|
Tư vấn việc làm cho con em hộ nghèo. Ảnh: T.Lam |
Nhằm phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo giảm nghèo (BCĐ), các ban ngành, đoàn thể từ huyện, xã đến cơ sở trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo đã tranh thủ các tổ chức xã hội, chủ doanh nghiệp, cá nhân từ thiện trên từng địa bàn tham gia chương trình giảm nghèo.
Từ năm 2001, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực BCĐ) đã tiến hành triển khai thí điểm mô hình “Câu lạc bộ công tác giảm nghèo (CLB)”.
CLB được thành lập từ việc vận động và khuyến khích các cá nhân, tập thể tự nguyện tham gia. Về tổ chức, CLB có 1 chủ nhiệm và 2 phó chủ nhiệm, do các thành viên bầu. CLB hoạt động theo quy chế riêng, đảm bảo tính công khai, dân chủ vì mục tiêu hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững. Mỗi huyện, thành phố thành lập 1 hoặc 2 CLB cấp huyện, tùy theo số lượng xã, phường, thị trấn và điều kiện đi lại của người dân trên địa bàn. Số lượng CLB cấp xã, cấp ấp không hạn chế, mà tùy thuộc vào việc tổ chức thực hiện của địa phương đó. Số lượng thành viên chính thức của mỗi CLB không quá 25 người, cùng với khoảng 15 người được mời tham dự mỗi lần sinh hoạt CLB. Các CLB này được tổ chức sinh hoạt luân phiên tại UBND các xã, phường, thị trấn (đối với CLB cấp huyện, thành phố), tại các ấp, khu phố (đối với CLB cấp xã, thị trấn) và tại các tổ NDTQ (đối với CLB cấp ấp). Mỗi CLB sinh hoạt mỗi quý hoặc mỗi tháng một kỳ. CLB cấp nào do UBND cấp đó ra quyết định thành lập. CLB chịu sự quản lý của BCĐ giảm nghèo cùng cấp. Riêng CLB cấp ấp do UBND cấp xã ra quyết định thành lập và chịu sự quản lý của BCĐ cấp xã. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ một CLB thí điểm đầu tiên ở huyện Châu Thành năm 2001, đến nay, toàn tỉnh đã có 53 CLB (11 huyện, 28 xã và 7 ấp,7 câu lạc bộ người nghèo). Dự kiến năm 2010, ngành sẽ nhân rộng thêm 1 CLB cấp huyện và 3 CLB cấp xã.
Thông qua hoạt động của CLB, những cán bộ mới nhận nhiệm vụ có điều kiện trao đổi học tập kinh nghiệm, nhanh chóng nắm bắt được công việc. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực giảm nghèo, như: vay vốn, nhà ở, dạy nghề - giới thiệu việc làm, y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội… được các cán bộ thương binh - xã hội, lãnh đạo và các ngành, đoàn thể các xã, thị trấn nắm bắt kịp thời; từ đó có sự chỉ đạo và phối hợp triển khai khá tốt đến người nghèo. Với hình thức giao lưu, trao đổi, tham quan học tập…, nhiều mô hình sản xuất vượt nghèo có hiệu quả được giới thiệu và được nhân rộng. Việc tổ chức sinh hoạt luân phiên tại các xã đã giúp BCĐ và nhiều ban ngành, đoàn thể của các địa phương nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo.Thông qua các ý kiến trao đổi, đóng góp tại các buổi sinh hoạt CLB, từng địa phương đã đánh giá được những mặt tích cực và hạn chế trong việc phối hợp triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, kịp thời chấn chỉnh những mặt còn hạn chế.
Hoạt động của các CLB đã từng bước thiết lập mối quan hệ gắn kết giữa các ngành, đoàn thể xã, ấp, tổ NDTQ, tổ tương trợ trong việc phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo ở nhiều địa phương. Đây là một mô hình hoạt động mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho công tác giảm nghèo trong thời gian qua. Mô hình này sẽ được phát huy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy công tác giảm nghèo ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực.