Luật sư Trần Văn Khương
Con nhà nghèo du học ở Tây
Theo lời tự kể, Khương sinh vào ngày 12-9-1909. Đến những năm 1924 - 1925, xã Tân Hưng vẫn chưa có trường học, Khương phải đi học chữ Nho và phải qua xã Hưng Nhượng học chữ quốc ngữ. Năm 1926 (17 tuổi), Khương lên thị xã Bến Tre để học lớp Nhì. Còn một năm nữa là thi lấy bằng tiểu học, nhưng do năm đó, cả thầy và trò tham gia để tang nhà ái quốc Phan Châu Trinh, nên số đông học sinh bị đuổi học, trong đó có Trần Văn Khương.
Thời ấy, chỉ có nhà giàu mới có tiền lo cho con đi Tây ăn học. Còn gia đình Khương thuộc diện nghèo, ít đất, phải mướn thêm ruộng của một đại địa chủ ở xã Tân Hào để canh tác. Năm 1928, cha Khương may mắn trúng mùa, lúa lại được giá (một giạ bán một đồng hai). Trả xong mọi chi phí, gia đình còn dư được năm trăm đồng. Khương xin cha trọn số tiền ấy để quyết tâm du học nhằm thay đổi nghịch cảnh gia đình và bản thân.
Lên Sài Gòn, tình cờ Khương gặp cậu “Công tử” cháu ngoại điền chủ mà cha Khương mướn đất làm. Nghe Khương nói muốn qua Pháp học, anh ta hứa lo giấy tờ giúp. Vài ngày sau, anh ta lại nói “Tao lỡ xài hết tiền rồi!”. Thế là Khương bị mất hết phân nửa phần tiền mang theo.
Bị lừa gạt ngay bước đầu, Khương rất buồn, nhưng không thể trở về nhà với hai bàn tay trắng!? Vé tàu hạng ba là ba trăm, mà Khương chỉ còn trên hai trăm đồng, nên phải mua vé hạng tư (tức “Surpont” - ngủ trên boong tàu), giá một trăm hai mươi đồng, nhưng người bán vé tàu cho biết đã hết vé hạng tư! Khương năn nỉ thầy ký bán vé khá lâu mà không được, liền nghĩ ra một ý là chờ thầy ta về nhà ăn cơm trưa, nhét vội một tờ giấy “hoảnh” (hai chục đồng) vào túi thầy ta. Thế là chiều đó, thầy ta lo cho Khương mua được một vé “bét”!
Xuống tàu rồi, Khương vẫn chưa biết sang Pháp sẽ “tấp” vào đâu để ăn học? Thời may, Khương gặp một người bạn vốn là cháu ngoại một vị Đốc phủ ở Mỹ Tho rủ Khương về Praysass thuộc quận Agen, nơi đây có vị Linh mục Simonet chuyên đỡ đầu người Việt sống ở Pháp. Thế là Khương tá túc nhà Linh mục, đi lao động ba tháng hè để kiếm tiền. Nhưng tiền không đủ chi cho việc ăn và học! Biết được hoàn cảnh của Khương - một học trò nghèo có ý chí - bà Mười Liễu ở xã An Ngãi Trung (Ba Tri) cũng gửi tiền sang giúp Khương xoay xở được vài năm.
Đỗ Tiến sĩ Luật khoa quốc gia tại Paris
Năm 1930, kinh tế châu Âu khủng hoảng, nhiều sinh viên - học sinh Việt Nam phải bỏ học, về nước, nhưng Khương quyết ở lại nước Pháp, hái trái cây thuê trong mùa thu hoạch và xin đi gác đêm ở các hiệu buôn, công xưởng nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Nhờ quyết tâm, nhẫn nại, năm 1936, Khương đỗ Tú tài toàn phần ở thành phố Bordeaux và tiếp tục chọn khoa Luật, theo học tại Paris.
Được sự giúp đỡ của vài giáo sư người Pháp tiến bộ trong thời gian Chính phủ Mặt trận Bình dân cầm quyền, Khương được giữ một chân “Giám thị” (maître d’internat), sau đó là “thầy phụ đạo” (répétiteur) ở một số trường trung học Paris. Vừa học, vừa làm, năm 1943, Khương đỗ Cử nhân Luật; năm 1944 đỗ bằng Năng khiếu Luật, tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị; năm 1945 đỗ Tiến sĩ Luật khoa quốc gia (Docteur d’État en Droit) tại Paris.
Tháng 6-1946, Trần Văn Khương được Tổ chức đưa vào công tác ở Phái đoàn Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp, do Trần Ngọc Danh (em ruột của đồng chí Trần Phú) làm trưởng đoàn.
Trường Đại học Luật Panthéon d’Assas - nơi luật sư Trần Văn Khương gửi thư xin cầu may các bằng cấp của mình nửa thế kỷ trước đây. Ảnh tư liệu
Trong thời gian Phái đoàn Việt Nam sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau (từ ngày 6-7 đến 10-9-1946), Trần Văn Khương đã góp phần tích cực của mình để Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Trưởng phái đoàn và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thượng khách của Chính phủ Pháp lúc đó tiếp xúc với nhiều chính khách quan trọng, nhiều nhà hoạt động chính trị tiến bộ, có tên tuổi ở Pháp.
Khi biết Trần Văn Khương có ý muốn về Việt Nam để tham gia kháng chiến, Bác Hồ khuyên: “Về nước kháng chiến là tốt, nhưng với cương vị Luật sư giao du thân mật với các nhân vật tên tuổi có đầu óc dân chủ tiến bộ Pháp, chú nên ở lại Paris trong lúc nầy. Phái đoàn Trần Ngọc Danh rất cần sự giúp đỡ của chú”.
Dấn thân làm cách mạng
Đầu tháng 9-1949, Trần Văn Khương quyết định về Sài Gòn và bắt liên lạc với cách mạng để vào chiến khu Đồng Tháp Mười, tham gia kháng chiến.
Trong thời gian kháng chiến ở Nam Bộ, Trần Văn Khương được phân công làm Trưởng phòng Pháp chế Sở Tư pháp Nam Bộ, Ủy viên Mặt trận Liên Việt… Ông được nhiều đồng chí như Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Trần Bạch Đằng hết lòng giúp đỡ trong công tác. Em gái đồng chí Ung Văn Khiêm (Ba Khiêm) tên là Sáu Huệ (quê Chợ Mới, Long Xuyên) trở thành người bạn đời chung thủy của Trần Văn Khương từ năm 1950.
Năm 1954, Trần Văn Khương tập kết ra Bắc. Ngoài những hoạt động trong ngành Luật, ông còn tham gia Hội Hữu nghị Việt - Xô, Hội Hữu nghị Việt - Pháp, MTTQ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó gọi là Đảng Lao động Việt Nam) từ năm 1961.
Đất nước thống nhất, ông trở về miền Nam, cư trú tại TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục góp sức hoạt động trong ngành Luật.
Có một kỷ niệm không bao giờ quên khi nghe ông nói về các bằng cấp của mình. Đó là vào năm 1993, khi Tổng thống Pháp Francois Mitterand qua thăm Việt Nam và đến TP. Hồ Chí Minh hỏi thăm các nhà trí thức Việt Nam tu nghiệp ở Pháp vào mấy mươi năm về trước, lúc đó ông mới sực nhớ mình đã từng tốt nghiệp ở Pháp nhưng chưa được lĩnh bằng. Ông liền viết thư gửi Đại học Luật Panthéon d’Assas xin “cầu may” các bằng cấp nửa thế kỷ trước đây của mình. Không ngờ một tháng sau, ông được Trường Đại học Luật cho biết các bằng cấp vẫn còn và đã gửi qua cho ông theo đường ngoại giao vài tuần sau đó. Lúc ấy, ông đã 84 tuổi!
Từ một học sinh nghèo, chưa có bằng tiểu học, nhưng với ý chí, niềm tin và khát vọng mãnh liệt, Trần Văn Khương đã chiếm được các bằng Cử nhân Luật, Tiến sĩ Luật, bằng Năng khiếu làm Luật sư, tốt nghiệp Sciences Politiques - một loại bằng của giới quý tộc chuyên ngành chính trị và ngoại giao Pháp! Nhưng tất cả đều ở phía sau, khi ông quyết định dấn thân vào con đường cách mạng, con đường kháng chiến gian khổ để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Đây chính là nét tinh anh tiêu biểu tinh thần yêu nước mãnh liệt của tầng lớp trí thức Việt Nam theo con đường Tây học lúc bấy giờ.
Trong quá trình tham gia cách mạng, ông được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì “vì đã có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”.
Ông đã về với thế giới người hiền từ ngày 20-2-2002, hưởng thọ 93 tuổi. Thực hiện theo di huấn, ái nữ của ông (bác sĩ Trần Thị Hòa) cùng gia đình đã di quan về an táng tại quê nhà - xã Tân Hưng, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Xuân về, nhắc lại khái quát cuộc hành trình của một Tiến sĩ Luật xuất thân từ một thanh niên nông dân nghèo, để mọi người chúng ta, nhất là lớp tuổi thanh xuân suy ngẫm, từ đó tự trang bị cho mình nghị lực vượt lên số phận, tìm ra con đường lập thân - lập nghiệp thích ứng cho đời mình.
Đó cũng là cách thiết thực bày tỏ lòng thành kính, khâm phục, biết ơn ông nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 17 năm ngày mất của ông.
Nguyễn Quang Trị
(Viết theo lời kể ông Trần Văn Khương và những tư liệu do ông cung cấp)