BDK - Một mùa xuân nữa lại về, cái lạnh se se của gió chướng, cái nắng hanh hanh suốt ngày như tiếp sức cho muôn hoa cùng khoe sắc, làm lòng ta nao nao trước cảnh sắc thiên nhiên, sự giao hòa của trời đất dệt nên bao ước mơ, hy vọng, niềm phấn khởi, sự lạc quan và đây cũng là thời khắc để nhìn lại một năm “gặt hái” của mỗi người, qua đó trải lòng đón nhận một nguồn năng lượng tươi mới cho một mùa “gieo hạt”. Đặc biệt, đối với những văn nghệ sĩ, mùa xuân là dịp để ươm mầm cho những vần thơ ngọt ngào, những tác phẩm văn chương, những bức ảnh mang hơi thở cuộc sống đến mọi người.
Chú Nguyễn Quang Trị trong chương trình giới thiệu sách Văn hóa Bến Tre - những góc nhìn. Ảnh tư liệu
Thật khó định danh trong một nhà!
Tôi tìm gặp chú để cảm ơn vì chú đã gửi tặng tôi quyển sách “Văn hóa Bến Tre - những góc nhìn” và tập thơ “Trải lòng”. Tuy chưa đọc kỹ hết các nội dung của quyển sách dày gần 550 trang nhưng tập thơ của chú thì tôi đã đọc hết trong một ngày, bởi những bài thơ thật đời thường, văn phong bình dị, câu chữ khúc triết như một câu chuyện “trải lòng”. Qua đó, tôi đã ít nhiều hiểu được cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và “sự nghiệp” văn chương của chú, bởi từ trước đến nay tôi chỉ biết chú với vai trò của người lãnh đạo, quản lý, còn bây giờ… có lẽ tôi xin phép mượn lời của Nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu khi giới thiệu về quyển sách “Văn hóa Bến Tre - những góc nhìn”. “… Thật khó có thể “định danh” cho Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Quang Trị (Nguyễn Văn Sum, Xuân Quang) - trong khuôn khổ cố định một “nhà” nào đó… Bởi với hệ thống quan điểm nhất quán và mở rộng, nội lực văn hóa và tinh thần được thể hiện trong tác phẩm đã cho thấy bóng dáng của một nhà lý luận chính trị, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo, nhà giáo dục…”.
Ở tuổi 76 nhưng phong cách và nền nếp làm việc của chú thật đáng kính, trừ lúc ra ngoài có việc còn lúc ở nhà chú làm việc rất “hành chánh” đọc sách, nghiên cứu tư liệu và viết. Chú viết say sưa như mạch nguồn tư liệu sẵn có. Để một bài viết hay một tác phẩm có chất lượng, chú đầu tư nghiên cứu rất sâu, cùng với sự đam mê nghề viết nên chú đã cộng tác với nhiều báo đài ở Trung ương và địa phương, tham gia sáng tác thơ, văn, nghiên cứu phê bình và viết lời bình phim; đặc biệt lĩnh vực hoạt động nào chú cũng khá thành công.
Những công trình tiêu biểu để lại dấu ấn giá trị sâu sắc cho nền văn hóa văn nghệ tỉnh nhà như các tác phẩm viết chung với Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Lư Hội gồm: Nghề đan lát ở Bến Tre (2009), Tinh hoa văn hóa Bến Tre (2011), Trương Vĩnh Trọng - Dấu ấn thời gian (2015), Nguyễn Văn Trung - Cuộc đời và sự nghiệp (2017); Chủ biên và xuất bản, phát hành các tác phẩm: phim tài liệu “Ánh sao Khuê Nguyễn Đình Chiểu (Đạo diễn Nguyễn Kế Nghiệp, 2010), phim tài liệu “Huỳnh Văn Anh - người anh hùng trong lòng dân” (Đạo diễn Trần Văn Lương, 2014), phim tài liệu “Ba Tri - Kỳ tích 40 năm: (Đạo diễn Trần Văn Lương, 2015), Biên khảo Đức giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương (2013), Ba vị Giáo Tông Cao Đài Tiên Thiên (2019), Huy Khanh Nguyễn Văn Châu - Người con đất cù lao (2021), Văn hóa Bến Tre - Những góc nhìn (Nguyễn Quang Trị - 2023), tập thơ Trải lòng (Xuân Quang - 2024).
Một mùa xuân nữa lại về, mỗi người thêm một tuổi nhưng với chú sức viết vẫn tràn đầy, đang chuẩn bị bản thảo cho tập thơ thứ hai và hồi ký “Một thời đáng nhớ” để ra mắt đọc giả trong một ngày gần nhất. Xin chú chia sẻ một chút bí quyết để thành công trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác của mình? Chú cười tươi rói “rất đơn giản cháu ạ, không có bí quyết gì đặc biệt ngoài sự yêu thích, cần mẫn từ thuở còn là học sinh cho đến khi kháng chiến và hòa bình lập lại, được công tác trong môi trường thuận lợi nên hồn văn, hồn thơ luôn được nuôi dưỡng và phát huy”.
Đã hơn 60 năm cầm bút, nhưng ngòi bút chú vẫn sắc, vẫn sáng lung linh, thể hiện qua chuyến hành trình xuyên Việt 15 ngày của đoàn cán bộ hưu trí Tỉnh ủy Bến Tre. Trong chuyến hành trình này, chú đã sáng tác bài thơ 344 câu với đầy đủ tên gọi của các thành viên trong đoàn, địa danh tham quan, những sự kiện diễn ra trong chuyến đi được chú ghi chép đầy đủ và thể hiện bằng những vần thơ cô đọng, dễ nhớ, dễ hiểu và những tấm ảnh sống động làm quà tặng quý giá cho các thành viên.
Hậu sinh khả úy
Nhân dịp tham quan phòng triển lãm ảnh nghệ thuật “Sắc màu Mnông” của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Ngô Minh Phương tại TP. Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, tôi tình cờ chứng kiến cuộc hội ngộ “tay bắt mặt mừng” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Phương và em trai Trần Thanh Sang - một người ở tận miền Tây xa xôi và một người ở tít vùng cao Tây Nguyên, sao mà cởi mở, thân tình và “trao đổi” rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực nhiếp ảnh vậy? Nhiều câu hỏi đặt ra để tôi tìm hiểu và trả lời câu hỏi “Vì sao?”.
Được biết, Sang năm nay vừa tròn 30 tuổi, em được sinh ra từ xứ sở “cây lành trái ngọt” Phú Phụng, Chợ Lách. Mang danh ở xứ sở nước ngọt nhưng em có vẻ “cứng cáp” hơn so với tuổi đời, bởi là một kỹ sư xây dựng, em thường xuyên có mặt ngoài công trường nên nắng gió phong trần và mọi người chỉ biết em là một kỹ sư xây dựng, ít ai biết em là một nghệ sĩ nhiếp ảnh (trừ các đồng nghiệp trong Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long).
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thanh Sang (thứ hai bên phải) nhận giải thưởng cuộc thi ảnh “Du lịch tỉnh Bến Tre” năm 2023 với tác phẩm “Nghề làm muối”. Ảnh nhân vật cung cấp
Duyên nghiệp đưa Trần Thanh Sang đến với nhiếp ảnh thật tình cờ, từ chiếc điện thoại thông minh - món quà được cha mẹ mua tặng khi em đậu vào Trường Đại học Xây dựng miền Tây và cũng từ chiếc điện thoại này em khai thác hết công năng và trở thành chiếc máy ảnh đầu tiên trong nghề. Lúc đầu chỉ là check-in những lúc vui chơi, họp mặt bạn bè, rồi chụp cảnh đẹp xung quanh, chụp cảnh mỗi chuyến phà chiều hoàng hôn… và những tấm ảnh đẹp, mang tính nghệ thuật đã cuốn hút anh chàng kỹ sư xây dựng đến với nhiếp ảnh lúc nào không hay.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp ra trường, Sang đã tích lũy được số tiền đủ mua một chiếc máy ảnh “xịn”, chính thức bước vào nghề. Với lòng đam mê nghệ thuật, sự nhiệt tình, năng nổ của tuổi trẻ cùng với kỹ năng chụp ảnh tốt, Sang được giới thiệu tham gia sinh hoạt tại Phân hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Tại đây Sang có điều kiện tham gia các cuộc thi ảnh nghệ thuật, các cuộc triển lãm ảnh thời sự, cộng tác ảnh với các báo, tạp chí. Gần 10 năm gắn bó với nghề “tay trái”, nhưng lĩnh vực nhiếp ảnh đã mang lại cho Sang khá nhiều thành công, không chỉ là những giải thưởng trong các cuộc thi ảnh của địa phương, khu vực, Trung ương mà một niềm vui mừng phấn khởi lớn hơn đối với Sang là em đã đủ tiêu chuẩn chính thức trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Khi trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Sang càng tích cực tham gia sáng tác ảnh và có nhiều tác phẩm đạt giá trị nghệ thuật cao, đạt được giải thưởng trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Bến Tre và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), toàn quốc như: Tác phẩm lần đầu tiên Sang đạt giải khuyến khích “Tự hào một dải biên cương” và 1 ảnh treo triển lãm do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức năm 2022. Cũng trong năm này, Sang tham gia cuộc thi ảnh “Đất và người Bến Tre” đạt ba giải A, B, C cùng lúc; tiếp đến là tác phẩm “Quyết tâm chiến thắng dịch Covid”, với thể loại ảnh đơn sắc (trắng đen) chụp từ điện thoại đạt giải khuyến khích năm 2023 tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL. Sang cũng đạt 1 giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng; giải nhì cuộc thi ảnh “Du lịch tỉnh Bến Tre” năm 2023 với tác phẩm “Nghề làm muối”; năm 2024, tiếp tục đạt Huy chương vàng Cuộc thi Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL với tác phẩm “Vẻ đẹp vương quốc gạch Mang Thít” (trắng đen) và còn nhiều tác phẩm Sang đang gửi tham gia các cuộc thi ảnh khác. Thật là “Hậu sinh khả úy”.
Mùa Xuân Ất Tỵ 2025 đến, Sang lại mang “đồ nghề” và hướng ống kính về các làng hoa của huyện Chợ Lách để “săn” những bức ảnh nghệ thuật đặc sắc, mang đậm hồn cốt quê hương, xứ sở của vùng hoa kiểng và bốn mùa cây lành trái ngọt.