BDK - Theo Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã tập trung nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất đối với những cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của địa phương. Các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng theo hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Người dân sản xuất rau màu gắn với chuỗi giá trị. Ảnh: L. Đệ
Xác định 6 sản phẩm chủ lực
Huyện xác định 6 sản phẩm chủ lực để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, gồm: bò, tôm, nghêu, lúa, rau an toàn, tôm khô - cá khô.
Chuỗi giá trị lúa gạo, thực hiện mô hình vùng sản xuất lúa tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa sử dụng khoáng tự nhiên với công nghệ phun bằng dây bay” và ứng dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” tại các xã sản xuất lúa trên địa bàn huyện. Đến nay, diện tích ứng dụng 1.258ha; trong đó, có 557,67ha, với 793 nông dân được đào tạo, hướng dẫn và cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chuỗi giá trị rau, tiếp tục duy trì liên kết sản xuất tiêu thụ rau giữa các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại xã An Hòa Tây, Phú Lễ và các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Diện tích sản xuất duy trì chứng nhận hữu cơ 0,38ha. Huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tập huấn về mã số vùng trồng; tiến hành định vị cấp mã số vùng trồng nội địa 15ha rau ăn lá tại xã An Hòa Tây và 11,2ha rau ăn lá chứng nhận VietGAP tại xã Tân Thủy.
Chuỗi giá trị bò, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri” cho 8 cơ sở, hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò trên địa bàn huyện. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xây dựng thí điểm vùng chăn nuôi tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh. Đề xuất cấp trên hỗ trợ chứng nhận VietGAP bò cho HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hội thảo phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại xã Mỹ Nhơn, với 30 đại biểu tham dự.
Chuỗi giá trị tôm, hỗ trợ 3,5 triệu tôm giống cho 7 tổ hợp tác (THT) nuôi tôm sinh thái (132 hộ, diện tích 350ha). Đồng thời, huyện còn phối hợp tuyên truyền, vận động, phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện 450/420ha so với Nghị quyết (NQ), đạt 107%; phấn đấu đến năm 2025 đạt 500ha theo kế hoạch. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thẩm định công nhận được 1 cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh (khu nuôi 60ha của Công ty Thuận Phước, xã Bảo Thuận).
Chuỗi giá trị nghêu, diện tích nuôi nghêu của 3 HTX khoảng 1.080ha; tổng số thành viên 10.064 hộ. Tiếp tục duy trì phát huy giấy chứng nhận tiêu chuẩn MSC. Hỗ trợ các HTX thủy sản hoạt động theo đúng Luật HTX 2023. Huyện phối hợp với các ngành chuyên môn tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi phát triển con nghêu trong mùa nắng nóng.
Chuỗi giá trị tôm khô, cá khô, vùng sản xuất tôm khô, cá khô tập trung ở các xã ven biển nhất là thị trấn Tiệm Tôm, Tân Thủy. Tiếp tục theo dõi và hỗ trợ THT sản xuất tôm - cá khô An Thủy, với 20 thành viên tham gia, góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, ngày càng chuyên môn hóa và đa dạng sản phẩm, của làng nghề. Đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận tập thể “Tôm khô - cá khô An Thủy” từ Hội Nghề cá tỉnh.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ổn định
Đến nay, tổng diện tích thả nuôi thủy sản 3.893/5.047ha, đạt 77,13% NQ, trong đó diện tích thả nuôi tôm thâm canh đạt 1.289/1.600ha, đạt 80,56% NQ. Ước cả năm tổng diện tích thả nuôi thủy sản đạt 100% NQ. Trong đó, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 420/500ha, đạt 84% NQ. Ước tổng sản lượng thủy sản cả năm 157.892 tấn, đạt 103,88% NQ, tăng 2,31% so với cùng kỳ. Tổng số tàu đăng ký trên địa bàn huyện 1.621 tàu, trong đó có 1.388 tàu đánh bắt xa bờ. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn thực hiện tuyên truyền, vận động, quản lý chống khai thác IUU, các chủ tàu cá phương tiện khai thác thủy sản thuộc diện “3 không”.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện ổn định. Giá trị sản xuất cả năm 2024 ước đạt 2.559 tỷ đồng, đạt 101,86% NQ, tăng 38,43% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất trong Cụm công nghiệp (CCN) Thị trấn - An Đức được duy trì, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Các dự án đầu tư được chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ. Huyện phối hợp với các ngành tỉnh tiếp tục kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư CCN An Hòa Tây, hoàn thiện hồ sơ để kêu gọi đầu tư CCN Tân Xuân; trình Hội đồng tỉnh thẩm định giá khởi điểm cho thuê đất dự án Nhà máy sản xuất khí Hydro xanh Bến Tre (tại xã Bảo Thuận). Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh khảo sát hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất đề nghị hỗ trợ vốn khuyến công tỉnh năm 2024.
Năm 2024, thị trường và cung cầu hàng hóa trên địa bàn huyện ổn định. Hoạt động của các chợ truyền thống, chợ Ba Tri và các cửa hàng tiện lợi thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hàng hóa, dịch vụ cung ứng dồi dào, không có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt 9.460 tỷ đồng, đạt 104,98% NQ, tăng 41,65% so với cùng kỳ. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, kết nối cung cầu thị trường với nhiều hình thức phù hợp.
Các điểm du lịch thu hút được nhiều khách tham quan, vui chơi, giải trí trong và ngoài huyện. Ước lượng khách du lịch cả năm khoảng 90 ngàn lượt khách, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng. Hoàn thành và ban hành Đề án phát triển du lịch huyện Ba Tri giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các hoạt động dịch vụ bưu chính, ngân hàng đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Các loại hình kinh doanh vận tải đáp ứng việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.