Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh giải ngân cho khách hàng tại điểm giao dịch xã Bình Phú, TP. Bến Tre. Ảnh: Mạnh Hoài
Xây dựng mô hình
Mô hình được xây dựng và thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng như: Dư nợ tín dụng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương còn thấp. Việc hỗ trợ vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao chưa nhiều. Hoạt động “tín dụng đen” gây nhiều yếu tố bất ổn xã hội.
Tại thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình “Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng TDCS trên địa bàn TP. Bến Tre” vào tháng 3-2021, chất lượng tín dụng trên địa bàn TP. Bến Tre được đánh giá là thấp nhất so với các huyện. Cụ thể, tỷ lệ nợ quá hạn 0,75%, trong khi mức bình quân của cả tỉnh 0,25%. Chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn chưa cao. Chất lượng hoạt động giao dịch xã còn nhiều hạn chế.
Giải pháp thực hiện mô hình tập trung vào 4 nội dung: Triển khai các văn bản chỉ đạo công tác dân vận và xây dựng mô hình dân vận khéo; trong đó “khéo” trong công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH thành phố; “khéo” trong công tác phối hợp triển khai, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát; “khéo” trong thu thập thông tin, tiếp cận các hộ vay có nợ quá hạn, lãi tồn đọng cao. Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 3 đến tháng 12-2021.
Nâng cao chất lượng
Hoạt động của Ngân hàng CSXH là góp phần giảm nghèo và thực hiện công tác an sinh xã hội. Mô hình dân vận khéo “Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng TDCS trên địa bàn TP. Bến Tre” được triển khai mạnh mẽ, giúp chất lượng tín dụng trên địa bàn thành phố được nâng lên.
Hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt theo kế hoạch, dư nợ tín dụng tăng rõ nét. Chất lượng tín dụng có chuyển biến theo hướng tích cực. Kết quả rà soát cho thấy, đến cuối năm 2021, có 100% hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được Ngân hàng CSXH giải ngân kịp thời Doanh số cho vay hơn 56 tỷ đồng, với 1.852 lượt hộ vay, tăng 2,3 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đặc biệt là không còn hồ sơ tồn đọng quá hạn chưa giải ngân.
Đến cuối năm 2021, dư nợ đạt 131,3 tỷ đồng, tăng 28,8 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 21% so với chỉ tiêu đăng ký 12%. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 200% kế hoạch. Tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,61% trên tổng dư nợ, giảm 0,15% so với lúc chưa xây dựng mô hình. Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được nâng lên. Chất lượng hoạt động tín dụng tại xã có 100% xã, phường xếp loại khá, tốt, không có xã, phường xếp loại yếu. Có 98,5% (5.110/5.185 tổ viên) số tổ viên tham gia gửi tiết kiệm theo quy ước của tổ, tăng 3,9% so với lúc chưa xây dựng mô hình.
Vốn TDCS được đưa vào các mô hình sinh kế, khởi nghiệp như: mô hình trồng cây ăn quả sơ ri, bưởi, dừa, mô hình kinh doanh, buôn bán nhỏ. Kết quả thực hiện “Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng TDCS trên địa bàn TP. Bến Tre” được đánh giá là có hiệu quả, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn TP. Bến Tre.
Mô hình đã và đang phát huy tác dụng tích cực trong lĩnh vực TDCS tại địa phương; giúp tăng cường công tác giám sát sử dụng vốn vay hiệu quả, tham gia đẩy lùi “tín dụng đen”; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Với những kết quả đạt được từ việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng của mô hình, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh sẽ mạnh dạn triển khai mô hình trên phạm vi toàn tỉnh.
|
Thạch Thảo