Người bưu tá tận tụy

09/07/2010 - 08:48
Bưu tá Lê Quang Minh. Ảnh: P.L.H.H.

Đến nay, anh Lê Quang Minh, nhân viên phát thư-đưa báo của Bưu chính Bến Tre đã có 15 năm trong nghề. Mỗi sáng, trừ ngày chủ nhật, anh đều có mặt ở cơ quan  trước 5 giờ 30 rồi lấy báo, chia báo ra theo các địa chỉ đã đặt mua báo, sao cho thuận lợi trên một tuyến đường, rồi anh vội vàng nổ máy chiếc xe Cub cà tàng đi giao báo. Địa bàn của anh Minh phụ trách là phường 5 và một phần của phường 2, phường 3 (TP Bến Tre).

Ngoài đường phố, khi trời chưa sáng hẳn, anh tất bật trên chiếc xe Cub với chồng báo mới, đặt phía trước và sau yên xe, chất cao gần đến đầu anh. Anh thuộc làu những con đường, con hẻm nơi mình phụ trách. Lúc trời vừa sáng, anh như con thoi, tranh thủ đưa từng tờ báo mới, còn mùi mực in đến các cơ quan, các địa chỉ đặt mua báo trên địa bàn của mình trước 7 giờ sáng và chậm lắm là 8 giờ. Sau đó, anh chạy trở về cơ quan, nhận thư, nhận công văn và tiếp tục đi phát. Buổi chiều, lúc 13 giờ, lại vào cơ quan, tiếp tục đi phát công văn và chờ chuyến xe thư từ TP Hồ Chí Minh về, nhận thư đi phát tiếp. Hiện nay, thư từ các công ty quảng cáo, bảo hiểm gởi cho khách hàng nhiều vô số, người đi phát muốn…hụt hơi. Đặc biệt là với thư phát nhanh EMS, khi xe thư về đến TP Bến Tre, khai thác xong, bưu tá phải khẩn trương đi phát nhanh, không được trễ nải dù một giờ đồng hồ…Như vậy tính ra hàng ngày, người bưu tá  phải luôn chạy tới chạy lui ngoài đường, cộng lại khoảng trên 20 km.

Hơn 10 năm rồi, trừ ngày chủ nhật, những ngày nghỉ lễ, tết, sáng sớm nào anh Minh cũng đưa báo đến nhà tôi. Có những buổi bình minh, ấy vậy mà ông trời vẫn bất ngờ đổ mưa. Trời mưa với những cơn mưa lất phất, dai dẳng làm cho người bưu tá thật vất vả và đầy lo toan. Vất vả vì phải tiếp tục đi phát báo trong mưa. Còn lo toan là vì sợ báo ướt, phát báo chậm đến tay người đang chờ đọc sẽ mất hết tính thời sự.

Cũng từ một cơn mưa sớm, tôi mời anh Minh nán lại nhà tôi uống ly cà phê rồi hãy tiếp tục công việc. Nhìn chiếc xe Cub cà tàng của anh, tôi hỏi: “Xe của cơ quan cấp?”. Anh Minh lắc đầu: “Đâu phải, phương tiện là do cá nhân tự sắm để đi làm. Trước đây, khi Bưu điện chưa tách ra thành hai cơ quan là bưu chính và viễn thông, người đi phát thư-đưa báo hàng tháng thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng, lại còn được cấp thêm tiền xăng 800.000 đồng/tháng. Còn bây giờ, khi đã tách ra, lương khoán hàng ngày là 55.000 đồng, nhưng bưu tá phải tự đổ xăng khi hoạt động, nên thu nhập chỉ còn khoảng 35.000 đồng/ngày, hẻo lắm!”

Tôi khá bất ngờ khi biết thu nhập của một bưu tá hoạt động ở một thành phố hiện chỉ chừng mức ấy, bởi nó chỉ tương đương hoặc còn thấp hơn thu nhập của những người giữ xe ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu hay ở siêu thị Co.op Mart tại Bến Tre. Nhưng với anh Minh, trong cái khó đó, anh vẫn có những niềm vui là mỗi buổi tinh mơ, anh được băng mình trong sương sớm, trên những đường phố còn vắng bóng người để sau đó đem đến cho khách hàng những thông tin nóng hổi và rồi thỉnh thoảng anh được những người đặt mua báo mời uống ly cà phê chân tình, anh Minh nói.

Phan Lữ Hoàng Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN