BDK - Năm 2024, các nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt được những kết quả tích cực. Đáng chú ý, nhận thức của người dân đã được nâng lên đáng kể, góp phần thay đổi hành vi, tạo thành thói quen số rõ nét hơn trong mọi mặt đời sống từ thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt… Để có được những kết quả này là từ nỗ lực về công tác tuyên truyền, hướng dẫn được thực hiện sát sao với nhiều giải pháp.
Đạp xe tuyên truyền - giải pháp tuyên truyền chủ động của Tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức số cho người dân.
Đa dạng giải pháp tuyên truyền
Công tác truyền thông về CĐS được thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống loa truyền thanh các huyện, thành phố, cổng thông tin điện tử, Fanpage, các nhóm Zalo để người dân biết và tích cực hưởng ứng các hoạt động CĐS của địa phương. Bên cạnh đó, Cổng thông tin CĐS tỉnh (http://chuyendoiso.bentre.gov.vn) được vận hành và duy trì cùng với Cổng thông tin điện tử tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, Báo Đồng Khởi và Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố đều có chuyên mục, chuyên trang “Chuyển đổi số”, góp phần đẩy mạnh hơn tần suất thông tin về các nhiệm vụ CĐS đến với người dân.
Các ngành, các cấp, địa phương tăng cường, đổi mới hình thức tuyên truyền trên các kênh mạng xã hội do đơn vị quản lý kết hợp nhịp nhàng với hình thức tuyên truyền truyền thống. Các giải pháp mới để truyền thông nâng cao nhận thức về CĐS đã được triển khai như: Giải pháp “Đạp xe tuyên truyền”, dùng phương tiện cơ động là xe đạp để tiến sâu vào từng ngõ hẻm, kịp thời chuyển tải thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách mới của Nhà nước về CĐS cho người dân nắm bắt. Mô hình “Cafe chuyển đổi số” hướng đến đối tượng chính là thanh niên, tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên cùng chia sẻ cách làm hay, mô hình sáng tạo cũng như được các chuyên gia giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ CĐS tại địa phương và ứng dụng công nghệ thông tin CĐS vào đời sống.
Bên cạnh đó, mô hình “Chợ dân sinh 4.0” được triển khai ở các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh từ năm 2023 đến nay, góp phần thúc đẩy người dân hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng như: Viettel Money, VNPT Money và các mã QR thanh toán ngân hàng với các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Từ đó, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình CĐS trên địa bàn.
Tổ công nghệ số cộng đồng
Cùng với các giải pháp đã nêu, góp sức rất lớn trong nâng cao nhận thức, hình thành thói quen số cho cộng đồng chính là vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ). Với các thành viên tích cực đóng vai trò hạt nhân nòng cốt, Tổ CNSCĐ đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, hỗ trợ người dân tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ số, tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số theo đặc thù địa phương. Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ của cộng đồng. Đặc biệt, ở các khu vực nông thôn, nơi công nghệ chưa thực sự phát triển đồng đều.
Tại tỉnh, thực hiện chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cấp đơn vị hành chính tỉnh đã ban hành nhiều quyết định thành lập 1.111 Tổ CNSCĐ, với 10.195 thành viên và hiện đang tiếp tục kiện toàn. Thời gian qua, các Tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân thông qua nhiều hình thức, góp phần cải thiện nhận thức và kỹ năng số cơ bản của người dân.
Có thể nói, đoàn viên, thanh niên đã và đang trở thành lực lượng tiên phong và nòng cốt trong việc thực hiện CĐS cộng đồng. Tại tỉnh, các đoàn viên được phân công đảm nhận các vị trí quan trọng trong tổ này. Từ cấp huyện đến cấp ấp, nhiều đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm vai trò tổ trưởng hoặc tổ phó. Từ đó, họ thật sự đã phát huy được sự nhanh nhạy với công nghệ số cũng như có những giải pháp năng động, sáng tạo, thúc đẩy nâng cao năng lực số cho cộng đồng.
Điển hình như Tổ CNSCĐ của phường An Hội, TP. Bến Tre, năm 2024 đã tổ chức 15 cuộc tuyên truyền tập trung, 357 cuộc tại tổ nhân dân tự quản, 57 cuộc tại các chi đoàn. Qua đó, đã thu hút 8.824 lượt người tham gia và tiếp cận các nội dung về CĐS. Trong đó, vai trò của Tổ trưởng đồng thời là Bí thư đoàn phường An Hội đã được phát huy mạnh mẽ, với hàng loạt các mô hình, giải pháp đã được triển khai như: Loa truyền thanh thông minh; Số hóa các di tích; Số hóa tuyến đường; Cafe CĐS; Đạp xe tuyên truyền, tuyến đường không dùng tiền mặt; Xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền về CĐS…
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh, trong thời gian tới, Tổ CNSCĐ toàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, sáng tạo trong hoạt động; phát huy càng nhiều hơn nữa các mô hình CĐS cho người dân, tạo động lực thúc đẩy CĐS của tỉnh mà trọng tâm là từng bước hình thành công dân số. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn tăng cường công tác tập huấn, định hướng về mặt chuyên môn, không ngừng cập nhật các kiến thức mới, các ứng dụng mới để thành viên Tổ CNSCĐ tự tin hướng dẫn, hỗ trợ người dân các kỹ năng số.
“Để tiếp tục phát huy vai trò của tuổi trẻ trong công cuộc CĐS, các cấp bộ Đoàn, Hội và đoàn viên, thanh niên sẽ tiếp tục học tập để nâng tầm tư duy, nhận thức về công cuộc CĐS. Các cấp bộ Đoàn, Hội và đoàn viên, thanh niên chủ động tiếp cận các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, an toàn thông tin và các công nghệ mới cần được tổ chức rộng rãi, nhằm giúp thanh niên nắm bắt xu hướng, nâng cao năng lực sử dụng và phát triển công nghệ số trong học tập, lao động và đời sống”.