Giảm nghèo bền vững, bài 2:

Mô hình xã điểm cấp tỉnh ở Tân Lợi Thạnh

05/04/2023 - 05:30

BDK - Sau 1 năm thực hiện mô hình hỗ trợ công tác giảm nghèo toàn diện tại xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm dưới sự hỗ trợ của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, mô hình bước đầu được ghi nhận là có hiệu quả tích cực.

Nông dân Hồ Văn Tri, ấp Giồng Lực thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi dê. Ảnh: Diệu Hiền

Nông dân Hồ Văn Tri, ấp Giồng Lực thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi dê. Ảnh: Diệu Hiền

Thí điểm ở Tân Lợi Thạnh

Năm 2022, với mục tiêu giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn tỉnh và phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chọn xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm để thực hiện mô hình hỗ trợ công tác giảm nghèo toàn diện giai đoạn 2022 - 2025.

Xã Tân Lợi Thạnh có 125 hộ nghèo, tỷ lệ 5,43%; 29 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,25%. 62 hộ nghèo do nữ là chủ hộ, chiếm tỷ lệ 49,6% và 15 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 51,7%. Hộ nghèo không có khả năng lao động có 60 hộ, chiếm tỷ lệ 48%, hộ cận nghèo 10 hộ, chiếm tỷ lệ 34,8%.

Qua 1 năm thực hiện thí điểm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã vận động hỗ trợ mô hình giảm nghèo, với tổng số tiền 575 triệu đồng để hỗ trợ 5 hộ nghèo nuôi bò sinh sản, mỗi hộ 1 con bò với tổng số tiền hỗ trợ 75 triệu đồng; xây dựng 10 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với tổng số tiền 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn xã đã giải ngân 1 dự án thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản do Hội Nông dân xã thực hiện, với 8 hộ, số tiền 160 triệu đồng. Vận động mạnh thường quân hỗ trợ 18 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi trường hợp 300 ngàn đồng/tháng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 109 hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo, với số tiền trên 3 tỷ đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi Thạnh Phan Văn Nhủ - Trưởng ban Chỉ đạo mô hình hỗ trợ công tác ASXH toàn diện cho biết: Xã tập trung thực hiện các chính sách về ASXH toàn diện. Đặc biệt, xã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm lo Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng chính sách người có công…

Sau 1 năm thực hiện thí điểm, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Trôm cho rằng, xã Tân Lợi Thạnh đã có những chuyển biến rất tốt từ thực hiện các chính sách giảm nghèo. Trong thời gian tới, để mô hình điểm trong thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả, cần tác động, tuyên truyền nâng cao nhận thức từ các cấp cơ sở hội. Vì chỉ có hội, đoàn thể mới là người gần gũi với các hộ dân. Việc thực hiện Đề án ASXH thì rất cần lực lượng này triển khai thực hiện. Huyện Giồng Trôm vừa làm vừa rút kinh nghiệm và sẽ tiếp tục thực hiện, nhân rộng thêm 1 xã nữa.

Đánh giá kết quả

Xây dựng Mô hình điểm là điểm mới trong thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh năm 2022. Việc xây dựng mô hình điểm không chỉ làm công tác giảm nghèo mà thực hiện toàn diện các hoạt động của Đề án thí điểm về đảm bảo ASXH, với mục tiêu là “bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân. Đặc biệt, nhóm gia đình chính sách người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất, tinh thần, có mức sống ngang bằng với mức sống trung bình với cộng đồng dân cư”. Chọn đối tượng cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ, có chỉ tiêu và địa chỉ để triển khai đề án một cách hiệu quả theo mục tiêu đề ra.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng cho biết: Thực hiện thí điểm về đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh năm 2022, mặc dù điều kiện, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn nhưng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo và thực hiện Đề án thí điểm về đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đây là việc làm thiết thực, Mặt trận tham gia để góp phần ổn định tình hình kinh tế, đời sống của người dân và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đối với Đề án thí điểm về đảm bảo ASXH, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đăng ký mô hình dân vận khéo tại xã Tân Lợi Thạnh. Mặt trận xác định giảm nghèo trong 1 năm thì không thể làm được, mà phải là 3 năm. Do đó, lộ trình là thực hiện từ năm 2022 - 2025. Ngoài việc hỗ trợ nguồn lực cho địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mong muốn thấy được vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên tham gia vào việc giảm nghèo, ASXH. Công tác giảm nghèo không phải chỉ là việc riêng của cán bộ giảm nghèo.

“Đối thoại với hộ nghèo là việc làm rất quan trọng, nhất là đối thoại cá nhân do các đoàn thể thực hiện trực tiếp. Qua đó, biết được người nghèo cần hỗ trợ gì và để thoát nghèo thì họ đề nghị mình giúp gì. Các hộ nghèo cũng cần có cam kết với địa phương về thoát nghèo bền vững và lộ trình thoát nghèo, dựa trên cam kết đó, chính quyền địa phương sẽ giúp đỡ hết sức cho hộ”.

(Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng)

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN