BDK - Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng Đề án 06 của Chính phủ, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn nêu cao quyết tâm, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án 06 của Chính phủ “về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch năm 2024. Trong đó, có 9 nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn, còn lại 36 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện và thực hiện thường xuyên.
Tỉnh chú trọng các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công (DVC), toàn tỉnh có 1.542/1.833 TTHC đã triển khai cung cấp trực tuyến, đạt tỷ lệ 84%. Có 1.441 DVC trực tuyến được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia, đạt tỷ lệ 93%. Triển khai thực hiện 76 DVC thiết yếu theo Đề án 06, Quyết định số 422/QĐ-TTg và Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo lộ trình của bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh đã triển khai một số giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Chi trả an sinh xã hội, học phí, viện phí dưới hình thức không dùng tiền mặt. Xác thực thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Triển khai tiếp nhận khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 27 mô hình điểm, nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đăng ký thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, với tổng số tiền 47,8 tỷ đồng. Thực hiện mô hình “Công dân số” thông qua việc Công an tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử cho 1.124.607 trường hợp và kích hoạt 917.721 tài khoản, đạt tỷ lệ 98,6%. Triển khai phần mềm thông báo lưu trú ASM tại các cơ sở lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh trên 2 ngàn trường hợp. Khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID trên 1,1 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ 99,5%.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục duy trì thông suốt việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa CSDL quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh để hỗ trợ bộ phận một cửa các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện TTHC qua môi trường mạng, đảm bảo nguyên tắc không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại các thông tin đã có từ CSDL quốc gia về dân cư.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều hạn chế, một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ do hạn chế kỹ thuật và tổ chức triển khai. Cụ thể như: Việc triển khai tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, hiện mới đạt 12,4% tổng số cần tích hợp. Kiểm thử cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID và số hóa dữ liệu hộ tịch mới đạt 65,4%, chưa hoàn thành việc kết nối dữ liệu đất đai của tỉnh với CSDL quốc gia.
Trong thời gian tới, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đề nghị các sở, ngành tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là đối với các nội dung bị chậm, gồm: Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Tỷ lệ số hóa dữ liệu hộ tịch. Kết nối CSDL đất đai của tỉnh với CSDL đất đai quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phục vụ đơn giản hóa TTHC lĩnh vực cư trú, đất đai.
Tại cuộc họp giao ban Tổ công tác triển khai Đề án 06, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười đề nghị, các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp, kết hợp tháo gỡ những khó khăn, chậm tiến độ hiện tại. Sở Y tế, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt lưu ý khắc phục hạn chế. Cần có sự chủ động trong công tác tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin và thông qua tổ công nghệ số cộng đồng để vận động, triển khai cho người dân thực hiện các chủ trương chung có hiệu quả.