Người bạn thân thiết của Bến Tre

14/12/2012 - 07:56
Bà Akemi Bando tại buổi làm việc với Bến Tre. Ảnh: Ng.D

Tôi đã nghe nhiều người nhắc đến bà Akemi Bando (Nhật Bản) với lòng mến mộ. Trong lần gặp gỡ mới đây, tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi cái đẹp của tấm chân tình mà bà Bando dành riêng cho Bến Tre.

Người đã gặp bà cứ xuýt xoa hoài trước trí nhớ và sự thông minh, dí dỏm của bà. Có những cái tên, những mẩu chuyện xảy ra hàng chục năm nhưng vẫn đậm trong tâm trí bà. Ngày đầu tiên đến Bến Tre, cách nay đã 22 năm, với tư cách là một cô giáo đi du lịch, là một dấu ấn quan trọng, khởi nguồn sự nghiệp một chuyên gia hợp tác quốc tế sau này. Thời điểm ấy, Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn. Về nông thôn, bà gặp nhiều người dân còn đi chân đất; còn ở thành thị thì có ít xe ô-tô. Được đại diện Sở Y tế hướng dẫn đi thăm bốn gia đình có trẻ em khuyết tật, trong đầu bà lóe lên một tia sáng. Tiếp đó, việc ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh), lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mời bà xem phim tư liệu về nạn nhân chất độc da cam và đề nghị cộng tác với tỉnh Bến Tre. Bà Bando biết mình sẽ phải làm gì. Về nước, một tháng sau đó, vào ngày 30-4-1990, bà đã hoàn thành việc vận động và thành lập Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam, có trên 160 hội viên. Bà đảm nhiệm vai trò Tổng Thư ký. Sự trùng hợp về thời gian không phải là kết quả của cuộc chạy nước rút hay mang tính ngẫu nhiên, mà bà biết ngày Lễ Chiến thắng 30-4 rất thiêng liêng đối với người Việt Nam; bà muốn gửi tấm lòng mình qua những chi tiết như vậy. Các hội viên sẽ đóng góp và vận động quyên góp để xây dựng quỹ Hội.

Hành động đã thể hiện con người bên trong của bà. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn của Việt Nam, có bài hát: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ở nước Nhật, bà Bando có cách lý giải riêng. Con đường vào đời của bà không thảm lụa hay trải đầy hoa hồng như ước mơ của bao cô gái trẻ trên thế giới. Học tâm lý trẻ khuyết tật (Trường Đại học Tổng hợp tỉnh Kyoto), bà làm giáo viên tiểu học dạy trẻ khuyết tật trong suốt chặng đường đẹp nhất của cuộc đời. Đối với Bến Tre, bà có sự gắn bó đặc biệt. 22 năm đủ để một con người trưởng thành và chừng ấy thời gian đã “thử lửa” cho tình bạn cao cả. Bà nói: “Có hai điểm đã tác động đến tôi rất nhiều, đó là sau thời gian dài đấu tranh giành độc lập, cuộc sống của người dân còn rất khó khăn; ông Lê Huỳnh cùng nhiều ông bà cán bộ ở UBND tỉnh rất nhiệt tình giúp đỡ người dân. Điều này đã truyền cho tôi suy nghĩ phải giúp Bến Tre. Nếu không có đối tác như vậy thì sự hợp tác sẽ không dài lâu đến thế”. Hội của bà đã hỗ trợ Bến Tre xây dựng Bệnh viện Trần Văn An (Bệnh viện y học cổ truyền), Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật và tặng những món quà khác không thể tính bằng con số: Sổ Theo dõi chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; Chương trình phục hồi chức năng trong cộng đồng; Chương trình cấp cứu… Những thành tựu tại Nhật Bản đã được bà và Hội chia sẻ với các nước đang phát triển. Khi tôi chia sẻ lúc mang thai, tôi đã sử dụng quyển sổ Theo dõi sức khỏe, bà rất thích thú. Và, bà đọc cho tôi nghe những dòng nhắn nhủ được in ở trang cuối của quyển sổ lưu hành tại Nhật Bản: “Con thân mến, con hãy đọc quyển sổ tay của con đi. Con sẽ hiểu cha mẹ, ông bà và xã hội đã bảo vệ, chăm sóc con ngay cả lúc con ở trong bào thai. Tất cả trẻ em ở Việt Nam cũng được chăm sóc như con vậy. Con hãy đọc, tự hào và sống tốt”… và mong muốn tôi sẽ trao quyển sổ này như một món quà khi con tôi lớn lên. Tôi nhắm mắt lại, để cho từng con chữ thấm vào huyết quản. Đúng là tấm lòng của một người mẹ. Thêm một lý do đủ để tôi hiểu tại sao các em ở Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh gọi bà là Mẹ.

Ở những chương trình đã hỗ trợ cho Bến Tre, theo bà quan sát, từ lãnh đạo đến gia đình của các đối tượng thụ hưởng, từ tỉnh đến cơ sở đều rất nhiệt tình thực hiện. Tình cảm đó khiến bà lưu luyến mỗi khi rời xa và náo nức đón chờ mỗi kỳ gặp mặt. Bận rộn, nhưng hầu như năm nào bà cũng đến Bến Tre. Ở đó, bà có những người bạn, đồng thời cũng là “đối tác” là: ông Lê Huỳnh, ông Vũ Hoàng (ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh), bác sĩ Hải (ông Hồ Hoàng Hải - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế) và  ông Trương Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh… Trong năm 2012, bà đã đưa hai đoàn (cấp cứu và thận nhi) đến Bến Tre. Bác sĩ Hirotsugu Kitayama cho biết, chương trình thận nhi đã được thực hiện thành công tại Nhật Bản và một số nước ở châu Á. Là người cộng tác với bà Akemi Bando đã nhiều năm, bác sĩ Hirotsugu Kitayama đúc kết: Tôi rất đồng ý với cách làm của bà. Tất cả đều cho trẻ em và bà mẹ.

Năm nay, bà Bando đã 61 tuổi, nhưng đôi chân chưa chịu thua tuổi tác. Với cái nghiệp của mình, bà sống và quen với sự dịch chuyển, từ châu Á đến châu Phi, hành trang vẫn là những món quà tinh thần vô giá dành cho trẻ con. Dù đi đến đâu, bà cũng luôn tự hào về “sự lựa chọn đầu tiên”: Tôi liên hệ nhiều nước châu Phi bằng e-mail để thúc đẩy sự phát triển quyển sổ Theo dõi chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Nhưng việc sử dụng quyển sổ ở Bến Tre đã cho tôi nhiều kinh nghiệm để làm việc với họ. Mỗi lần đến Bến Tre, tôi không chỉ làm cho Bến Tre mà còn học để làm cho các nơi khác. Bến Tre là “cơ sở” lớn để từ đó, tôi có thể phát triển công việc quốc tế của mình... Không những vậy, bà còn mong mỏi sẽ có dịp đưa đại diện các nước ở châu Phi đến Bến Tre để giao lưu, để cùng có cách làm tốt hơn trong thời gian tới.

Bất đồng ngôn ngữ, trước người bạn thân thiết của quê hương Bến Tre, tôi không thể phỏng vấn bà đến tận cùng như mong muốn. Tuy nhiên, cái cách bà chia sẻ thông tin, với nụ cười cởi mở và đôi mắt ấm áp, tôi cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn và lòng chân thành của bà dành cho Bến Tre. “Hội Trợ giúp trẻ em Việt Nam luôn đánh giá cao sự hợp tác của tỉnh Bến Tre. Hy vọng, đôi bên sẽ luôn cùng phát triển” - lời chia tay báo hiệu cho ngày gặp lại.

Bửu Đạt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN