Sang trọng hoa vải voan

04/02/2013 - 08:38
Cô Hiền giới thiệu các loại hoa.

Một lần dạo bước về ấp Phú An, Phú Trị (xã Châu Hòa - Giồng Trôm), chúng tôi như bị cuốn hút trước vẻ mượt mà, mềm mại, kiêu sa của những cánh hoa vải voan mỏng mảnh, xinh xắn được làm ra từ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân miệt vườn. Ngoài các loại hoa tươi, hoa đất, hoa vải nỉ,… được bày bán trên thị trường, hoa vải voan được xếp vào hàng yêu thích không chỉ để trưng bày dịp lễ Tết, mà còn dùng để trang trí tại các cơ qua, trường học, gia đình để tăng thêm nét sang trọng, quyến rủ của loài hoa.

Hoa vải voan được làm ra, với sự cầu kỳ, tỉ mỉ rất cao. Người làm hoa phải chăm chút từng cánh hoa để kết dính mỗi cánh hoa thành một đóa hoa sao cho chắn chắn để tăng sức hấp dẫn cho hoa. Tính đến nghệ thuật thẩm mỹ, hoa vải voan còn tùy thuộc vào sự tinh ý của người làm hoa, qua cách phối màu, làm viền, giấu mối và cách bố trí từng nhánh hoa sao cho bắt mắt. Hoa vải voan được bày bán nhiều trong khu vực chợ phường 2 (TP.  Bến Tre). Tưởng chừng như loại hoa này chỉ thích hợp với người thành thị, nhưng không phải vậy, khi chúng tôi đến Châu Hòa mới biết, hoa vải voan còn phù hợp với người nông thôn. "Ai cũng có thể làm được hoa vải voan, nếu được học qua các lớp cơ bản về cách làm hoa vải" - cô Nguyễn Thị Hiền - giáo viên dạy bộ môn âm nhạc, tại Trường Tiểu học Lương Quới kiêm công tác hướng dẫn cách làm hoa vải voan ở xã Châu Hòa cho biết.

Ngoài thời gian lên lớp, cô Hiền còn hướng dẫn cho các em học sinh và các đồng nghiệp cách làm hoa vải voan. Đặc biệt, cô Hiền dạy miễn phí khi được mời dạy ở các câu lạc bộ nữ công hay chương trình đào tạo cho người thất nghiệp, nghèo ở nông thôn. Có rất nhiều học viên học cách làm hoa ở cô Hiền. Vào ngày chủ nhật hàng tuần, một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con nhà nghèo đến tận nhà cô học cách làm hoa và xem đó như nghề tay trái, để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học. Căn phòng được dành riêng cho hoa vải voan của cô Hiền ồn ào nháo nhiệt vào mỗi dịp cuối tuần.

Hoa vải voan được nhiều cơ quan, trường học trong xã, huyện đặt mua trang trí cho nơi làm việc của cơ quan thêm sinh động. Ngoài số lượng hoa giao cho cửa hàng hoa vải Phương Vy ( TP. Bến Tre) làm mẫu, cô Hiền còn làm rất nhiều hoa theo yêu cầu của người quen. 

Theo Đề án 1956 - dạy nghề cho người nghèo nông thôn, cô Hiền đã dạy một lớp có 37 học viên. Sau thời gian theo học, các chị em đều có thể làm hoa vải. Người làm để bán, người dùng trang trí hoặc biếu, tặng người thân như mang một lời nhắn nhủ yêu thương ý nghĩa nào đó trong dịp lễ tết hay một ngày đặc biệt quan trọng. Từ sự yêu hoa, thích tìm tòi, cô Hiền đã biết cách làm hoa vải voan từ sách, băng đĩa và qua mạng trực tuyến, rồi cô truyền sự yêu thích đó đến chị em trong xã.  

Chị Vương Thúy Phượng - chủ hộ làm hoa vải voan ở Châu Hòa chia sẻ: “Biết cách làm nên ghiền, mê lắm. Tôi vừa làm vừa giải trí, thấy cuộc sống thoải mái; đồng thời mang lại kinh tế. Nhiều chị em khác trong xã cũng nghĩ như tôi, nên ai cũng tranh thủ làm hoa. Một chậu hoa vải voan bán ra với giá từ 25 ngàn đến hơn một trăm ngàn, tùy theo loại lớn nhỏ”. Còn em Nguyễn Thị Trang Thi,thì luôn say mê làm hoa vải để tặng bạn bè cho vui...

 Chính sự phong phú của hoa vải voan đã tạo nhiều cảm hứng cho các nghệ nhân Châu Hòa trong quá trình sáng tạo nghệ thuật - làm hoa vải. Đó còn là niềm vui trong cuộc sống, khi thu nhập được cải thiện phần nào.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN