Soi ba khía ở những xã giáp biển được coi như một nghề, bởi nó đã nuôi sống được nhiều gia đình và không ít người cũng khấm khá lên từ cái nghề này…
Soi ba khía trong đêm.
Bé “Ba khía”…
Ở Thạnh Phú, chỉ có hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải là còn giữ được nghề này. Tôi về Thạnh Phong gặp một chủ đại lý thu mua ba khía là anh Nguyễn Văn Bé - thường được gọi là Bé “ba khía”. Nhà anh Bé ở ấp 4, khá xa trục lộ chính của xã. Anh Bé có hơn 13 năm sống bằng cái nghề thu mua ba khía và là đại lý duy nhất ở xã này. Anh Bé tâm sự: Cái nghề này nó có duyên với mình, muốn bỏ cũng không được. Khi khởi nghiệp, tôi làm ở nhiều nơi: Ban đầu ở Cầu Sắt (xã An Thuận), sau đó vài năm thì về Cầu Ván (xã Giao Thạnh), rồi mới về xã nhà. Tôi chỉ làm thô, đông lạnh rồi giao cho đại lý ở thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh và Kiên Giang. Người ta còn xuất sang Campuchia và Thái Lan. Ở Thạnh Phong, Thạnh Hải, bây giờ chỉ có tôi và anh Dây còn làm nghề này, anh Dây thì làm mắm ba khía để xuất khẩu.
Anh Bé thu mua. Cứ vài ba ngày chủ cho xe xuống lấy, mỗi đợt giao khoảng hơn 2 tấn gồm ba khía trắng và đỏ. Anh Bé không cho biết tiền lãi thu được là bao nhiêu. Người mua trả cho anh tiền nước đá ướp, tiền công, huê hồng theo đầu tấn. Từ nghề này, anh Bé kiếm lời kha khá. Căn nhà với tiện nghi khá đầy đủ mà anh có được như bây giờ đã nói lên điều đó. Mùa soi ba khía là từ tháng 9 đến tháng 11 âl, còn mùng 5 tháng 5 và rằm tháng 7 âl là ngày ba khía hội. Mùa thuận, giá từ 10 đến 15 ngàn đồng/kg. Ba khía mùa này là mùa nghịch, giá thu mua 20.000 đồng/kg. “Ba khía của Cà Mau to con (13-14 con/kg), ba khía của mình nhỏ hơn (khoảng hơn 20 con/kg) nhưng thịt ba khía của xứ mình thì ngọt, muối không bị đen. Đặc biệt, con ba khía trắng thì thịt chắc, thơm, ngọt và ngon hơn nhiều. Khi đưa ra thị trường, con ba khía của xứ mình được khách hàng chuộng và bán được giá hơn. Tôi cam đoan là không đâu có ba khía ngon như của quê mình hết” - anh Bé quả quyết như thế. Ở Thạnh Phong, “đội quân” săn ba khía của anh Bé có hẳn danh sách vài chục anh em. Có thể kể như: Vẹo, Sang, Hạnh, Đoàn, Nghĩa (ở cồn Lớn); Đậm, Tài, Út, Ân, Lâm (ở cồn Dài); anh em Hồng và Thái (ở cồn Mít). Mỗi người, một đêm đi soi, ít nhất cũng được hơn 10kg, khi giá bán thấp thì bình quân mỗi đêm soi, một người cũng kiếm được 100 đến 200 ngàn đồng, đủ nuôi sống gia đình. Trong danh sách mà anh Bé cho tôi xem, hai anh em Hồng và Thái (Trịnh Văn Hồng và Đoàn Văn Thái, ấp 7, xã Thạnh Phong - cồn Mít) đứng đầu thu nhập. Được anh Bé đặt cho biệt danh là “sát thủ”. “Mùa chướng vừa rồi, thằng Hồng chỉ soi một tháng, bảy ngày rồi bù thêm chút đỉnh tiền mà mua được chiếc xe gắn máy” - anh Bé cho biết.
Đi soi với nhóm Hồng - Thái…
Tới ngã ba về cồn Mít, tôi hỏi đường về nhà Thái thì trời cũng đã xế chiều. Khi đến được nhà cũng là lúc vợ Thái đang chuẩn bị buổi cơm chiều. Cơm nước xong, 19 giờ 30 phút, chúng tôi xuất phát. Lúc này, có Hồng, Sang, Tiến (nhóm của Thái). Thái đưa cho tôi đôi giày vừa mới mượn về và giúp tôi mang hộ. “Mang vào đi, kẻo không - đứt chân anh đấy. Mấy gốc đước người ta đốn ấy mà” - Thái bảo. Nói là giày chứ thật ra nó được anh em tự chế, là vải của ống bơm cát. Nó rất chắc. Đoàn đi có tất cả năm người, mỗi người một cái đèn, đem theo ba cái thùng (loại thùng 50 lít, được cắt miệng cho rộng) hướng về phía rừng cồn Mít. Chừng 15 phút đi ghe thì đến được đầu bìa rừng, Thái bảo: Anh đi với anh Hồng, cố gắng mà theo. Coi chừng bị lạc nghen!
Chúng tôi tách ra thành ba nhóm, tiến vào rừng. Tôi cố giữ khoảng cách với Hồng chừng ba, năm mét. Nghe rất rõ tiếng cây gãy (những rễ cây đước bị khô) theo từng bước chân Hồng. Phía bên kia, Thái, Sang, Tiến cũng bắt đầu cuộc đi “săn”. Tiếng lách cách, bộp… lúc đầu còn gần, mỗi lúc tôi nghe càng xa hơn… Về đến nhà Thái đã gần 23 giờ, khi đổ nhập cả ba thùng lại, Hồng ồ lên: “Khá quá chứ!”. Trong tiệc rượu, Thái cho biết thêm: Hôm nay đi là gần nhất đó. Bình thường, tụi em đi xa lắm. Chiều khoảng 4 giờ là mang cơm, chèo ghe đi rồi. Có khi qua tận Lâm trường (xã Thạnh Hải), bìa rừng bên cồn Lớn, cồn Lợi, cồn Dài, cồn Đâm… Soi đến tận sáng mới về tới nhà. Mùa chướng soi thấy ham lắm. Bình quân mỗi đêm cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng trở lên. Tôi bảo: Soi vậy thì ba khía đâu mà còn hoài được?. “Vậy chứ nước lên ngập rừng rồi rút xuống thì ba khía cũng có nữa hà. Thiên nhiên ưu đãi mà anh” -Thái nói.
Theo lời anh Bé, hiện nay, con ba khía không những vượt ra phạm vi của huyện, của tỉnh mà nó còn được xuất khẩu. Ngay ở xứ ta, ba khía thường được dùng để làm quà tặng, xem như đặc sản của người dân biển. Nó còn có mặt trong thực đơn của không ít nhà hàng, quán nhậu sang trọng… Riêng với tôi, mắm ba khía trộn với chuối chát, khế rồi nêm nếm, ủ lại trong keo để dành ăn dần với cơm nguội thì thật không gì ngon bằng…