Những ngày cuối cùng của ngụy quân Sài Gòn ở Thị xã

21/04/2010 - 08:03

Kế hoạch và phương án tấn công giải phóng Thị xã (nay là thành phố Bến Tre) được Tỉnh ủy thông qua và ông Nguyễn Văn Trung, đại diện Khu ủy phụ trách Bến Tre quyết định tấn công vào đêm 29 rạng 30-4-1975.

Tỉnh đội trưởng Vũ Khắc Sương (Năm Sương) chỉ đạo từng mũi tiến công đánh lấn chiếm địch. Nhưng trong một tình huống bất trắc, Tiểu đoàn 6 trên đường từ Tam Phước – Châu Thành về Trung tâm Chỉ huy quân sự (Long Mỹ - Giồng Trôm) thì bị địch phục kích, lấy được kế hoạch tấn công Thị xã. Đối phó với ta, Tỉnh trưởng Kim ra lệnh tập trung 7 tiểu đoàn bảo an về Thị xã bố trí xung quanh tuyến vành đai, càn quét, đánh phá và đóng quân phòng thủ. Chúng chốt tất cả các tuyến đường vào Thị xã, từ cầu Bình Nguyên đến Tú Điền, kéo tới lò gạch Bông Chanh (Chợ Giữa – Phú Hưng).

Trong tình huống mới, Ban Chỉ huy quyết định thay đổi ngay chiến thuật: kéo từng tiểu đoàn ra, đánh cho chúng tê liệt rồi sau đó một mặt cầm chân chúng, mặt khác tấn công vào Thị xã. Theo kế hoạch này, ta điều 2 tiểu đoàn và 1 đại đội đặc công về Giồng Trôm, đánh vào phân chi khu Lương Quới nhằm diệt địch tại chỗ, kéo lực lượng cơ động của địch đến và kềm chân nhiều đơn vị tại đây. Tiểu đoàn 263 do ông Trần Vệ Quốc chỉ huy được giao nhiệm vụ đánh đồn Lương Quới đêm 29-4. Ông Mười Vệ Quốc nhớ lại: “Đêm đó đánh nhau dữ dội nhưng không đánh lấy được đồn. Không được thì cũng phải siết vô bao vây để buộc chúng phải cần binh chi viện”.

Đúng như dự kiến, sáng 30-4-1975, Tỉnh trưởng Kim điều 4 tiểu đoàn bảo an đang phòng thủ Thị xã xuống cứu viện cho Lương Quới, nhưng đến cầu Chẹt Sậy thì bị ta đánh sập cầu. Địch đổ dồn trên đường 26, khu vực Chợ Giữa. Giữa lúc chiến sự ở Lương Quới và trên đường 26 đang tiếp diễn, thì 9g30 phút ngày 30-4-1975, Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chỉ huy Trần Vệ Quốc vẫn nhớ như in ngày ấy: “Chúng ở ngoài đồng, mình vây quanh ở vòng ngoài nên rất thuận lợi. Lúc đó hơn 11 giờ, tôi đang chuẩn bị phát lệnh nổ súng thì anh em kỹ thuật báo tiểu khu ra lệnh rút toàn bộ địch về. Cả 4 khẩu pháo ở Chợ Giữa cũng rút về sân bay Thị xã. Đúng là tình huống thật lạ kỳ, mấy chục năm đánh giặc, đâu có khi nào tới giờ chuẩn bị nổ súng mà địch bỏ chạy. Nối máy với Trung tâm Chỉ huy, tôi mới biết Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng. Thiệt mừng hết biết!”.

Sau khi giải phóng các xã, các ông: Năm Sương, Ba Trung, Tư Nguyễn, Tư Cường và Mười Vệ Quốc gặp nhau tại đồn Lương Quới, ra quyết định tấn công Thị xã ngay trong đêm 30. Lực lượng ta theo 3 cánh quân. Cánh 1 gồm phân đội 1 đặc công và phân đội 4 biệt động có nhiệm vụ tiến vào Thị xã theo hướng Nam (tả ngạn sông Bến Tre). Cánh 2 gồm phân đội 2 Thị đội, có nhiệm vụ tiến vào Thị xã từ hướng Tây Bắc. Cánh 3 gồm phân đội 3 đặc công, phân đội 5 biệt động, phân đội 6 đặc công chốt và phân đội đặc công thủy cùng với lực lượng tự vệ vũ trang của các ngành, đoàn thể tiến vào nội ô từ hướng Đông Bắc. Ngoài ra, mỗi cánh quân còn có lực lượng dân công, lực lượng chính trị, thanh niên… của các xã trên địa bàn cùng phối hợp tham gia.

Đêm đó, khoảng 22 giờ, tên Đại úy Chương – Chỉ huy pháo binh tại sân bay Thị xã, tập trung pháo bắn xuống khu vực Đồng Gò (Giồng Trôm) dữ dội. Cánh quân phía lộ 6 do ông Tư Định (Phan Văn Thậm – Tham mưu trưởng Tỉnh đội) và ông Ba Thanh (Lê Văn Thanh – Phó Chính trị viên Tỉnh đội) chỉ huy, ra lệnh cho trung đội đặc công đem B40 xuống sân bay phản công. Ngay sau đó, tên Chương lên máy thương lượng rằng không bắn nữa, để sáng hẳn tính. Đến nửa đêm, Chương lại lên máy và nói: “Chủ bài tôi bệnh nặng rồi. Để sáng tôi quan hệ với mấy anh”. Thực chất là lúc đó tên Tỉnh trưởng Kim đã bỏ chạy.

5 giờ sáng ngày 1-5, tên Chương lên máy hỏi cách nào quan hệ với ban chỉ huy an toàn nhất. “Xe chạy vô cắm cờ xanh, chúng tôi sẽ đón” – ông Ba Thanh nhớ lại. Ông kể lại cuộc thương lượng: Sau khi báo cáo tình hình, chúng tôi buộc phía địch trước hết là giao bãi pháo (5 khẩu pháo 105) rồi chở chúng tôi vô dinh Tỉnh trưởng. Tiếp chúng tôi là Trung tá Mạnh – Phó Chỉ huy trưởng. Còn Thiếu tá Bửu – Tham mưu trưởng thay thế Tỉnh trưởng Kim thì đang trên đường xuống Lương Quới đón anh Năm Sương và Tư Nguyễn. Tôi và anh Tư Định yêu cầu hai việc: phải ra lệnh toàn tỉnh ngưng tiếng súng và tất cả các chỗ mà chúng chiếm phải giữ để sau đó bàn giao cho quân giải phóng.

Đến 8 giờ sáng ngày 1-5-1975, thị xã Bến Tre hoàn toàn giải phóng. Quân ta tiếp quản xong các mục tiêu đã được phân công, chiếm giữ các trụ sở của ngụy.

Trước đó, khi được chỉ đạo chuẩn bị tiếp quản Thị xã, bà Nguyễn Thị Diệp – đảng viên hoạt động bí mật tại nội ô Thị xã (sau giải phóng có lúc giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Thị xã) đã vận động nhiều phụ nữ và các nhà may tại Thị xã bí mật may cờ giải phóng, chuẩn bị đón quân giải phóng vào tiếp quản Thị xã. Khoảng 4 giờ sáng ngày 1-5-1975, với sự yểm trợ của một số phụ nữ là cơ sở cách mạng tại nội ô Thị xã, bà Nguyễn Thị Diệp treo lá cờ giải phóng đầu tiên tại ngã ba Tháp (nay là công viên tượng đài Đồng Khởi). Đến 6 giờ ngày 1-5-1975, các đường phố chính ở nội ô Thị xã đã được nhân dân treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (nửa đỏ, nửa xanh, sao vàng 5 cánh) trước nhà. Nhân dân Thị xã đứng hai bên đường cầm cờ, hoa đón chào quân giải phóng vào tiếp quản…

Phương Yến (Ghi theo lời kể của một số nhân chứng lịch sử)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN