|
Bà Kiếm ẵm ru cháu trong căn nhà lá của mình. |
“Chiều dài từ đầu đến cuối dải cồn Đâm khoảng 3.000m. Nơi đây hiện có 25 nóc gia, với gần 40 hộ. Tổng số dân từ 120 đến 150 người. Đa số là dân nghèo. Vì không có đất trong đất liền, bà con mới ra đây kiếm đất mà sinh kế…” - ông Trần Văn Thiện - Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản của cồn cho biết.
Bài 1: Ấn tượng ngay từ tên gọi
Bài 2: Ra cồn để… có đất sản xuất
Quanh năm “bán mặt cho đất” vẫn không đủ cái ăn
Bà Phạm Thị Kiếm là một trong những người đầu tiên đặt chân lên vùng đất này. Bà kể, nghèo quá, bà ra đây kiếm đất lập nghiệp đã 20 năm. Chín người con của bà giờ cũng đã có chồng, có vợ và hầu hết đã ra riêng. Có đứa không ở cồn này. Mỗi đứa đều được chia cho vài công đất để làm ăn. Mỗi công ở đây (công đất cồn) chỉ có 625m2. Không đủ thì làm thuê, làm mướn kiếm thêm. Khoảng ba, bốn tháng, bà mới vào chợ (trong đất liền) để mua sắm vài thứ vật dụng tối cần thiết. Tôi độ bà Kiếm đã ngoài 60 tuổi. Ở tuổi ấy, cuộc sống của bà vẫn còn túng thiếu mọi thứ. Cả ngôi nhà của ông bà đang ở cũng là ngôi nhà lá cũ kỹ, tạm bợ. Hỏi ra mới biết, nhiều gia đình ra đây cũng như bà thôi, khá sao nổi khi hoàn cảnh đưa đẩy họ rơi vào cảnh khó. Bà ngậm ngùi nhớ lại: Năm nào, nước biển dâng, nhà trôi, bà lại “dạt” trở về đất liền. Sau đó, gia đình bà cũng lại trở ra đây lần nữa vì sự sinh kế.
Mười mấy năm nay, kể từ khi bà Nguyễn Thị Tiến và gia đình ra mua đất ở cồn để sản xuất, đến nay vẫn cũng chỉ gọi là tạm có cái ăn. Hồi mới ra cồn, bà mua đất lại để làm giồng với giá 7,5 chỉ vàng/công (625m2). Dần dần, sắm được 7 công, tưởng sẽ mau khá lên. Nhưng có khá lên được hay không là còn nhờ thiên nhiên ưu đãi. Mới 4 năm nay mà nước ngập mặn lên 2 lần. Một năm, hy vọng lớn nhất vào 2 vụ dưa hấu, vậy mà nước ngập làm mất trắng. Bà bùi ngùi tâm sự: Năm rồi, mới cuốc dưa, nước ngập cũng đã lỗ cả chục triệu đồng. Ảnh hưởng luôn cả vụ trồng dưa đầu năm nay, làm gia đình bà không cách nào kiếm ra tiền trả nợ. Vậy là chỉ còn trông vào 1 mùa trồng sắn. Ai không trồng sắn thì trồng khoai lang hoặc đậu phộng. Giá củ sắn, củ khoai cũng lắm bấp bênh. Nếu gặp thời thì lời cũng được đôi, ba triệu đồng một vụ. Còn thất giá thì kể như ghi nợ lại thêm mùa nữa. Bà Tiến cũng không giấu diếm cảnh khó: Lâu rồi, người nhà này ăn muối nhiều hơn ăn thịt, cá.
Trong vòng lẩn quẩn
Vốn liếng để canh tác một vụ hoa màu bao gồm tiền phân, giống, tưới tiêu, thuê nhân công, rồi tiền gạo, mắm mỗi ngày… tất cả đều được ghi nợ và chờ đến cuối vụ, thu hoạch mới thanh toán. Hình thức này còn được gọi là trả gối vụ. Đó là tình cảnh chung của hầu hết người dân sống ở cồn Đâm. Bao nhiêu niềm tin, hy vọng của họ đặt hết vào củ sắn, củ khoai hay trái dưa hấu mà họ từng ngày vun trồng, bắt sâu, tỉa lá. Họ băn khoăn trước từng tia nắng, hạt mưa của đất, trời. Vì hoạt động sản xuất ở đây thắng hay thua chủ yếu là phụ thuộc vào tự nhiên.
Tuy nhiên, với hình thức sản xuất này, vốn liếng để họ đầu tư cho một vụ sẽ “nặng” hơn so với hình thức trả tiền mặt. Cũng bởi, đây là một phương thức bán trả chậm, có tính lãi. Theo phản ánh của người dân, một bao phân có giá bình quân trên thị trường 700.000 đồng. Nhưng nếu trả gối vụ thì giá một bao phân sẽ lên 800.000 đến 900.000 đồng. Biết vậy nhưng họ cũng đành chịu vì không có đủ tiền mặt. Đó là chưa kể đến ngày thu hoạch. Vì trừ chi phí vận chuyển xa xôi, thương lái luôn thu mua sản phẩm với giá rẻ hơn so với các nơi khác. Người sản xuất đã khó, khi bị o ép giá, họ lại càng túng quẩn hơn. Thế nên, dẫu có quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người dân vẫn lao tâm, quẩn trí trước bao nhiêu là nợ lớn, nợ vặt.
Cả đồ ăn, thức uống cũng thế. Giá bán tại cồn bao giờ cũng đội lên cao hơn so với trong đất liền từ 20% đến 50%. Nếu mua thiếu đến cuối vụ mới trả, người mua tất nhiên sẽ chịu thêm một khoản lãi không nhỏ. Để có một nồi canh chua đơn giản, nếu mua ở chợ với giá 10.000 đồng thì khi mua ở đây sẽ là 15.000 đồng. Vì người bán đã tính vào trong đó tiền công đi lại hoặc tiền thuê ghe đò mà quan trọng là tiền lời cho người mua đi bán lại. Giá 1 bao gạo 50kg nếu trả tiền mặt là 700.000 đồng nhưng trả theo vụ là 800.000 – 900.000 đồng.
Cả cái ăn còn chưa no thì làm sao người dân dám nghĩ đến chuyện đi khám bệnh, vui chơi, giải trí hay sắm sửa tiện nghi trong gia đình. Trong suy nghĩ đơn giản của họ, nếu đi khám bệnh phải mất một ngày làm việc, lại còn tốn tiền khám chữa bệnh, thuốc thang. Vậy nên, để tiện nhất, thường họ chỉ cần đến tiệm tạp hóa tại đây, mua vài cử thuốc giảm đau hoặc nhức đầu để đối phó mỗi khi thấy trong người có dấu hiệu bất ổn. Ở đây, ngoài việc bận tâm về mùa vụ, nỗi kinh hãi nhất của người dân là mỗi khi cù (gió lốc xoáy) đi qua. Mong mỏi lớn nhất của bà con là được yên nhà, yên cửa để an tâm sản xuất.
Bài 3: Thiếu đủ đường