Cơ cấu kinh tế tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tạo nguồn lực chuyển dịch theo hướng hiện đại

16/01/2025 - 08:34

BDK - Với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 đạt 5,68% (Nghị quyết - NQ 6,5% - 7%), thấp so với bình quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 7,31%. Xét về chỉ số của từng khu vực (KV) cơ cấu kinh tế (CCKT), lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (KV II) đạt mức tăng 10,59%, thuộc nhóm khá của vùng, trở thành điểm sáng của kinh tế tỉnh nhà.

Cơ cấu kinh tế năm 2024 của vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận.

MỤC TIÊU... CÒN XA

Thế nhưng so với NQ Đại hội (ĐH) XI Đảng bộ tỉnh, đề ra chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng bình quân KV II là 15% - 17%/năm, kết quả đạt được năm 2024 và cả giai đoạn (từ 2021 - 2024) vẫn còn khá khiêm tốn.

Nguyên nhân là năm đầu tiên triển khai NQĐH XI Đảng bộ tỉnh, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, giãn cách xã hội và sản xuất khó khăn, năm 2021 KV II tăng trưởng âm (-2,94%). Năm 2022 dần hồi phục, KV II đạt mức tăng trưởng 12,72%, năm 2023 là 9,25%.

Như vậy, mức tăng bình quân KV II của 3 năm 2022 - 2024 tương đương với giai đoạn 2010 - 2015 (12,8%) và 2015 - 2020 (11,6%). Qua đó cho thấy, dù có nhiều quyết tâm và nỗ lực, nhưng tăng trưởng KV II vẫn còn thấp so với mục tiêu, chưa thật sự trở thành mũi đột phá, thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với các tỉnh đạt mức tăng trưởng nhóm đầu của vùng ĐBSCL, KV II đạt mức tăng cao. Đó là Trà Vinh GRDP 10,04% và KV II 20,23%, Hậu Giang GRDP 8,76% và KV II 16,57%... Nổi bật là Long An, GRDP đạt 8,03% ở vị trí thứ 3 của vùng và KV II 10,95%, nhưng tỷ trọng chiếm trên 52% CCKT. Càng ấn tượng hơn về khả năng thu hút vốn FDI, Long An chiếm 124/142 dự án, với 564,2 triệu USD/759 triệu USD của cả vùng ĐBSCL năm 2024.

 Do đó, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của tỉnh là 6,0% - 6,5%, trong đó KV II tăng 11,77%, cần phải tập trung triển khai đồng loạt nhiều giải pháp mạnh mẽ, thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

TRIỂN VỌNG KHU VỰC III

Để chuyển dịch CCKT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (KV I), tăng tỷ trọng ngành công nghiệp (KV II) và dịch vụ (KV III). Nhìn tổng thể CCKT năm 2024 của vùng ĐBSCL (KV I 30,8%, KV II 27,93%, KV III 36,96%) và cả nước (KV I 11,86%, KV II 37,64%, KV III 42,36, thuế sản phẩm 8,14%) tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các ngành công nghiệp chủ lực giữ vững nhịp độ phát triển, tạo nền tảng cho tăng trưởng nền kinh tế.

Phát triển điện gió tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Đối chiếu với các tỉnh lân cận, nét tương đồng là KV I vẫn duy trì là một trong những trụ cột CCKT, do xuất phát điểm là nông nghiệp. Sự khác biệt thể hiện ở KV II, nhiều tỉnh, thành đã có sự bứt phá ngoạn mục, chiếm tỷ trọng cao CCKT, tác động đến tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Đối với tỉnh nhà, KV II dù là điểm sáng về tăng trưởng nhưng tỷ trọng chiếm khá thấp CCKT. KV III năm 2024 tăng 6,29% nhưng lại có tỷ trọng đạt mức 41,93%, cao hơn bình quân vùng ĐBSCL. So với NQ ĐH XI Đảng bộ tỉnh, cơ bản đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025 (KV III chiếm 42% - 45%), tương đương với nhiệm kỳ 2015 - 2020 (45,7%).

Từ đó cho thấy, KV III có vai trò quan trọng CCKT tỉnh nhà, với mức tăng ổn định. Cùng với phát triển thương mại, đa dạng dịch vụ, du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025 và ngành kinh tế “mũi nhọn” vào năm 2030. Tập trung khai thác thế mạnh về cây dừa, văn hóa miệt vườn, nghỉ dưỡng ven biển kết hợp bảo vệ rừng và hệ sinh thái. Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, cộng đồng, nổi bật là về cây ăn trái, hoa kiểng, cây giống...

Khi thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, nhất là khu vực nông thôn, tiêu thụ nông sản của địa phương. Qua đó góp phần cải thiện đời sống, từng bước nâng cao thu nhập của người dân (bình quân năm 2024 là 56,8 triệu đồng), thấp so với vùng ĐBSCL (80,7 triệu đồng) và còn khoảng cách xa với bình quân cả nước (114 triệu đồng).

Để đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, chuyển dịch CCKT theo hướng hiện đại thì không thể đột phá ở KV I,  dù có lợi thế về kinh tế vườn, kinh tế biển nhưng lĩnh vực nông nghiệp đang đối mặt với nhiều nguy cơ, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng mặn xâm nhập sâu và kéo dài... Đồng thời, KV II phát triển chưa đạt yêu cầu, thu hút đầu tư chưa mạnh, chưa đủ lực để thúc đẩy chuyển dịch CCKT và tăng trưởng.

Do đó, KV III hiện chiếm tỷ trọng lớn CCKT, vẫn còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển, cần được quan tâm đầu tư, khai thác hiệu quả hơn. Tất nhiên về chiến lược lâu dài, khi hội đủ nguồn lực và điều kiện cần thiết, KV II sẽ giữ vai trò quan trọng CCKT, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy tỉnh nhà tăng trưởng mạnh mẽ, từng bước thu hẹp khoảng cách với vùng ĐBSCL và cả nướcn

K. PHONG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN