Người đại diện theo ủy quyền của đương sự trong vụ án dân sự

19/05/2024 - 19:46

Ông N.V.Q có nhu cầu tư vấn: Tôi cùng với ông A là bị đơn trong vụ tranh chấp đất với ông T xảy ra đã nhiều năm. Nay tôi muốn nhờ ông A làm đại diện theo ủy quyền của tôi trong vụ tranh chấp này có được hay không? Nếu được, thủ tục gồm những gì?

Thắc mắc của ông được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (GDDS). Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện GDDS liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định GDDS phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Mặt khác, Điều 87 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 quy định những trường hợp không được làm người đại diện, cụ thể như sau:

1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật: Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện; nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong TTDS cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.

2. Quy định tại khoản 1 điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong TTDS.

3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong TTDS, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

Theo thông tin của ông thì ông muốn nhờ ông A làm đại diện theo ủy quyền, trong khi ông và ông A cùng là bị đơn trong một vụ tranh chấp đất với ông T. Do vậy, căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 87 Bộ luật TTDS, nếu ông và ông A không có quyền lợi đối lập nhau trong vụ án tranh chấp đất nêu trên thì ông có thể nhờ ông A làm đại diện theo ủy quyền trong vụ án này.

Về thủ tục để ủy quyền, theo Điều 562 Bộ luật Dân sự quy định: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Mặt khác, Điều 55 Luật Công chứng năm 2014 cũng quy định như sau: Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, nếu ông muốn nhờ ông A làm đại diện theo ủy quyền thì ông và ông A bên cần phải xác lập hợp đồng ủy quyền và phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản ủy quyền.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN