Phát triển du lịch huyện trở thành điểm nhấn

10/07/2020 - 07:04

BDK - Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch mang giá trị đặc thù về truyền thống lịch sử cách mạng cùng với văn hóa nghề dừa đậm nét, huyện Mỏ Cày Nam có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển ngành du lịch địa phương trở thành điểm nhấn quan trọng trong bức tranh du lịch xứ Dừa. Ngành du lịch huyện đã có những bước nhìn nhận, đánh giá kết quả đã đạt, đồng thời đề ra hướng đi cho giai đoạn phát triển mới.

Khách du lịch đi tour khám phá vẻ đẹp miền quê, thăm Di tích Đồng Khởi ở xã Định Thủy. Ảnh: Văn Phong

Khách du lịch đi tour khám phá vẻ đẹp miền quê, thăm Di tích Đồng Khởi ở xã Định Thủy. Ảnh: Văn Phong

Tài nguyên du lịch đặc thù

Mỏ Cày Nam là địa phương sở hữu tài nguyên du lịch rất đặc thù, không địa phương nào có. Đó chính là danh xưng “cái nôi Đồng khởi”, với truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của Bến Tre. Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt - Di tích Đồng Khởi là điểm son đầy tự hào của địa phương, là địa chỉ đỏ mà hàng năm, rất nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Cùng với Di tích Đồng Khởi, huyện còn có Di tích chùa Tuyên Linh cũng là điểm nhấn quan trọng trong hành trình tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh.

Khía cạnh văn hóa, nghề làm dừa và hoạt động sôi nổi của chợ dừa sông Thom những năm gần đây đang được đông đảo du khách trong và ngoài nước quan tâm, tìm đến. Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh đã và đang có động thái tìm hiểu, kết nối cũng như xây dựng các tuyến du lịch lấy chợ dừa sông Thom làm điểm nhấn khi thiết kế tour tham quan xứ Dừa Bến Tre. Bởi lẽ, không nơi nào mà các hoạt động của nghề chế biến dừa lại được tập hợp đầy đủ như ở khu vực sông Thom này. Đi tàu trên tuyến sông Thom, du khách có thể tham quan hết các khâu chế biến dừa, các hoạt động trao đổi mua bán dừa.

Bên cạnh đó, môi trường thiên nhiên trong lành cùng với các điểm đình, chùa gắn với những huyền tích hấp dẫn cũng thuận lợi để khai thác du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Mỏ Cày Nam xác định hướng đi của ngành du lịch là phát triển đa dạng các loại hình dựa vào tiềm năng về tự nhiên, văn hóa, con người. Phát triển du lịch bền vững, bảo đảm hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường theo hướng du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa gắn với bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp.

Các sản phẩm du lịch chủ đạo của Mỏ Cày Nam là: du lịch văn hóa - lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng; du lịch sinh thái kết hợp các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với phát triển loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch văn hóa truyền thống cách mạng gắn với bảo tồn, nâng cấp Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Đồng khởi và Khu di tích quốc gia chùa Tuyên Linh.

Để xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả, huyện chủ trương quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, nhất là trên lĩnh vực trồng cây ăn trái như vườn dừa, vườn bưởi da xanh, những mương vườn nuôi tôm càng xanh kết hợp với du lịch sinh thái. Xây dựng các mô hình tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch. Đồng thời, huyện xây dựng du lịch làng nghề, trong đó chú trọng nghề chế biến dừa trên sông Thom, làm sản phẩm du lịch chủ đạo.

Huyện có hướng đầu tư phát triển khu vực cồn Thành Long trở thành khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và làng du kích xã Định Thủy gắn với việc tham quan, thưởng ngoạn sông nước cặp tuyến sông Cổ Chiên, Hàm Luông, các vườn dừa, vườn bưởi da xanh tạo nên cụm du lịch liên hoàn giữa các xã lân cận. Huyện đẩy mạnh mời gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Tăng cường xúc tiến phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương trên các phương tiện truyền thông.

 Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích