Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan kịp thời, kiên quyết chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; có những chuyển biến căn bản, ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất và kinh doanh, cán bộ quản lý, người tiêu dùng được nâng cao, hình thành nếp sống văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, các cấp, ngành chức năng kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm.
Trong 11-2019, đoàn thanh, kiểm tra phát hiện hơn 65.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 15,22% tổng số cơ sở được kiểm tra; phạt tiền gần 12.000 cơ sở với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng, trong đó một số địa phương xử phạt cao như Hà Nội - phạt hơn 13,8 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh - hơn 8 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn trên toàn quốc, đảm bảo gia tăng ở cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, số điểm bán sản phẩm, nhằm tăng thị phần cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.492 chuỗi, 2.381 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi, thu hút sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty và một số tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thách thức lớn nhất hiện nay với công tác an toàn thực phẩm là nguy cơ về mất an toàn thực phẩm do thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng… của trên 8 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ; đòi hỏi các bộ, ngành phải tiếp tục tuyên truyền vận động; thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn chưa chặt chẽ; còn tồn tại nhiều vấn đề nóng cần tập trung giải quyết như việc giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm soát việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả; nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao tại các khu công nghiệp, trường học; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm các quy định pháp luật, gây bức xúc trong dư luận…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, tập trung vào các vấn đề chính như: tình trạng thực phẩm nhập lậu; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng hóa chất kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; kiểm soát các cơ sở giết mổ; quan tâm đến hoạt động cấp phép các phòng kiểm nghiệm…
“Cần quyết liệt trong việc quản lý, xử lý các quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, vô văn hóa, phản cảm trên mạng xã hội, truyền hình… gây bức xúc trong dư luận hiện nay; rà soát lại các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành về các loại thực phẩm chức năng, qua đó đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, các bộ ngành, địa phương cần chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian cao điểm như mùa du lịch, lễ hội, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng, giải pháp cụ thể xây dựng “bản đồ an toàn vệ sinh thực phẩm”; công khai các trang trại, mô hình sản xuất sạch, cơ sở giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn, cửa hàng bán thực phẩm sạch, địa chỉ phòng kiểm nghiệm các cấp, thậm chí cả danh sách các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm… để người dân có cơ sở truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tiếp cận nguồn thực phẩm uy tín, có chất lượng, qua đó tạo thành phong trào sử dụng thực phẩm an toàn trên cả nước.
Năm 2020, Bộ Y tế có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện đánh giá tác động Luật An toàn thực phẩm; thúc đẩy hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn thực phẩm tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; quản lý chặt chẽ việc quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Nguồn: TTXVN