|
Ông Nguyễn Hạnh Phúc (người cầm thuốc). |
Sâu thẳm trong tâm hồn người lính pháo binh năm xưa vẫn còn đầy ắp những kỷ niệm về lần đầu được gặp Bác tại trường bắn Sơn Tây và những chiến công vẻ vang năm ấy. Mắt ông rưng rưng nhưng nét mặt bừng sáng khi nhìn lại những tấm huân chương chiến công giải phóng hạng nhì, huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhất mới thấy được sự trân trọng những kỷ niệm của người thương binh hạng 3/4 này đến nhường nào…
Lật lại trong miền ký ức về những chiến công năm xưa, nhìn lại những kỷ vật qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, người cựu chiến binh nay đã 73 tuổi nhưng vẫn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày trong quân ngũ với 113 trận đánh lớn, nhỏ. Nhưng có lẽ một kỷ niệm mà người cựu chiến binh pháo binh Nguyễn Hạnh Phúc (ngụ tại phường 2, TP.Bến Tre) không thể nào quên được, đó là lần đầu tiên gặp Bác Hồ tại trường bắn Sơn Tây.
Năm 1952, khi mới 15 tuổi, ông Phúc tình nguyện làm liên lạc cho cán bộ Việt minh xã Hữu Định (Châu Thành). Hai năm sau ông được chuyển vào quân đội ở D 314 tỉnh Bến Tre, đi tập kết ra Bắc. Từ năm 1960 đến 1963, ông học Trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây và được trường giữ lại làm giáo viên; năm 1966, Trung úy Đại đội trưởng D99-F351 Nguyễn Hạnh Phúc hành quân vào Nam chiến đấu. Đến năm 1978, trải qua nhiều chức vụ như: Tiểu đoàn phó, trưởng D575 pháo binh Mặt trận 4 (Quảng Đà), Trưởng Ban pháo binh Mặt trận 4, trợ lý Phòng pháo binh Quân khu 5…, ông Phúc được chuyển ngành về tỉnh Bến Tre làm Trưởng ty rồi Giám đốc Sở Thể dục – Thể thao, cho đến năm 1992 về hưu.
Quay ngược thời gian vào những năm 1966, khi ông Phúc đang làm nhiệm vụ của một giáo viên Trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây thì được lệnh của Bộ Tư lệnh pháo binh F351 (Hà Nội) gọi lên giao nhiệm vụ đi B đánh thí điểm loại ca-chiu-sa (tức A12), sau 8 lần ông Phúc làm đơn xin ra chiến trường chiến đấu, vào các mục tiêu lớn ở Đà Nẵng. Trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, ông được Bộ Tư lệnh pháo binh chỉ định trực tiếp chỉ huy lực lượng A12 bắn trình diễn bằng đạn thật cho Bộ Chính trị tham quan tại trường bắn Sơn Tây; trong đoàn có Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kết quả, được Bộ Tư lệnh pháo binh khen ngợi và giao bổ sung một số nhiệm vụ, sau đó ông cùng với đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam.
Ông Phúc vẫn còn nhớ như in về lần đầu tiên gặp Bác Hồ đến thăm trường bắn Sơn Tây (Hà Nội): Bác quan sát từ tư thế lắp đạn, thao tác của từng chiến sĩ… Khi bắn xong, Bác Hồ khen ngợi và động viên: “Tập trung toàn bộ lực lượng đánh thắng trận đầu thật giòn giã, Bác chờ tin các chú”. Lời Bác dặn như đã tiếp thêm sức mạnh, bồi đắp thêm ý chí quyết tâm đánh giặc của đơn vị, lập nhiều thành tích lẫy lừng – ông Phúc chia sẻ.
Sau hơn 2 tháng chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn A12 do ông Hạnh Phúc chỉ huy tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) được hoàn thành, đúng 2 giờ sáng ngày 17-2-1967, cả 3 đại đội của D99 (tiền thân của D575 sau này), trong đó có Tiểu đoàn A12, đã đồng loạt bắn phá dự dội bằng A12 vào căn cứ liên hợp không quân Đà Nẵng. Kết quả, tiêu diệt 1.685 tên giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ, phá hủy 112 máy bay phản lực, 270 xe quân sự, khu trung tâm thông tin, phá hủy 75% thiết bị điện tử và hệ thống ra-đa trong sân bay, làm cho sân bay bị tê liệt trong nhiều ngày. Trận đầu tiên thắng lớn được Bác Hồ gửi điện khen và Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương quân công hạng nhì cho đơn vị. Sau đó, đơn vị đã nhiều lần pháo kích vào sân bay Đà Nẵng, trúng vào các mục tiêu quan trọng, tiêu diệt hàng trăm tên giặc lái và nhân viên kỹ thuật, phá hủy nhiều máy bay phản lực, xe quân sự và làm nổ một kho đạn rốc-két…
Năm 1969, với trách nhiệm là Phó Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 575 pháo binh Mặt trận 4, ông Hạnh Phúc đề xuất đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ D575 là: “Tập trung lãnh đạo, xây dựng D575 trở thành đơn vị anh hùng quân giải phóng miền Nam”. Ông Phúc cho biết: Trong thời gian này, về mặt chính quyền, tôi là Tiểu đoàn trưởng nên đã tập trung mọi trí tuệ và nghị lực theo hướng đó. Tôi luôn hăng hái, xông xáo, chủ động, sáng tạo và cân nhắc phương thức đánh theo từng thời điểm phù hợp. Với quyết tâm cao và ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, tôi đã cùng Tiểu đoàn D575 vượt mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt và cả sự hy sinh để bám trụ vững chắc, chiến đấu liên tục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong và ngoài kế hoạch, chi viện cho các chiến trường bạn trong nhiều chiến dịch. Đến năm 1973, Tiểu đoàn 575 pháo binh Mặt trận 4 được tuyên dương danh hiệu anh hùng quân giải phóng miền Nam.
Ông Phúc còn thường trực tiếp huấn luyện kỹ thuật cho pháo thủ, trinh sát, kế toán và chỉ huy. Ông còn nhớ rất rõ trong một lần huấn luyện cho lực lượng pháo binh ở đơn vị vào tháng 12-1969: Trong lần huấn luyện bằng đạn thật (ĐKB có nòng) giữa ban ngày vào mục tiêu thật là trận pháo binh địch ở căn cứ Bồ Bồ (Điện Sơn – Điện Bàn), với 8 quả đạn ĐKB đã diệt 16 tên sĩ quan Mỹ, trong đó có tên đại úy Mỹ Ca-va-nốt đến chia tay với E51 để về nước.
Chia sẻ về những kinh nghiệm mà ông Phúc đã vận dụng trên chiến trường, ông cho rằng để trở thành người lính pháo binh thì trước hết phải “chân đồng, da sắt”, kế đến phải “nhanh nhẹn” nhưng không thiếu phần “chính xác”. Còn nhớ năm 1973, sau khi được Bộ Tư lệnh mặt trận 4 giao cho mình làm Chỉ huy trưởng mặt trận vùng B Đại Lộc, với nhiệm vụ tổ chức hợp đồng các lực lượng gồm: 1 D577 pháo binh, 1 D đặc công, 1 D bộ binh của mặt trận, cùng các lực lượng bộ đội huyện Đại Lộc, sau đó tăng cường thêm 1 B tên lửa chống tăng điều khiển bằng vô tuyến (của Quân khu 5), chống địch lấn chiếm vùng B Đại Lộc. Sau nhiều ngày đánh nhau quyết liệt với địch, tôi sử dụng ĐKB D577. Đây là loại vũ khí không những bắn kiềm chế tốt các trận địa pháo binh của địch mà còn ngăn chặn địch ở cự ly gần để chi viện bộ binh ta chiến đấu, tuy có mạo hiểm nhưng vì yêu cầu cấp bách và thực tế rất có hiệu quả. Tôi chủ trương ban ngày dùng pháo, cối và bộ binh chặn đánh làm tiêu hao lực lượng địch, ban đêm dùng đặc công tập kích các cụm đóng quân của địch. Và khi được Quân khu 5 tăng cường 1 B tên lửa chống tăng bắn rất chính xác nên tiêu diệt được nhiều xe tăng, làm cho địch hoang mang. Qua hơn 1 tháng chiến đấu liên tục ngày đêm, ta đã diệt được nhiều quân địch, hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững vùng B Đại Lộc – ông Phúc hồi tưởng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thành tích nổi bật của người lính pháo binh Nguyễn Hạnh Phúc năm xưa là được tổ chức, chỉ huy D575 pháo binh mặt trận 4, liên tục bám trụ vững chắc, ác liệt, chiến đấu 107 trận (phần lớn đánh vào sân bay Đà Nẵng) cùng với đơn vị lập nhiều thành tích xuất sắc: tiêu diệt 7.742 tên địch, trong đó có 5.639 tên giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ; phá hủy 796 máy bay (chủ yếu là phản lực); phá hủy 693 xe quân sự và 35 khẩu pháo…