Tại huyện Chợ Lách, việc bố trí di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai như: sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sụt lún đất… đến khu tái định cư đã phát huy hiệu quả, người dân phấn khởi, từng bước vươn lên ổn định đời sống.
Chợ Lách nổi tiếng là vùng đất “cây lành trái ngọt”, được bao bọc bởi hai con sông lớn Cổ Chiên và Hàm Luông. Do được thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp, nước ngọt quanh năm thuận lợi cho trồng trọt, nhất là sản xuất cây giống và hoa kiểng. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của diễn biến bất lợi thời tiết như mưa bão, triều cường, mặn xâm nhập…, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Từ năm 2012 đến nay, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Chợ Lách chịu ảnh hưởng của hơn 10 cơn bão, nhiều đợt áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, triều cường và nước mặn xâm nhập, nhiều diện tích vườn cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng của nông dân bị ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế ước hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có một số gia đình chỉ trong vòng một đêm, mưa lũ, triều cường xảy ra đã cuốn trôi đi nhà cửa, nhiều vườn cây ăn trái sắp bước vào mùa thu hoạch bị ngập úng, cây chết hàng loạt.
Lãnh đạo UBND huyện Chợ Lách khảo sát nắm tình hình đời sống bà con sau khi vào sinh sống tại khu tái định cư.
Để góp phần khắc phục những hạn chế trên, huyện Chợ Lách đã quan tâm hỗ trợ bằng nhiều chính sách giúp người dân ổn định đời sống, như: đầu tư xây dựng hệ thống đê bao, xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và gần đây nhất là xây dựng 2 khu tái định cư tại xã Tân Thiềng và Hòa Nghĩa.
Khu tái định cư số 01 ấp Tân Thạnh, xã Tân Thiềng được xây dựng vào cuối năm 2011, hoàn thành giữa năm 2012, có tổng diện tích gần 2,3ha; kinh phí thực hiện hơn 23 tỷ đồng. Tại đây có 40 hộ dân nằm trong vùng sạt lở đất, sạt lở bờ sông nhưng không có đất di dời, thuộc các xã: Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn, Vĩnh Hòa được bố trí vào sinh sống. Theo quy định, mỗi hộ dân được bố trí vào khu tái định cư ngoài được hỗ trợ 10 triệu đồng di dời nhà, còn được cấp 1 ngàn mét vuông đất để canh tác. Đa số hộ dân đều phấn khởi, xem đây là điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống, phấn đấu vươn lên.
Hiện nay 36/40 hộ dân sinh sống tại Khu tái định cư số 01 ấp Tân Thạnh hầu như đều có kinh tế ổn định. Họ đang hăng say lao động chuẩn bị cho một mùa hoa kiểng Tết. Khu dân cư này còn 4 hộ nghèo nhưng dự kiến cuối năm 2014, có 2 hộ thoát nghèo; riêng 2 hộ còn lại rơi vào trường hợp khó khăn do quá tuổi lao động, bệnh tật...
Trong những gia đình có nhiều cố gắng vươn lên thoát nghèo tại đây phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Út. Trước đây, gia đình chị sinh sống ở ấp Lân Nam, xã Phú Sơn. Nhà nghèo, có 6 nhân khẩu, không đất sản xuất, sinh sống bằng nghề làm thuê và thuê đất sản xuất cây giống, hoa kiểng. Mỗi năm, thu nhập không nhiều do đất ẩm thấp thường bị ngập úng. Con cái của anh chị phải nghỉ học, đi làm thuê. Gia đình chị được bố trí vào sinh sống tại khu tái định cư. Phát huy nghề truyền thống của gia đình, anh chị đầu tư sản xuất cây giống, mỗi năm bán ra thị trường hơn 40 ngàn cây, có thu nhập hơn 50 triệu đồng. Hiện anh chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang. Chị Út vui mừng cho biết: “Gia đình tôi có được cuộc sống hôm nay là nhờ vào sự quan tâm của địa phương. Hiện tại, đứa con nhỏ của tôi đã được đi học. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng lao động để có cuộc sống tốt hơn”. Chị Bùi Thị Xuân Hiền cũng vui mừng không kém: “Trước đây, gia đình tôi sống ở xã Phú Sơn. Gia đình sống chủ yếu dựa vào sông nước bằng nghề chài lưới rất khó khăn. Từ khi vào sinh sống tại khu tái định cư này, vợ chồng tôi học nghề làm hoa kiểng, thu nhập cũng kha khá. Tết năm nào cũng có bạc triệu trong tay”.
Khu tái định cư số 02 ấp Bình Thanh, xã Hòa Nghĩa được khởi công xây dựng vào cuối năm 2012, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 5-2013, có tổng diện tích 5,5ha; kinh phí thực hiện hơn 19 tỷ đồng, có 54 hộ dân sinh sống. Người dân nơi đây vui mừng, phấn khởi. Về nơi ở xem như ổn định, nhưng về kinh tế, đời sống, khoảng 2/3 hộ tự lực vươn lên với nghề truyền thống của địa phương là sản xuất cây giống, hoa kiểng và trồng rau màu; khoảng 1/3 hộ do điều kiện sinh sống trước đây bằng nghề chài rê, thả lưới, quanh năm lặn lội ven sông nên khi vào đất liền họ chưa bắt nhịp, kinh tế có phần khó khăn. Riêng về môi trường sống tại khu dân cư, do mới đưa vào sử dụng nên người dân còn gặp khó khăn trong vấn đề nước sinh hoạt.
Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Bến Tre, UBND huyện Chợ Lách, các ngành có liên quan và xã Hòa Nghĩa, Tân Thiềng thường xuyên tổ chức các chuyến khảo sát nhằm nắm tình hình đời sống bà con để có sự hỗ trợ, động viên kịp thời, giúp người dân an tâm sản xuất. Ông Nguyễn Văn Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của trên, Chợ Lách được hỗ trợ xây dựng các khu tái định cư tại xã Tân Thiềng và Hòa Nghĩa, hướng tới xây dựng tại xã Vĩnh Bình. Nhìn chung, đời sống của bà con nơi đây khá ổn định, đặc biệt là tại khu tái định cư xã Tân Thiềng. Riêng tại xã Hòa Nghĩa, do khu tái định cư mới đưa vào sử dụng nên bà con còn bỡ ngỡ, còn gặp khó khăn. Để tiếp tục ổn định đời sống bà con, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn năng lực, mô hình, cũng như cách thức làm cây giống để bà con phát triển sản xuất”.