BDK - Mặc dù có nhiều đóng góp lớn đối với kinh tế của tỉnh nhưng ngành dừa vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Sự liên kết lỏng lẻo trong quan hệ thương mại giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, công nghệ chế biến chưa cao, năng lực chế biến chưa được phát huy tối đa, các sản phẩm chế biến còn thiên về sản phẩm thô, một số sản phẩm chế biến lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, thiếu cân đối nguồn nguyên liệu cho chế biến nội tỉnh và năng lực vốn để nâng cấp công nghệ còn kém là những hạn chế quan trọng nhất...
Trưng bày giới thiệu sản phẩm chế biến từ dừa của các doanh nghiệp TP. Bến Tre.
Ổn định diện tích vườn dừa
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức, để phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã đề ra mục tiêu phải ổn định diện tích vườn dừa hiện có, trồng mới và cải tạo đối với các vườn dừa lão, năng suất thấp và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen, nuôi xen như thủy sản, gia cầm với trồng dừa để tăng giá trị trên diện tích đất sản xuất. Thực hiện các mô hình nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế của vườn dừa. Phát triển thêm diện tích vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, gắn với truy xuất nguồn gốc trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững và xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương. Phát triển, đa dạng hóa, chế biến sâu sản phẩm dừa đáp ứng nhu cầu của thị trường; kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực.
Giai đoạn 2024 - 2025, phát triển ổn định diện tích dừa của tỉnh khoảng 79.000ha; trong đó có 20.000ha sản xuất hữu cơ; khoảng 2.000ha được cấp mã số vùng trồng. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm, chiếm tỷ trọng 17,33% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1.000 triệu USD, chiếm 38,46% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Phát triển du lịch sinh thái dừa phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương.
Giai đoạn 2026 - 2030, phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha, phát triển 25.000ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm, chiếm tỷ trọng 15% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2.000 triệu USD, chiếm 33,33% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Phát triển du lịch sinh thái dừa phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của địa phương.
Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất
Để đạt được mục tiêu về phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh tập trung thực đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp sau: vận động, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành dừa nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh nói chung.
Phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất dừa tập trung của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của các DN trong và ngoài tỉnh.
Tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển kinh tế tập thể; tập trung xây dựng hệ sinh thái DN đủ mạnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị dừa, giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường; chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi. Tăng cường hoạt động khuyến công, công tác hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ chế biến dừa có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các Hiệp hội ngành hàng và DN thực hiện tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm; tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu...
Thường xuyên cập nhật thông tin, các quy định về xuất nhập khẩu dừa của các quốc gia trên thế giới để thông tin, kịp thời đến các DN chế biến, xuất khẩu dừa trên địa bàn tỉnh để biết, thực hiện. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác liên quan lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản. Tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN tổ chức hoặc phối hợp với DN ngành dừa mở các lớp đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân... đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và thế giới.
Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, để ngành dừa của địa phương tiếp tục phát triển, tỉnh đang sắp xếp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tập trung vào chất lượng và chuyên môn hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Triển khai và nhân rộng các mô hình sử dụng phế phẩm từ dừa vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng các mô hình sản xuất dừa theo hướng hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh trong xử lý phế phẩm, phụ phẩm từ hoạt động sơ chế dừa kết hợp với nguồn chất thải trong chăn nuôi của địa phương làm nguồn vật tư đầu vào bổ cấp lại cho canh tác dừa, cây ăn trái.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, các quy định về xuất nhập khẩu dừa của các quốc gia trên thế giới để thông tin kịp thời đến DN chế biến, xuất khẩu dừa. Đồng thời, vận động, khuyến khích DN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành dừa nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung”.