Vừa qua, kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc. Ngay ngày đầu tiên, Chính phủ trình Quốc hội 7 giải pháp lớn để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2012 sắp đến và các năm tiếp sau. Quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội thể hiện ý chí của toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Một trong những giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh là “nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường công tác phòng chống tham nhũng”.
Điều tất yếu và cũng là yêu cầu của thời đại là muốn nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội của đất nước, mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp thì người làm lãnh đạo, quản lý phải đổi mới phong cách lãnh đạo. Vậy, phong cách của người làm lãnh đạo cần đổi mới và phải đổi mới như thế nào?
Có một thời, người dân phải “chịu trận” với kiểu phong cách lãnh đạo theo lối quan liêu, mệnh lệnh. Mọi lời nói, cử chỉ, thậm chí cả suy nghĩ chưa nói ra của người được gọi là “sếp” đều trở thành tối thượng, cấp dưới nhất nhất tuân theo. Lại có chuyện “một người làm quan cả họ được nhờ”, người có chức quyền “qui hoạch” nhân sự là bà con dòng họ vào cơ cấu tổ chức do mình quản lý để tăng sức mạnh và ảnh hưởng của quyền lực. Phong cách lãnh đạo duy ý chí, quan liêu, cửa quyền không tôn trọng dân và thiếu dân chủ ấy đã bị phê phán, đẩy lùi từ cách nay 25 năm, khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Trong quá trình chuẩn bị văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp, nhiều vấn đề hạn chế, khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và phong cách lãnh đạo được thẳng thắn phân tích, “mổ xẻ” với mục tiêu nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý trước yêu cầu, nhiệm vụ đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Những hạn chế đó là: phong cách, lề lối làm việc đổi mới chậm, hội họp còn nhiều, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu và chưa đồng bộ về chất lượng. Một số đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý thiếu năng lực và bản lĩnh trong đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các qui định của Đảng, Nhà nước và bị kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc. Người có chức vụ, quyền hạn được giao những nhiệm vụ, trọng trách phục vụ đất nước, nhân dân. Song, chỉ cần thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc bị chủ nghĩa cá nhân chi phối thì không những hiệu quả lãnh đạo, quản lý không được thực thi đến nơi, đến chốn mà có lúc, có khi gây nên tác hại khôn lường. Chẳng hạn, bác sĩ trưởng khoa vì lơ là trách nhiệm, chỉ định tiêm thuốc cho bệnh nhân không phù hợp, sai qui trình là có thể dẫn tới người bệnh tử vong; kỹ sư trưởng do hạn chế kiến thức chuyên môn khi thiết kế công trình có thể dẫn tới sập cầu, nghiêng nhà khi thi công. Nhà quản lý mà chỉ ngồi phòng giấy viết kế hoạch, không nắm chắc tình hình thực tế tại cơ sở thì kế hoạch viết ra không khả thi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ năm 1947 đã quan tâm nhiều đến việc đào tạo, rèn luyện cán bộ cách mạng nói chung và năng lực, bản lĩnh của người làm công tác lãnh đạo, quản lý nói riêng. Quan điểm của Người về cán bộ và vai trò cán bộ là: “Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Có nhiều vấn đề người làm lãnh đạo, quản lý cần quan tâm rèn luyện khi thể hiện phong cách lãnh đạo, trong đó trước hết là ba vấn đề được khái quát trong ba chữ LIÊM-TRÍ-DŨNG. LIÊM ở đây là liêm chính, trong sáng, là tiêu chuẩn hàng đầu của người lãnh đạo. Người không có đức “LIÊM” thì dễ thiên lệch, biến của công thành của tư. Hồ Chủ tịch đã cảnh báo, người không LIÊM thì “đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng”. Thứ hai, người làm lãnh đạo phải có đức “TRÍ”, tức là phải có kiến thức, trí tuệ để nắm bắt qui luật, nắm chủ trương, đường lối để tuyên truyền vận động nhân dân. “TRÍ” còn là năng lực biết người, dùng người, tập hợp nguồn lực hiệu quả; biết xây dựng kế hoạch và các bước thực hiện kế hoạch để đạt mục tiêu đề ra. Thứ ba là đức “DŨNG”, khi lãnh đạo và làm việc phải mạnh dạn, quả quyết, thống nhất giữa nói và làm, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Người có bản lĩnh, có “DŨNG” thực sự trước hết phải có LIÊM, và TRÍ. Người làm lãnh đạo phải quan tâm đến công tác dân vận và có năng lực cùng tập thể lãnh đạo làm dân vận khéo, dân vận giỏi. Khi ấy ý Đảng, lòng dân hòa hợp, sức mạnh tăng lên bội phần.
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhận thức về phong cách lãnh đạo và mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo và hiệu quả lãnh đạo, quản lý có sự vận động, ngày càng hoàn thiện. Đó là việc đặt ra vấn đề “đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”, rồi nâng lên thành “đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác”. Nếu phương thức lãnh đạo nhấn mạnh mặt cách thức, biện pháp chung gắn với những quan điểm, nguyên tắc lãnh đạo thì phong cách lãnh đạo chú trọng nét riêng của mỗi cán bộ, đảng viên khi được giao chức trách nhiệm vụ lãnh đạo. Cái riêng trong phong cách lãnh đạo thể hiện qua cách thức, phong thái làm việc, trong hành vi và hoạt động thực tiễn. Phong cách lãnh đạo sẽ tạo nên dấu ấn sâu đậm đối với người cấp dưới khi người lãnh đạo năng động, sáng tạo và đạt được hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Vai trò lãnh đạo, quản lý đã và đang trở nên rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ngày nay, nhất là trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nền kinh tế tri thức, xây dựng mô hình nông thôn mới. Do sự đòi hỏi của cuộc sống tất yếu, người làm công tác lãnh đạo, quản lý cần có sự đổi mới cả về phương thức lãnh đạo và phong cách lãnh đạo. Trong Qui hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2020 đã định hướng thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Cụ thể là: tất cả các sở, ngành cấp tỉnh phải có chuyên gia có khả năng hoạch định chính sách, 100% cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã phải đạt chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, từ trung cấp trở lên, đồng thời 100% phải được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và thái độ làm việc phù hợp với vị trí đang đảm nhiệm.
Kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững thế trận quốc phòng - an ninh trong mọi tình huống, khai thác tiềm năng kinh tế vườn, kinh tế thủy hải sản, kinh tế biển… là những nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra cho địa phương, mỗi ngành, mỗi đơn vị. Đó cũng là môi trường thực tiễn để tập thể, cá nhân làm công tác lãnh đạo thể hiện tài năng, đức độ và phong cách của mình.