Nặng lòng với cây dừa

08/04/2012 - 16:47

Festival Dừa Bến Tre lần thứ III năm 2012 do tỉnh Bến Tre tổ chức vẫn đang trong những ngày sôi động với những chương trình hấp dẫn. Chưa có những số liệu và đánh giá tổng kết về Lễ hội mang tầm quốc gia này. Chỉ biết rằng, địa phương và người dân, người trồng dừa Bến Tre hân hoan và tự hào về sự kiện liên quan đến sản vật nổi bật của xứ Dừa được cả nước quan tâm.

Lưu lượng khách các tỉnh, thành về Bến Tre dự hội, tham quan, thưởng lãm tấp nập; thanh niên, trẻ em đi lễ hội với trang phục đẹp. Khắp thành phố Bến Tre rực rỡ cờ, hoa, đèn màu. Tất cả để tôn vinh cây dừa, tôn vinh người trồng dừa, văn hóa mang đậm nét đặc sắc quê dừa và những tiềm năng kinh tế mà ngành dừa mang lại.

Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương và nhiều tỉnh, thành thông tin kịp thời sự kiện Festival Dừa Bến Tre lần thứ III. Ít nhất đã có gần 100 tin, bài, ảnh các báo Trung ương, địa phương phản ánh về hoạt động của lễ hội. Bà con Bến Tre đi làm ăn xa tại các tỉnh, thành tranh thủ xem báo, nghe đài, xem ti-vi để cùng chung vui với quê hương, gọi điện thoại cho người thân để chúc mừng. Người dân Bến Tre dù ở đâu vẫn nặng lòng với cây dừa, với quê hương lắm!

Festival Dừa lần thứ III này là một trong số rất ít lễ hội có tính quốc gia nhằm tôn vinh một loại cây trái. Trước nay, Nhà nước và các tỉnh có lợi thế đặc thù đã tổ chức Festival lúa gạo, Festival về hoa kiểng, Festival về café và nay đến Festival Dừa. Quả thật, Festival Dừa Bến Tre lần thứ III mang tính chất hội tụ và lan tỏa sâu sắc. Đó là sự hội tụ đại diện chính quyền, doanh nghiệp các tỉnh thành có diện tích trồng dừa trong cả nước, sự hội tụ của “4 nhà” và hội tụ các doanh nhân quan tâm đến tiềm năng, triển vọng của cây dừa và các sản phẩm từ dừa. Sự quan tâm của đại diện các bộ, ngành Trung ương cùng tình cảm đồng bào cả nước làm ấm lòng người nông dân trồng dừa tại địa phương, nhất là trong thời điểm giá dừa trái trên thị trường bấp bênh do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Trong bài phát biểu của Phó Chủ tịch nước tại Lễ khai mạc Festival Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ III có những đánh giá cao giá trị của cây dừa trong lịch sử dài lâu của dân tộc: Người ta ví cây dừa là cây của sự sống, hiên ngang bất khuất đã làm nên lịch sử và nay lại mang giá trị kinh tế cao… Phải khẳng định rằng, cây dừa ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, cần được sự quan tâm đúng mức!

Dừa bình dị, thân thương và cũng anh hùng trên quê hương anh hùng. Phải làm gì để dừa xứng đáng với vị thế mới trong công cuộc xây dựng đất nước, quê hương giàu mạnh hôm nay? Để dừa không chỉ là cây trồng thoát nghèo cho một bộ phận người dân tại địa phương mà trở thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân và doanh nghiệp làm giàu, hơn thế nữa trở thành loại cây công nghiệp mang tính chiến lược thì còn nhiều việc cần bàn, cần làm ngay!

Trước hết, người trồng dừa cần tránh những cách hành xử thiếu công bằng với cây dừa như chặt phá vườn dừa khi giá dừa nguyên liệu giảm, hoặc không đầu tư chăm sóc cho cây dừa, không hợp tác liên kết để cùng tháo gỡ khó khăn trước mắt để hướng tới một quá trình sản xuất ngành dừa bền vững.

Điều quan trọng hiện nay là tận dụng khai thác tiếng nói, trí tuệ các nhà khoa học và các doanh nghiệp kinh doanh từ sản phẩm dừa. Hiểu dừa, thương dừa, con người có cách tư duy mới và cách hành xử đúng với vị trí, giá trị của dừa. Kỹ sư ngành dừa và đa số người dân trồng dừa tại địa phương đều biết rằng: việc trồng dừa và sống nhờ dừa đã trở thành tập quán lâu đời của cư dân miệt vườn, miệt biển Bến Tre. Đặc tính cây dừa tại địa phương là khả năng chịu nắng mưa, chịu mặn, chịu phèn, nói chung là không kén đất, điều kiện thổ nhưỡng. Tuy nhiên, trái dừa sau khi thu hoạch cần có công nghệ chế biến và bảo quản riêng khác với các loại trái cây khác. Bản thân trái dừa khi hình thành đã mang trong lòng nó sự sống, sự sinh tồn mãnh liệt. Dừa khô nếu không xử lý, chế biến ngay sẽ nhanh chóng mọc mầm thành cây con. Việc hỗ trợ giá, kỹ thuật trồng và đầu tư thu mua, chế biến dừa nguyên liệu, tiếp cận và chi phối thị trường dừa và sản phẩm từ dừa đang rất cần sự định hướng của Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương. Vai trò của Hiệp hội Dừa Việt Nam rất quan trọng trong quá trình hoạch định Chiến lược phát triển ngành dừa quốc gia.

Người nông dân các tỉnh trồng dừa đã và đang trông chờ vào sự định hướng sản xuất dừa với tư cách là sản phẩm hàng hóa, kết quả xúc tiến thương mại của Nhà nước, thực hiện hiệu quả mô hình liên kết “4 nhà”. Đặc biệt là trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp tại địa phương cần có sự xác định, bổ sung thêm chuỗi giá trị từ cây dừa để có đầu tư thích đáng vào nông sản nhiều tiềm năng này.

Bến Tre đã có bước đột phá khi trở thành trung tâm điểm của xu hướng đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa từ lợi thế nông nghiệp, từ việc quảng bá thương hiệu qua việc tổ chức Festival Dừa cấp quốc gia. Việc triển khai thí điểm mô hình “Vườn dừa mẫu lớn” tại địa phương khá thuận lợi khi mà đã hình thành từ lâu tại Bến Tre diện tích trồng dừa tập trung với qui mô lớn, cho năng suất và sản lượng ổn định. Vấn đề còn lại là tiếp tục thực hiện và khai thác qui hoạch vùng trồng dừa nguyên liệu, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, làng nghể chế biến sản phẩm từ dừa, khai thác công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng dừa giống. Để khẳng định vị trí chiến lược trong phát triển cây dừa rất cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu về vai trò của dừa trong chống biến đổi khí hậu. Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng tại Bến Tre tận dụng hiệu quả kép từ Festival Dừa nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm từ dừa. Việc cần làm hậu Festival Dừa là nâng cao vai trò quản lý, đào tạo đội ngũ kỹ sư theo hướng chuyên sâu, đội ngũ lao động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khai thác chương trình dạy nghề cho thanh niên nông thôn gắn với hoạt động sản xuất và kinh doanh dừa, sản phẩm từ dừa, tiếp tục phát triển ngành dừa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông bà ta xưa có câu “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”, ý vị sâu xa là tận dụng mọi giá trị mà cây dừa mang lại cho con người. Đấy cũng là cách thể hiện sự tiết kiệm và tư tưởng làm kinh tế từ cây dừa có thể vận dụng trong quá trình khai thác chuỗi giá trị từ cây dừa trong giai đoạn hiện nay. Người Bến Tre nặng lòng với cây dừa lắm! Làm sao để cây dừa đồng hành cùng con người và trở thành chứng nhân trong bước phát triển mới của quê hương.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN