Xã Giao Long (Châu Thành) vận động nhân dân đóng góp xây dựng, đưa vào sử dụng lộ nông thôn ĐX.03. Ảnh: Đức Chính
Những kết quả đáng ghi nhận
Trong nhiệm kỳ qua, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh phát triển khá. Đến nay, toàn tỉnh có 55 xã NTM (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội); có 80 xã đạt từ 10 - 18 tiêu chí; huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020; TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Kết quả đó làm cho diện mạo nông thôn tiếp tục khởi sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Các tiêu chí xã, huyện NTM liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM cũng rất đa dạng, phong phú, lĩnh vực nào cũng có, với sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng, nhất là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà.
Trong sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, khuyến khích sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Đặc biệt, qua thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động nhân dân tích cực tham gia đóng góp tiền của, hiến đất, cây trái, hoa màu, ngày công lao động xây dựng NTM... Với phương châm “Dân là chủ, dân làm chủ”, nhờ “khéo” vận động mà nhiều công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, làm cho cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.
Nổi bật có mô hình “Nuôi bò sinh sản” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Hội Cựu chiến binh với mô hình “Câu lạc bộ giảm nghèo”, “Bụi chuối tình thương”, mô hình “5+1” giúp hội viên nghèo vươn lên thoát nghèo, xây nhà “Nghĩa tình đồng đội”, “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, nghĩa tình”; Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, “Năm không, ba sạch”, mô hình “Xử lý rác thải góp phần bảo vệ môi trường, sử dụng túi nylon sinh học thân thiện với môi trường” có sức lan tỏa trong cộng đồng; Hội Nông dân với mô hình vận động “Xây dựng hình mẫu người nông dân mới”, phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Nông dân tỷ phú”; Đoàn thanh niên với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên, phong trào “Tuổi trẻ Bến Tre chung tay xây dựng NTM”, mô hình “Trường học an toàn, không có ma túy”, “Tuyến đường thanh niên sạch đẹp, an toàn”; Liên đoàn Lao động với cuộc vận động “Quỹ Mái ấm Công đoàn”, mô hình hỗ trợ người nghèo thực hiện sinh kế…
Trên lĩnh vực an ninh trật tự, có các mô hình “Dân vận khéo” như: “Liên gia tự quản”, “Cổng rào tự phòng tự quản”, “Ánh sáng an ninh”, “Tiếng loa an ninh”, “Tiếng kẻng an ninh”; mô hình “Khu phố an toàn”, “Khu dân cư không có tội phạm ẩn náu”, “Khu dân cư nói không với tội phạm”… đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tiếp tục phát huy, nhân rộng
Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nêu: “Nâng cao tính thuyết phục và hiệu quả công tác dân vận. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tập trung các giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Tiếp tục phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Từ việc nhận thức về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của công tác dân vận trong hệ thống chính trị, cũng như đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong tình hình hiện nay; để tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, với vai trò tham mưu trực tiếp của ban dân vận các cấp, sự phối hợp, chủ trì, nòng cốt của các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng, cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” một cách toàn diện, đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa, đạt hiệu quả thiết thực trong toàn hệ thống chính trị tỉnh nhà, trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM. Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tiếp tục đa dạng hóa các loại hình tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, huy động sức mạnh nội lực và ngoại lực góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2020, Trung ương chọn là “Năm dân vận khéo”, kết quả thực hiện sẽ giúp cho các cấp ủy, chính quyền có thêm những kinh nghiệm từ nhiệm vụ quan trọng này, trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì và phát triển phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng ngày càng đổi mới, đi sâu vào thực hiện những vấn đề khó ở địa phương và chú ý chọn nhân rộng cho được những mô hình hiệu quả để góp phần vào thực hiện thành công phong trào thi đua “Đồng khởi mới” của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Từ những kết quả thực tiễn trên cho thấy, phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục được khẳng định là một chủ trương đúng đắn, đã trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động nhân dân. Tính hiệu quả đáng trân trọng nhất của phong trào thi đua “Dân vận khéo” chính là việc: lấy sức dân để giải quyết những vấn đề của dân; lấy cộng đồng để tác động, làm xoay chuyển để giải quyết các vấn đề phát sinh của cộng đồng. |
Bùi Văn Bia - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy