Người dân đến tham quan Bia lưu niệm trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.
Ca ngợi tinh thần chính nghĩa
Mặc dù 2/3 cuộc đời sống trong cảnh mù lòa nhưng cụ Nguyễn Đình Chiểu đã vượt lên số phận, để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị. Trong số đó, Truyện thơ Lục Vân Tiên (được cụ sáng tác vào năm 1850) là một trong những tác phẩm lớn, có sức sống mãnh liệt suốt 200 năm qua, được các nhà nghiên cứu ví như một “bản trường ca” ca ngợi chính nghĩa, đạo đức đáng quý, đáng trân trọng ở đời. Tác phẩm không chỉ được lưu truyền trong nước mà còn lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới.
Theo PGS.TS. Đoàn Lê Giang - nguyên Trưởng khoa Việt Nam học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, cố vấn lịch sử và dẫn chuyện phim về cụ Nguyễn Đình Chiểu (phim đang thực hiện), tác phẩm Lục Vân Tiên bao hàm 4 giá trị lớn: đề cao tình nghĩa ở đời (cha con, vợ chồng, thầy trò, bè bạn…), đề cao tinh thần nghĩa hiệp (trọng nghĩa khinh tài), thể hiện ước mơ công lý trong cuộc sống (ở hiền gặp lành, ác giả ác báo). Đây là tác phẩm truyện thơ viết bằng chữ Nôm, viết bằng tiếng nói bình dân, kể chuyện cho dân nghe, rất được nhân dân ưa thích. Từ tác phẩm Lục Vân Tiên đã có “Hậu Vân Tiên”, Truyện thơ Nguyệt Nga… Tác phẩm Lục Vân Tiên được chuyển thể thành tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống về Lục Vân Tiên, tuồng Lục Vân Tiên…
Là người trực tiếp được UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) giao thực hiện tập phim về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (hướng đến 200 năm ngày sinh của cụ), Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Đặng Hữu Vinh đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát thực địa các tư liệu về cụ Đồ Chiểu. Theo Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Đặng Hữu Vinh, tác phẩm Lục Vân Tiên được nhân dân rất yêu thích, nhất là ở miền Nam. Tác phẩm này đã đi vào tục ngữ, ca dao và hơn nữa trở thành một loại hình diễn xướng “Nói thơ Vân Tiên”. Đây là một hình thức diễn xướng khá đặc biệt, hình thức nằm giữa đọc và ngâm, khi hùng hồn, khi êm dịu, lắng đọng tùy theo ý nghĩa của từng đoạn thơ Lục Vân Tiên.
Theo thời gian, Nói thơ Vân Tiên ít nhiều bị mai một nhưng vẫn còn khá nhiều người cao tuổi ở Bến Tre lưu giữ được loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên. Đặc biệt, Sở VHTT&DL đã tổ chức nhiều hoạt động thi diễn Nói thơ Vân Tiên trong kỷ niệm Ngày hội truyền thống Văn hóa Bến Tre 1-7, tổ chức các lớp tập huấn Nói thơ Vân Tiên cho các lực lượng.
Phó giám đốc Sở VHTT&DL Trần Thị Kiều Tôn cho biết, thế hệ hôm nay tự hào và vinh dự khi được thừa hưởng giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nói thơ Vân Tiên, cùng với đó là trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản vừa nêu trong thực tiễn hôm nay và trong thời gian tới. Mục đích tổ chức các lớp tập huấn là nhằm bồi dưỡng các lực lượng nòng cốt để lan tỏa giá trị của loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên. Từ đó, đưa loại hình này dần trở thành thói quen trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và trong sinh hoạt đoàn, đội, trường học. Đồng thời, thông qua sinh hoạt diễn xướng Nói thơ Vân Tiên, còn tạo sự gắn kết tập thể, phát huy khả năng phát triển ngôn ngữ, dễ dàng ứng khẩu trong môi trường diễn xướng.
Tỏa sáng nhân cách Đồ Chiểu
Trong kịch bản phim về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Đặng Hữu Vinh đã khắc họa những phẩm chất đạo đức, nhân cách sáng ngời của cụ Đồ Chiểu, mà những phẩm chất tốt đẹp ấy phù hợp với những lý tưởng phát triển xã hội của UNESCO.
Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Đặng Hữu Vinh nhận định, trong lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu có vị trí danh dự. Cụ dường như đã vượt qua tư tưởng Nho giáo chính chống thời bấy giờ để bình dân hóa Nho giáo một cách sâu sắc. Tư tưởng Nho giáo theo phong cách của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua bài Than Đạo “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Tư tưởng về đạo lý con người sống có nhân, có nghĩa đã nêu trong tác phẩm Lục Vân Tiên “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Còn ở tác phẩm “Dương Từ - Hà Mậu”, cụ khuyên con người nên tìm về chính đạo, biết yêu cái chính, ghét cái tà.
“Không chỉ là người thầy thuốc giỏi nghề, có lương tâm, Nguyễn Đình Chiểu còn là một trí thức luôn gắn số phận mình với đất nước và nhân dân. Nhiều tài liệu cho thấy, sau khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ, người Pháp đã rất muốn “hợp tác”, “trọng dụng” Nguyễn Đình Chiểu nhưng ông nhiều lần kiên quyết từ chối, suốt đời chỉ đi dạy học, bốc thuốc cứu người, làm thơ cổ vũ lòng yêu nước. Sự khẳng khái của cụ thể hiện trong hai câu thơ: Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn Đặng Hữu Vinh chia sẻ thêm.
Ra đời từ năm 1992 đến nay, Ngày hội truyền thống Văn hóa Bến Tre 1-7 đã trở thành sự kiện văn hóa quen thuộc hàng năm của người dân xứ Dừa nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của cụ Đồ Chiểu. Qua đó, nhắc nhớ cuộc đời, sự nghiệp Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách đạo đức cao đẹp của cụ. Năm 2022 cũng là tròn 30 năm Ngày hội truyền thống Văn hóa Bến Tre.
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Nguyễn Quang Trị đã khẳng định, những giá trị di sản văn hóa nói chung, văn hóa Nguyễn Đình Chiểu nói riêng, không chỉ góp phần hình thành nhân cách, lối sống, phẩm chất đạo đức, tạo sức đề kháng chống lại sự xâm thực, làm xói mòn bản sắc văn hóa Việt Nam của các thế lực thù địch trong mỗi con người, mà còn giúp chúng ta có đủ niềm tin, tiết tháo, nghị lực, khát vọng, vững bước tiến lên. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
“Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Nghiệt ngã cuộc đời đặt lên đôi vai một người sự nghiệp công danh dang dở, mắt mù lòa, biết bao đau đớn đặt ra cho số phận một con người. Làm thầy thuốc, làm thầy giáo là lựa chọn của Nguyễn Đình Chiểu. Lựa chọn ấy đặt ra bao thách thức cho một người bình thường, càng gay gắt cho một thầy thuốc, một thầy giáo mù lòa, dang dở công danh. Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua thử thách nghiệt ngã của số phận đầy đau thương, biến cố cho đến cuối cuộc đời. Trọng đạo lý, yêu ghét rõ ràng, không màng danh lợi, đó là phẩm chất của nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Chiểu”.
(GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn học Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam)
|
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt