Nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

26/03/2010 - 09:17
Trồng rừng bảo vệ môi trường ở bãi biển Thới Thuận (Bình Đại). Ảnh: H.Hiệp

Biến đổi khí hậu làm xáo trộn cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thay đổi cơ cấu mùa vụ và đối tượng sản xuất; thu hẹp dần qui mô sản xuất, kéo giảm năng suất, hiệu quả kinh tế, hệ sinh học vùng cửa sông ven biển bị đe dọa. Dịch bệnh có xu hướng xảy ra nhiều hơn, gây thất thoát lớn về kinh tế, làm xáo trộn đời sống, nhất là cộng đồng cư dân ven biển.

Bến Tre nằm trong vùng châu thổ ĐBSCL với hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt phát triển phong phú. Nhiệt độ tăng, biên độ dao động ngày đêm, thường xảy ra gió, bão, lốc xoáy, triều cường. Xâm nhập mặn cao, ngưỡng mặn sâu vào đất liền ngày một dâng cao, trong khi hệ thống đê chưa hoàn chỉnh. Nhiệt độ và biên độ tăng cao, thời tiết cực đoan dẫn đến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh xảy ra nhiều hơn, năng suất nuôi các giống loài thủy sản giảm rõ rệt. Diễn biến môi trường không phù hợp với điều kiện sống của các loài nhuyễn thể. Hàng năm thường xảy ra hiện tượng nghêu, sò chết vào các tháng mùa khô. Nhiệt độ tăng cao liên tục dẫn đến nguy cơ chênh lệch lớn về tổng nhiệt độ trong ngày, gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất giống và ương, nuôi các loài thủy sản. Hệ vi sinh vật dùng làm thức ăn cho tôm, cá trong môi trường tự nhiên phát triển không ổn định. Sản lượng tôm cá tự nhiên giảm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nghề khai thác thủy sản. Do mức chênh lệch triều thấp, thiếu nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi không phát huy tác dụng, ảnh hưởng của gió, bão, mưa tác động đến nuôi trồng thủy sản. Cơn bão số 9 làm thiệt hại lớn, hoạt động khai thác thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có 2 cảng cá bị hư hại, 17 tàu khai thác bị chìm, 21 tàu bị va quẹt, hư hỏng. Hệ thống đê bao ven biển, hệ thống ao nuôi bị ngập, sạt lơ,õ gây thất thoát nhiều tôm cá. Toàn tỉnh có 213 cơ sở nuôi bị thiệt hại, 6.951 chòi, trại bị sập và tốc mái. Cơ sở hạ tầng nuôi bị phá hủy nghiêm trọng. Nhiều cảng cá, nhà kho, nhà bảo quản, sơ chế, nhà xưởng của 4 nhà máy đông lạnh bị tốc mái. Đặc biệt, trong những năm gần đây, mưa nhiều và không ổn định, lượng mưa tăng cao làm môi trường sống của các loài thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là các đối tượng nuôi thâm canh. Lượng mưa tăng làm cho mực nước biển dâng cao, gây thất thoát tôm cá, nhất là các ao nuôi trên cồn bãi, khu vực chưa có đê bao hoặc đê bao không có rừng phòng hộ. Mưa lớn kéo dài làm nhiệt độ giảm rất dễ phát sinh dịch bệnh. Mưa lớn cũng tạo dòng chảy mạnh, gây sạt lở bờ sông và hệ thống đê bao ven sông; làm thay đổi chu kỳ phát triển của hệ đa dạng sinh học, thay đổi trữ lượng cá tôm, nguồn thức ăn tự nhiên, mùa vụ, sức sinh sản của nhiều loài tôm cá, nhuyễn thể. Ngoài ra, ngưỡng mặn ngày càng đi sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài thủy sản và các giống cây trồng, vật nuôi khác; phá hỏng các mạch nước ngầm và hệ thống cơ sở hạ tầng sử dụng sinh hoạt của người dân. Độ mặn tăng cao vào mùa khô ở nhiều xã của Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Có nơi, mặn trên 30% vào các tháng 3,4 hàng năm và mặn sâu vào đất liền có năm tới 40-50km. Nước mặn dâng cao phá hỏng hệ thống cơ sở hạ tầng của các vùng nuôi thủy sản nước lợ như hệ thống kênh xử lý cấp thoát; hệ thống cống vùng nuôi thủy sản tập trung, các khu, cụm hậu cần dịch vụ nghề cá, làm mất tác dụng các công trình ngọt hóa. Mặt khác, lũ do nước tràn từ thượng nguồn làm vỡ cống, sạt đê, có nơi từ 1-2km/năm, thường diễn ra vào các tháng 9,10 hàng năm tại Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách. Nước tràn bờ; nhà cửa, hoa màu, cá tôm tại các khu vực đất cồn, ven sông bị cuốn trôi. Nhiều khúc sông bị lệch dòng chảy, gây xói lở bờ sông, mất đất nông nghiệp, có nơi 2-3 ha/năm, làm mất cân bằng hệ sinh thái động - thực vật. 

Bà Trần Thị Thu Nga (bìa trái) - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT trao đổi với các thành viên tham quan, tìm hiểu về biến đổi khí hậu ở Bến Tre.
Ảnh: H.H
    
    Để giảm bớt thiệt hại do biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp cùng các ngành hữu quan cần thực hiện: Đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, điện, đê biển, đê bao, hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản, dự án cung cấp nước ngọt cho người dân; xây dựng các tuyến giao thông trục bờ biển, hệ thống đê bao khu vực cồn bãi, bãi bồi ven sông có tính đến độ cao khi mực nước biển dâng và đỉnh lũ thượng nguồn; nâng cao hệ thống đê biển, đê vùng các cửa sông, ven biển, cù lao; qui hoạch, đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất giống thủy sản ven biển, các dịch vụ hậu cần nghề cá; bảo vệ vùng sinh thái ngập mặn, vùng đất ngập nước, bãi triều ven biển; phát triển mạnh diện tích rừng phòng hộ ven đê, qui hoạch trồng rừng và các khu bảo tồn bảo vệ bãi giống, bãi đẻ tự nhiên của các giống loài thủy sản; đầu tư nghiên cứu đối tượng nuôi mới, giống mới, công nghệ mới thích nghi tình hình biến đổi khí hậu; đầu tư phát triển các giống loài cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích nghi với độ mặn; hoàn thiện qui trình nuôi, gia tăng độ sâu của ao nuôi, tạo nhiệt độ thích hợp, giảm tổn hại do quá trình tăng nhiệt độ và bốc hơi nhanh của mặt nước; phát triển công nghệ, đầu tư thiết bị dự báo, cảnh báo môi trường, thời tiết để kịp thời ứng phó; xây dựng hệ thống cảnh báo môi trường phục vụ nuôi trồng hợp lý; tăng cường nghiên cứu dự báo chuyển đàn của cá, những thay đổi của ngư trường; cập nhật thường xuyên thông tin về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng để kịp thời thông báo cho người dân có kế hoạch ứng phó; xây dựng khu neo đậu phòng tránh, trú bão; đầu tư công nghệ phù hợp khai thác ngắn ngày, năng suất cao; qui hoạch cụm dân cư tập trung, khu sản xuất tập trung cho ngư dân các làng cá ven biển.

Trần Thị Thu Nga (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN