Cần sử dụng tiết kiệm nước ngọt trong mùa hạn mặn để giảm chi phí (trong ảnh cô Nguyễn Thị Năm, Ấp 1, xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm). Ảnh: Phan Hân
Nhiều ý kiến về giá nước
Ngày 9-2-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND về việc quy định giá tiêu thụ nước sạch không bị nhiễm mặn trong thời gian hạn mặn. Quyết định đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-2-2021. Theo đó, tùy phương án của đơn vị cấp nước, giá nước tăng từ 3 - 5 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, giá cung cấp nước sạch sinh hoạt bằng hệ thống RO tại các nhà máy nước trong tình huống độ mặn từ 0,5 - 3%o là 27.846 đồng/m3, độ mặn từ 3 - 6%o là 30.940 đồng/m3, độ mặn trên 6 - 9%o là 35.581 đồng/m3. Giá nước cung cấp bằng phương án mua nước thô ngọt bằng sà lan hòa mạng giá từ trên 42 - 51,5 ngàn đồng/m3 tùy vào độ mặn.
Trước thông tin giá nước tăng, dư luận trong người dân có nhiều ý kiến khác nhau. Chị N.H ở trọ tại khu vực phường An Hội, TP. Bến Tre cho rằng: “Nếu tắm giặt hay vệ sinh mà dùng lượng nước ngọt và trả với mức giá hơn 40 ngàn đồng/m3 thì không cần thiết lắm vì những hoạt động này có thể dùng nước mặn cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng so với việc phải đi đổi nước với giá 150 ngàn đồng/m3 thì là rẻ hơn rất nhiều.
Chị Nguyễn Thị Trúc Anh, ngụ xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre nói: “Mùa nước mặn năm 2020, nhà tôi phải xếp hàng, chờ đợi mua nước ngọt chở về xài thiệt quá cực khổ. Nay nghe thông tin giá nước ngọt từ 27 - 44 ngàn đồng/m3 trong mùa hạn mặn, tôi thấy cũng được vì vẫn rẻ hơn nhiều so với giá nước chở về nhà”.
Bà Nguyễn Thị Năm, Ấp 1, xã Tân Hào (Giồng Trôm) cho rằng: “Có nước ngọt xài thời điểm này là quý nên giá nước tăng lên cũng hợp lý, vì tốn nhiều công cán vận chuyển, xử lý nguồn nước…, chỉ cần mình xài tiết kiệm thì ổn”.
Gia đình làm dịch vụ nấu ăn, chị Nguyễn Thị Châu, Ấp 1, xã Tân Hào thì tỏ vẻ không đồng tình. Theo chị Châu, với giá nước hiện tại 8.050 đồng/m3, gia đình chị chi gần 1 triệu đồng tiền nước cho sinh hoạt. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, chị chấp nhận mua nước bình hoặc mua nước RO tại nhà máy nước với số lượng vừa đủ, chi phí còn đảm bảo được. Giá nước tăng trên 3 lần để dùng cho mọi sinh hoạt gia đình thì chị không kham nổi.
“Giá nước cung cấp bằng sà lan trên 40 ngàn đồng/m3 có thể hợp lý với chi phí của đơn vị cấp nước nhưng vẫn cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Đơn vị cấp nước và cơ quan chuyên môn nên xem xét có phương án trợ giá cho người dân”, anh Lê Hoàng Thông, ấp Linh Phụng, xã Long Mỹ (Giồng Trôm) bày tỏ.
Nguyên nhân giá nước tăng
Phân tích nguyên nhân giá nước tăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Hùng cho biết, trong phương án tính giá thành nước máy mùa hạn mặn, cách tính của công ty theo quan điểm “cân đối lấy thu bù chi”, hoàn toàn không cơ cấu đặt tỷ lệ lợi nhuận. Cụ thể, những chi phí phát sinh thêm trong mùa hạn mặn như: vận chuyển nước ngọt thô bằng sà lan từ thượng nguồn về, tiêu hao điện năng để bơm nước từ sà lan về nhà máy nước, khi lấy nước mặn tại chỗ để khử mặn thì có chi phí hóa chất và điện năng cho dây chuyền xử lý nước mặn (RO), tiêu hao một lượng nước khi lọc RO thải ra… Trên cơ sở những phát sinh thực tế đó, công ty lập phương án giá thành và trình các sở, ngành chuyên môn của tỉnh góp ý, thẩm định; sở, ngành trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giám sát bơm nước ngọt thô hòa mạng trước khi cấp cho người dân tại Nhà máy nước Tân Hào. Ảnh: Phan Hân
Cũng theo ông Trần Hùng, các đơn vị cấp nước và các đơn vị, cá nhân có liên quan chỉ được áp dụng và thi hành đơn giá nước theo quyết định này khi hội đủ 2 điều kiện: Thứ nhất, nhà máy nước bị xâm nhập mặn. Thứ hai, đơn vị cấp nước, nhà máy nước có giải pháp vận chuyển nước ngọt thô về xử lý hoặc khử mặn qua dây chuyền RO để nước cấp ra đến khách hàng đạt quy chuẩn nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành (QCVN 01).
Hiện nay, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre chưa áp dụng đơn giá nước theo Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND. Các khu vực cấp nước của công ty vẫn đang áp dụng đơn giá nước cũ (theo Quyết định số 45/2016/QĐ-UBND ngày 16-9-2016). Riêng tại Nhà máy nước Lương Quới (Giồng Trôm), từ ngày 22-1-2021, công ty đã vận chuyển nước ngọt thô bằng sà lan để bơm về Nhà máy nước Lương Quới pha trộn với nguồn nước tại chỗ (nước sông Giồng Trôm, rạch Lương Quới có độ mặn > 3%o) để xử lý và cung cấp nước ra mạng lưới có độ mặn trung bình 1%o. Ngày 3-3-2021, công ty đã vận hành đồng bộ hệ thống bơm, đường ống chuyển tải nước thô và công tác điều độ sà lan, khi đó sẽ đảm bảo cung cấp nước ngọt (độ mặn < 0,45%o) cho khách hàng trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Theo đó, người dân thị trấn Giồng Trôm, Cụm công nghiệp Phong Nẫm, các xã: Mỹ Thạnh, Lương Hòa, Lương Quới, Châu Hòa, Bình Hòa, Bình Thành, Tân Thanh, Hưng Nhượng, Thuận Điền, Phong Nẫm (Ấp 1, 2, 3, 4, xã Phong Mỹ cũ) sẽ áp dụng mức giá nước theo Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND.
Công ty TNHH Cấp thoát nước Mỏ Cày là đơn vị tư nhân, đang cung cấp nước máy sinh hoạt cho 21 ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Được biết, nguồn nước Công ty TNHH Cấp thoát nước Mỏ Cày bơm lên cung cấp cho người dân được lấy từ kênh Sa Kê. Kênh này đang được xây cống Sa Kê và cống đã đóng, trữ được nguồn nước ngọt.
Đại diện Công ty TNHH Cấp thoát nước Mỏ Cày khẳng định: “Công ty sẽ không tăng giá nước trong mùa hạn mặn, mức giá sẽ như cũ là 9.700 đồng/m3. Nếu độ mặn nước máy khoảng 1 - 2%o, mong người dân thông cảm sử dụng tạm thời, còn mặn hơn thì công ty sẽ mua nước ngọt từ sà lan cung cấp”.
Trưởng phòng Kỹ thuật - Quản lý khai thác thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Vũ Đình Trác thông tin: Theo hướng dẫn của Sở Tài chính, trung tâm đã thực hiện lấy ý kiến các hộ dân trên địa bàn cấp nước về dự kiến vận chuyển nước ngọt bằng sà lan. Kết quả chỉ có 59/104 (tỷ lệ 56,7%) hộ dân thống nhất sử dụng nước ngọt với giá cao hơn, còn lại các hộ dân không đồng ý do nhu cầu chỉ dùng cho sinh hoạt hàng ngày, giá nước cao tác động đến chi tiêu tài chính gia đình. |
Ph. Hân - Th. Đồng - Th. Thảo - C. Trúc - A. Nguyệt