một lời hẹn vì nhiều lý do nên chưa thể đến thăm gia đình các anh em Vũ Xuân Ruệ, Nguyễn Đăng Kiểm, Võ Nho Tòng. Đây là điều mà tôi còn trăn trở, luôn cảm thấy mắc nợ đồng đội, anh em…”.
Sau ngày thống nhất đất nước, phát huy chiến tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, Lữ đoàn 125 tiếp tục làm nhiệm vụ chi viện cho quần đảo Trường Sa, vùng biển, hải đảo khác, đồng thời trực chốt, góp phần bảo vệ thắng lợi và vững chắc lãnh hải, thềm lục địa cùng các hải đảo Tổ quốc. Đặc biệt, trong chiến dịch Tây Nam 1979, để đáp ứng yêu cầu của mặt trận, Lữ đoàn 125 đã huy động 139 chuyến tàu, chở 19.700 tấn hàng hóa quân sự, cùng 25.161 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Tây Nam, góp phần giải phóng dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt-Yêng Xa ri.
Đặc biệt, trong sự kiện ngày 14-3-1988, cán bộ, chiến sĩ 3 tàu vận tải 604, 605 và 505 của Lữ đoàn 125 chỉ có AK và B41 trong tay, nhưng đã chiến đấu anh dũng, kiên cường với các tàu khu trục được trang bị hỏa lực mạnh của nước ngoài, để bảo vệ từng tấc đất, sải biển ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương, máu của họ đã tô thắm truyền thống quân chủng Hải quân, để lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam tiếp tục phấp phới tung bay trên đảo Cô Lin, Len Đao cho đến tận ngày nay.
Phát huy truyền thống anh hùng
Ngày nay, Lữ đoàn 125 thuộc biên chế Vùng 2 Hải quân, là đơn vị vận tải chủ lực của Hải quân với trang thiết bị hiện đại, luôn sẵn sàng chiến đấu, phát huy truyền thống hào hùng của cha anh, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, tập trung nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
“Tự hào là thế hệ viết tiếp truyền thống vẻ vang của các bậc cha anh đã từng làm nên huyền thoại “Đoàn tàu không số”, chúng tôi luôn cố gắng học tập, rèn luyện, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải chi viện cho biển, đảo, Trường Sa, nhà giàn DK1, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển, khẳng định vị thế của đơn vị hai lần anh hùng lực lượng vũ trang”, Trung tá Huỳnh Chí Cường - Chính trị viên Hải đội 1, Lữ đoàn 125, là một người con ưu tú của quê hương Bến Tre.
Cùng với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đơn vị luôn chú trọng công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre, tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ gia đình khó khăn, học sinh nghèo vượt khó. Thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, Lữ đoàn đã trao hàng trăm cờ Tổ quốc, áo phao tặng ngư dân các tỉnh ven biển; nhận đỡ đầu nhiều con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến khi các cháu 18 tuổi.
Đặc biệt, trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những chuyến tàu của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân lại bắt đầu hành trình vượt biển, cùng hàng hóa, quà Tết mang hơi ấm đất liền đến với nơi đầu sóng ngọn gió, nơi mà những người lính hải quân vẫn đang ngày đêm âm thầm vượt qua khó khăn, vất vả, sự khắc nghiệt của biển cả, sự rình rập của kẻ thù và nỗi nhớ da diết từ đất liền.
Viết tiếp truyền thống hào hùng “Mưu trí, dũng cảm; khắc phục khó khăn; vận tải đường biển; chi viện chiến trường; quyết chiến, quyết thắng”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 hôm nay nguyện đoàn kết một lòng, ra sức học tập và rèn luyện, xây dựng đơn vị ngày một lớn mạnh, mãi mãi xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng, với những trang sử huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” và “Đoàn tàu không số”.