Một năm với nhiều phong trào thi đua

29/11/2012 - 14:16
Đoàn khách Hà Lan tìm hiểu tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp tại Bến Tre. Ảnh: H. Hiệp

Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và cũng là năm có nhiều cơ hội và thách thức phát triển nông nghiệp toàn diện trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sạch và bền vững.

Vì vậy, ngay từ đầu năm, Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai và phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, nhất là tập trung vào phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Sở đã tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua, các đơn vị trong ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng kế hoạch các chỉ tiêu thi đua và đăng ký danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cụ thể. Trong năm, có 20 tập thể đăng ký danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, trong đó có 12 tập thể đăng ký danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Có 584 cá nhân đăng ký danh hiệu Lao động tiên tiến, trong đó có 350 cá nhân đăng ký danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 17 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều hình thức khen thưởng cao hơn. Phong trào thi đua đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch ngành năm 2012. Trong năm, tổng diện tích gieo trồng thực hiện 177.864ha, đạt 100% kế hoạch, tổng sản lượng lúa 375.000 tấn, đạt 102%, vượt 2,6% kế hoạch; tổng đàn gia súc gồm đàn trâu 150.000 con, đạt 100% kế hoạch, đàn bò 152.000 con, đạt 92% kế hoạch; tổng đàn heo toàn tỉnh có 440.000 con, đạt 95% kế hoạch; tổng đàn gia cầm 5.873.000 con, đạt 106% kế hoạch. Diện tích trồng rừng mới 90ha, đạt 90% kế hoạch mặc dù Trung ương không ghi vốn thực hiện, nhưng Sở đã tự cân đối, trồng 1 triệu cây phân tán đạt 100% kế hoạch. Khối lượng đào đắp, gia cố các công trình thủy lợi đạt 110%. Ngành đã chỉ đạo Công ty Công trình thủy lợi tập trung quản lý vận hành hệ thống cống cấp, thoát nước, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi nước ở các cống đầu mối để có phương án đóng mở hợp lý, kịp thời điều chỉnh nước cho sản xuất. Ngành đã thực hiện tưới tiêu cho 93.000ha lúa và hoa màu, đạt 100% kế hoạch. Về nuôi trồng và khai thác thủy sản, tổng diện tích nuôi 42.516ha, đạt 98,9% kế hoạch, trong đó nuôi tôm biển 31.140ha, cá tra thâm canh 685ha, đạt 105% kế hoạch, tôm càng xanh 2.100ha, nhuyễn thể 4.695ha, đạt 100% kế hoạch. Sản lượng nuôi, khai thác đạt 381.000ha, đạt 111%, vượt 12% kế hoạch, trong đó sản lượng nuôi đạt 109% kế hoạch, khai thác đạt vượt 116% kế hoạch, là do số lượng tàu nghề cào đôi tăng về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia đã phân bổ 6,3 tỷ đồng cho 90 xã của 8 huyện, thành phố tiếp tục hoàn chỉnh qui hoạch chi tiết khu trung tâm các xã, hiện đã có quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền 124 xã, vượt 24% kế hoạch. Số xã đã có quyết định phê duyệt qui hoạch theo đồ án mẫu, đạt 100% kế hoạch. Hiện đã có 5 xã đạt 10 tiêu chí, đạt 120% kế hoạch. Sở cũng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Có 34% hộ dân sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung, đạt 103% kế hoạch. Như vậy, chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp thực hiện được 9.928 triệu đồng, đạt 108% kế hoạch; chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng đạt 8,29%, vượt 27,54% kế hoạch; chỉ tiêu về giá trị thu được/héc-ta canh tác thực hiện 112 triệu đồng/90 triệu đồng, vượt 24%.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đạt được một số kết quả khả quan nêu trên là do công tác thủy lợi được đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng. Kết hợp công tác quản lý vận hành công trình đồng bộ, hiệu quả đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiều chỉ tiêu kế hoạch của ngành. Đầu tư xây dựng cơ bản được bố trí vốn tương đối lớn nên từng lúc các dự án đã được đầu tư trước đây phát huy tác dụng, hiệu quả cao. Sản xuất năm lương thực thuận lợi, sản lượng vượt kế hoạch. Đặc biệt, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá được khống chế. Việc thực hiện mô hình Cánh đồng mẫu theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Ba Tri, Giồng Trôm bước đầu có hiệu quả thiết thực. Tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi ổn định, các dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm không xảy ra. Người chăn nuôi đã ý thức chủ động tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại, nhất là khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Công tác quản lý mùa vụ, môi trường, dịch bệnh, giống và tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản luôn được quan tâm, đặc biệt là việc hỗ trợ hóa chất tiêu hủy trên tôm nuôi khi có dịch xảy ra. Ý thức người nuôi từng bước được nâng lên trong việc quản lý môi trường, khai báo dịch bệnh. Quản lý tàu cá ngày càng được chuyên môn hóa. Tàu nhỏ ven bờ ngày càng giảm dần, tàu khai thác xa bờ ngày càng nhiều. Quản lý, bảo vệ rừng đã có chiều hướng tích cực, có sự tham gia của cộng đồng, người dân đã nhận thức về lợi ích của rừng trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc phòng, chống hạn, mặn, lụt bão đã được nhiều địa phương quan tâm. Các công trình cấp nước tập trung được quản lý khai thác phát huy hiệu quả và duy trì bền vững. Dân cư nông thôn từng bước có chuyển biến về nhận thức và quan tâm đến nhu cầu sử dụng nước sạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, chủ động triển khai thực hiện để hướng đến hoàn thiện xã nông thôn mới.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN