Quan tâm giáo dục học sinh chưa ngoan

18/11/2024 - 05:26

BDK - Học sinh (HS) chưa ngoan ở trường nào cũng có và gần như lớp nào cũng có. Trong khi đó, quy trình giáo dục HS chưa ngoan lại tùy thuộc vào quan điểm của từng Ban giám hiệu nhà trường, của từng giáo viên. Được sự giới thiệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chúng tôi đã có buổi trò chuyện với các thầy cô Trường THCS Phú Hưng, TP. Bến Tre, với ước mong gợi lên những suy nghĩ về việc giáo dục HS chưa ngoan.

Học sinh Trường THCS Phú Hưng rất thích chơi các môn thể thao như cầu lông, bóng đá, bóng bàn... trong giờ ra chơi.

Sự quan tâm của lãnh đạo

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai cho hay: Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không gọi học sinh (HS) vi phạm quy định nhiều lần là HS cá biệt nữa, mà gọi là HS chưa ngoan. Bởi gọi là cá biệt sẽ khiến các em có cảm nhận là mình bị phân biệt đối xử, sẽ tổn thương các em.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình định hướng GD&ĐT cho mọi cấp học phổ thông do Bộ GD&ĐT Việt Nam ban hành năm 2018. Qua trò chuyện với các thầy cô Trường THCS Phú Hưng, TP. Bến Tre được biết, hiện nay chưa có một quy định quy trình nào chung cho việc giáo dục HS chưa ngoan.

Việc giáo dục HS chưa ngoan chủ yếu xuất phát từ sự quan tâm định hướng của Ban giám hiệu nhà trường, từ tấm lòng của những người thầy yêu thương học trò của mình. Trường THCS Phú Hưng là một trường ở ngoại ô TP. Bến Tre, sĩ số HS toàn trường khá động với 1.146 HS, trong đó, có HS ngoại tuyến ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành và một vài xã ở huyện Giồng Trôm, nhưng nhà lại giáp ranh xã Phú Hưng. Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hưng Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Phụ huynh HS của trường đa số là lao động làm thuê. 1/4 HS của trường sống trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong đó, có HS khó khăn về vật chất, có HS khó khăn vừa cả về vật chất lẫn tinh thần. Theo thống kê của trường, có khoảng 15% số HS toàn trường đang sống với ông bà, không sống cùng cha mẹ”.

Cũng theo Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Hùng, người có 29 năm làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục, Trường THCS Phú Hưng đang hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. Do đó, nhà trường rất quan tâm đến cảm xúc của HS, những nhà giáo không thể dùng bạo lực tinh thần, thể xác đối với HS, mà chỉ có thể dùng tình thương và hành động hỗ trợ thiết thực cho những HS chưa ngoan. Cụ thể, vận động xã hội hóa công tác chăm lo cho HS như cấp bảo hiểm, học bổng; tạo nhiều sân chơi thể thao cho các em, quan tâm giáo viên phụ trách công tác Đoàn - Đội trong việc mở ra các câu lạc bộ kỹ năng cho các em sinh hoạt, từ đó, nắm bắt được thế mạnh và tâm tư, tình cảm của các em HS, để có định hướng, giáo dục kịp thời. Đồng thời, trường còn mở lớp phổ cập THCS cho các em có điều kiện khó khăn phải bỏ học, sau đó, trở lại đi học để hoàn thành chương trình THCS.

Được biết, trên địa bàn TP. Bến Tre, có 2 trường THCS là có phổ cập bậc THCS gồm Trường THCS Phú Hưng và Trường THCS Mỹ Hóa.

Những câu chuyện nhớ mãi

Khi nhớ về những học trò trong quãng đời dạy học của mình, các thầy cô Trường THCS Phú Hưng đều thống nhất cho rằng, những em HS chưa ngoan, ngỗ ngược lại khiến các thầy cô nhớ nhiều nhất, vì các thầy cô thương các em nhiều hơn hẳn. Điều thú vị trong cuộc đời của những em HS chưa ngoan, thầy cô là những người các em tôn trọng, yêu thương, luôn nhớ đến và về thăm thầy cô thường xuyên.

Cô Huỳnh Thị Kim Loan, có 29 năm giảng dạy môn Toán khối 6 và 8 tại Trường THCS Phú Hưng kể: “Thầy cô luôn có ấn tượng khắc sâu đối với những HS chưa ngoan. Đến nay, tôi vẫn không thể quên em HS nam do tôi chủ nhiệm, em này đánh bạn, tống tiền bạn. Tôi đã tìm hiểu và đau lòng khi biết được, ở nhà em thường xuyên bị mẹ ruột đánh đập, bà đánh tới tấp một cách vô lý với con trai của mình. Sau khi trò chuyện với người mẹ, tôi hiểu được nỗi khổ tâm của một người đàn bà bị chồng ruồng bỏ, chồng đi theo nhân tình, khiến cho người mẹ trút giận lên đứa con trai. Khi hiểu được hoàn cảnh của em HS này, tôi đã phối hợp với phụ huynh để giúp em sửa chữa lỗi lầm”.

Theo cô Kim Loan, người giáo viên phải có tình thương, lòng vị tha đối với học trò chưa ngoan như đối xử với chính đứa con, đứa cháu ruột của mình, thì mới cảm hóa được các em. Cô Kim Loan đã nói với người mẹ đau khổ ấy rằng, hoàn cảnh gia đình đã khiến em HS chưa ngoan đánh bạn và tống tiền bạn để em ấy trút giận, để chứng tỏ bản thân... người mẹ phải hiểu rằng, em HS này chỉ ở với giáo viên chủ nhiệm 1 năm, nhưng sẽ ở suốt đời với người mẹ, thế nên, mẹ phải giúp em ấy, bằng cách dừng các hành động đánh đập con vô cớ. Mặt khác, ở trường, cô Kim Loan giao cho em HS chưa ngoan phụ trách một khoảnh sân trường đang trồng hoa, cho em này quyền điều động các bạn khi chăm sóc hoa cảnh. Từ đó, em HS dần lấy lại sự tự tin, cảm thấy bản thân hữu dụng và mong muốn các bạn yêu thương nên em đã dừng các hành động sai trái và tiến bộ hơn trong học tập.

Còn với cô Phùng Thị Thu Lộc, dạy môn Lịch sử, chủ nhiệm lớp 8, Trường THCS Phú Hưng, cô có 18 năm kinh nghiệm giảng dạy và chủ nhiệm. Cô Thu Lộc chia sẻ: “HS khối 8 là lứa tuổi khó uốn nắn nhất, trong tâm lý học, độ tuổi này không còn là trẻ con mà chưa hẳn là người lớn. Các em trong độ tuổi này luôn muốn thể hiện bản thân, nên thường có những hành động “làm nổi” bằng cách vi phạm quy định nhà trường. Trong mỗi lớp, luôn có 1, 2 bạn như vậy. Các em chưa ngoan này, thường có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, khiến các em mặc cảm, từ đó học hành sa sút. Hễ học hành lơ là, các em sẽ bị mất căn bản, nên vô lớp không muốn học, mà chỉ nằm ngủ hoặc chọc ghẹo các bạn, khiến giáo viên rất đau đầu”.

Trong giáo dục, tôi không áp đặt mục tiêu nào với HS chưa ngoan, mà động viên các bạn trong lớp đều phải chung tay giúp bạn HS chưa ngoan tiến bộ. Việc hiểu HS chưa ngoan trên lớp chỉ mới một phần nhỏ, người giáo viên phải tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống hàng ngày của các em mới hiểu được các em nhiều hơn...”, cô Thu Lộc chia sẻ thêm.

“Trường THCS Phú Hưng có diện tích 17.000m2, nhờ sân trường rộng, nên các lớp chia khu vực bồn hoa, cây xanh, vườn rau để chăm sóc. Bên cạnh đó, từ năm học 2023-2024, Trường THCS Phú Hưng đã mạnh dạn đưa môn bóng bàn vào giảng dạy môn tự chọn cho HS lớp 6 và thực hiện cuốn chiếu qua từng năm học. Đến nay, trường đã tuyển chọn 12 HS có năng khiếu và tổ chức luyện tập thường xuyên, đây chính là lực lượng được đào tạo thi đấu các phong trào thể thao thời gian sau này. Trong những giờ ra chơi, học trái buổi, HS có thể tham gia giao lưu cùng các bạn, kết nối sự đoàn kết, thân ái qua các môn thể thao tại sân trường”.

(Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hưng Nguyễn Quốc Hùng)

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN