Phóng viên nhỏ và sân chơi của... thiếu niên

18/06/2010 - 15:31
Phóng viên nhỏ đang tác nghiệp. Ảnh: H.T

Bắt đầu từ một dự án dành cho đối tượng trẻ em nghèo ở Thị xã (nay là Thành phố) và huyện Bình Đại do Đài Tiếng nói Việt Nam tài trợ, đến nay, Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ (CLB PVN) tỉnh đã được nhân rộng ở các huyện, thành. Các PVN trở thành chủ bút của đặc san Tuổi thơ xứ dừa.

Từ khi ra đời cho đến nay (năm 2005), mặc dù còn nhiều hạn chế song CLB PVN là điểm hẹn không thể thiếu của những học sinh có chung niềm đam mê viết báo. Chị Trần Thị Chấm – Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh cho biết, sau khi dự án dành cho trẻ em nghèo của Đài Tiếng nói Việt Nam tài trợ kết thúc, CLB PVN gần như ngừng hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều học sinh có nhu cầu sinh hoạt CLB. Vì thế, Nhà Thiếu nhi tỉnh tìm mọi cách để CLB hoạt động trở lại. Ban đầu chỉ là những học sinh ở thành phố Bến Tre, sau đó là Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Bắc... Nhà Thiếu nhi tỉnh cũng đã cho ra đời đặc san Tuổi thơ xứ dừa (TTXD), lấy đó làm diễn đàn riêng cho trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình.
Hiện nay, CLB PVN rất đa dạng đối tượng tham gia, đa số là học sinh. Mặc dù học ở các khối lớp khác nhau nhưng các em có cùng đặc điểm là yêu thích sáng tác văn chương, viết lách. Để có đội ngũ cộng tác viên cho TTXD, Nhà Thiếu nhi tỉnh không ngừng mở nhiều lớp tập huấn với sự hỗ trợ nghiệp vụ của các phóng viên báo, đài trong và ngoài tỉnh. Chỉ trong vòng tháng 5-2010, đã có 2 lớp tập huấn kỹ năng viết báo được mở ra ở huyện Ba Tri và Mỏ Cày Nam. Vậy là, đã có hai thế hệ PVN trưởng thành từ  môi trường CLB PVN, từ nhóm Tuyết Minh, Thuận Hiền, Tấn Tài… đến nhóm Thuận Phát, Thảo Sương, Thiên Trí, Anh Thơ... Hầu hết các em đều sử dụng máy quay phim, máy vi tính, máy ảnh thành thạo và có kỹ năng tác nghiệp rất tốt. Các em đã thực hiện được nhiều phóng sự, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên báo Mực Tím và đặc san TTXD...
Có thể nói, CLB PVN không chỉ là sân chơi lành mạnh mà còn là nơi bồi dưỡng kỹ năng để các em học sinh thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình. Em Nguyễn Thiên Trí, lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Em tham gia CLB PVN mục đích là để học các kỹ năng làm báo trước khi đăng ký thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với chuyên ngành Báo chí – ngành mà em yêu thích từ lâu”. Hơn nữa, CLB PVN còn là nơi các em nhỏ có thể rèn luyện cách viết văn và tính cách. “Năm cấp hai em đã thích học môn Văn và thích viết văn. Lúc đầu  em rất rụt rè, sau khi tham gia CLB PVN, em tự tin hẳn. Ở đây em học được nhiều điều thú vị, như: kỹ năng viết báo, kỹ năng giao tiếp, nói trước công chúng và đi tác nghiệp ở nhiều nơi. Hơn một năm tham gia CLB, em đã có 7 bài viết được đăng báo”, em Ngô Thuận Phát, Trường THPT Phú Hưng kể. Với Nguyễn Thiên Trí, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành cũng vậy, từ khi sinh hoạt ở CLB PVN, ngoài biết viết tin, bài, chụp ảnh, quay phim, Trí còn làm quen rất nhiều bạn, được vui chơi, ca hát...
Có diễn đàn TTXD, được phát hành định kỳ 2 tháng/kỳ, các PVN Bến Tre tích cực sáng tác với nhiều đề tài khác nhau thông qua chuyên mục như Nghiệp vụ, Bạn bè quanh ta, Lăng kính tuổi thơ, Tâm sự hoa dừa, Thư giãn - giải trí, Cuộc sống quanh em, Trang viết tuổi thơ... Với cách thể hiện hồn nhiên, các em đã phản ánh sinh động cuộc sống xung quanh mình; những vấn đề thời sự của thế giới tuổi “teen”; về hoạt động Đoàn, Đội; về các chính sách liên quan đến trẻ em và Quyền trẻ em; về trường lớp, gia đình, bạn bè, ước mơ, tình cảm... Hỹ Nhi, lớp 9, trường THCS thị trấn Mỏ Cày Nam, cộng tác viên và cũng là độc giả trung thành của đặc san TTXD nói: “Em hay chọn đề tài về trường, lớp để viết vì nó gần gũi với em. Sau câu chuyện kể của em bao giờ cũng có một thông điệp đi kèm gửi đến tất cả các bạn học sinh để nâng cao ý thức việc bảo vệ trường lớp mình đang học.
“Mặc dù còn hạn chế nhiều mặt nhưng so với các tỉnh, thành trong khu vực, Bến Tre là đơn vị có CLB PVN hoạt động hiệu quả nhất và có hẳn một đặc san dành riêng để đăng tải bài viết của trẻ em. Vì TTXD là diễn đàn duy nhất của trẻ em Bến Tre nên Nhà Thiếu nhi tỉnh sẽ cố gắng phối hợp với Hội đồng đội các trường học để đưa TTXD đến với học sinh, nhất là học sinh nghèo; mở thêm nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho PVN ở các huyện, thành; tổ chức trại sáng tác cho PVN giúp các em cọ xát thực tế và rút ra kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình tác nghiệp”, Giám đốc Trần Thị Chấm cho biết.
Nhìn chung, rất khó để tạo sân chơi trí tuệ cho trẻ em, song với trách nhiệm cao, những người làm công tác thiếu nhi đã tích cực vận động kinh phí để TTXD hoạt động cho đến ngày hôm nay. Chị Chấm chia sẻ: “Mong rằng, các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân góp sức để trẻ em Bến Tre nói lên tiếng nói của mình, thực hiện các quyền cơ bản như Quyền Trẻ em quy định là quyền tham gia ý kiến; tham gia tiếp nhận thông tin phù hợp với lứa tuổi của mình.... Trước mắt, các em cần một tổ chức dìu dắt, tạo điều kiện thuận lợi để các em tác nghiệp như các anh chị phóng viên trong tỉnh”.

H.THI

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN