Nỗ lực duy trì, phát triển ngành dừa

24/01/2024 - 05:58

BDK - Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu nhưng ngành dừa tỉnh trong năm qua vẫn tiếp tục duy trì, phát triển. Dừa uống nước được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ. Đây được xem là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành dừa và các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất dừa của tỉnh.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú sơ chế dừa cung ứng cho Nhà máy chế biến dừa Lương Quới, huyện Châu Thành.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú sơ chế dừa cung ứng cho Nhà máy chế biến dừa Lương Quới, huyện Châu Thành.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Đến cuối năm 2023, tổng diện tích dừa toàn tỉnh ước gần 80 ngàn héc-ta, có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Một số diện tích lúa không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với vùng canh tác được người dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa. Phần diện tích tăng chủ yếu là dừa xiêm xanh uống nước, nâng tổng diện tích dừa xiêm xanh uống nước toàn tỉnh đến nay 19.865ha, chiếm 25% tổng diện tích dừa toàn tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá dừa khô (dừa nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến) loại I dao động từ 25 - 55 ngàn đồng/chục (12 trái). Sang quý III năm 2023, giá dừa khô tăng nhẹ từ 60 - 85 ngàn đồng/chục. Riêng giá dừa trồng theo phương pháp hữu cơ chênh lệch cao hơn khoảng 15 - 20 ngàn đồng/chục. Giá trị sản xuất ngành dừa chế biến năm 2023 ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng 2,74% so với cùng kỳ, chiếm 9,57% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 420 triệu USD, tăng 1,63% so với năm 2022, chiếm 27,45% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Để có được kết quả đó, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương quan tâm theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Các DN tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường mới, đem đến các sự kiện sản phẩm dừa Bến Tre như: sữa dừa, nước dừa tươi, nước cốt dừa, dầu dừa tinh khiết, bơ dừa, bột dừa, snack dừa… Kết quả năm 2023, tỉnh có 8/9 DN đạt chứng nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” là DN ngành dừa.

Các DN dẫn đầu trong ngành dừa như: Betrimex, Vietcoco, Beinco, Thuận Phong, Thế Giới Việt… đã đẩy mạnh liên kết các vùng trồng dừa thuộc các tỉnh lân cận trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu tập trung, sản lượng lớn và ổn định. Hầu hết các DN đều áp dụng 3 tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Ngoài ra, một số DN lớn đang phát triển thêm các chứng nhận hữu cơ của Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và cả tiêu chuẩn thương mại công bằng.

Bên cạnh đó, các DN quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, chuyển đổi số: Betrimex đầu tư công nghệ tiệt trùng UHT (Ultra-high temperature processing) và “ép lạnh”, cho phép giữ nguyên hương vị tươi ngon của nước dừa mà không cần sự can thiệp của chất bảo quản hay chất tạo màu. Công ty TNHH Vĩnh Tiến áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 và thay mới trang thiết bị máy móc bằng công nghệ cao như: máy khuấy kẹo tự động, cắt kẹo, mà số lượng, chất lượng sản phẩm đã tăng lên đáng kể, được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Mỗi năm, công ty cung cấp khoảng 500 tấn kẹo các loại ra thị trường, giải quyết việc làm ổn định cho trên 200 lao động. Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới rất quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dừa, tiên phong trong việc ứng dụng 4.0 để cắt giảm các chi phí trung gian, áp dụng phần mềm quản trị DN, quản trị kho và quản trị bán hàng, xúc tiến thương mại đẩy mạnh khai thác nhiều thị trường…

Để hội nhập “sân chơi lớn”

Nhận định của Hiệp hội Dừa châu Á Thái Bình Dương chuyến làm việc tại tỉnh trong năm 2023: “Ngành dừa Việt Nam đang rất tiến bộ về công nghệ đổi mới, hội nhập thế giới. Sản phẩm ngành dừa đã từng bước tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Định hướng phát triển ngành dừa trong thời gian tới, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành cho rằng: “Để tổ chức sản xuất lớn thì phải có quy mô lớn và phải tiến đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm phát thải khí thải. Tham gia thị trường thế giới thì các nước phải tuân thủ theo luật chơi chung của thế giới đặt ra. DN ngành dừa tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung muốn mạnh thì phải đoàn kết, hợp tác và gắn bó chặt chẽ hơn. Bên cạnh cần được sự hỗ trợ của Nhà nước thì cả người nông dân cũng phải tham gia vào chuỗi để giúp tiết giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chuỗi giá trị…”, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre Cù Văn Thành chia sẻ.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Cù Văn Thành cũng khẳng định: Tương lai, cây dừa là cây tỷ đô. Bởi dừa Bến Tre đã và đang chuyển sang chế biến sâu và thế giới đang chuyển dịch từ đạm động vật sang thực vật. Công ty Lương Quới và các DN ngành dừa đang sản xuất nhiều sản phẩm từ dừa như: sữa dừa, nước dừa giải khát, cà phê dừa… Đây là xu thế thế giới mà đặc biệt là cây dừa được đánh giá là cây sạch.

Theo đánh giá của ngành chức năng, thời gian qua, DN địa phương còn thiếu tính đoàn kết và tính thống nhất trong tiếng nói và hành động. Đây là mấu chốt cho sự phát triển của DN nói riêng và ngành dừa nói chung. Về vấn đề này, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Cù Văn Thành cho rằng, tính đoàn kết trong DN còn dừng lại ở khẩu hiệu nhiều hơn là thực chất. Do đó, bản thân ông làm DN dừa, có xuất thân từ công nhân, ông cũng thấu hiểu và luôn luôn khát khao hợp nhất đoàn kết trong DN. Mặt khác, thời gian qua, cộng đồng DN ngành dừa cũng bày tỏ mong muốn kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nhiều vườn dừa hữu cơ có quy mô lớn, vừa tạo hiệu quả kinh tế Dừa hữu cơ, vừa tạo cảnh quan để phát triển du lịch trải nghiệm xứ Dừa, tạo thêm nguồn thu cho người trồng dừa tại địa phương.

“Năm 2024, Hiệp hội Dừa Bến Tre sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh như: Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN, kế hoạch phát triển 5 ngàn DN mới và xây dựng 100 DN dẫn đầu của tỉnh. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư. Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Xây dựng các điểm canh tác dừa hữu cơ kiểu mẫu. Chương trình số 08-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng DN của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tiến hành Đại hội Ban Chấp hành Hiệp hội Dừa Bến Tre nhiệm kỳ III trong 6 tháng đầu năm 2024. Xây dựng tín chỉ carbon cho ngành dừa Bến Tre. Tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số, nhân rộng mô hình chuyển đổi số trong các DN ngành dừa…”.

(Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Trần Anh Tuấn)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN